Phá tòa nhà “Hàm Cá Mập”, không nên thay bằng công trình mới thiếu bản sắc

Cập nhật: 08/04/2025

VOV.VN - Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc mở rộng không gian quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phá dỡ công trình Hàm Cá Mập là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, điều quan trọng là sau khi giải tỏa, không nên tiếp tục lấp đầy bằng những công trình mới thiếu bản sắc.

Trải qua hàng thế kỷ, Hồ Gươm không chỉ là thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội mà còn là không gian mang giá trị biểu tượng về lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Trong bối cảnh đô thị phát triển nhanh, bài toán đặt ra là làm sao để bảo tồn khu vực Hồ Gươm đúng với vai trò "di sản sống", không bị đóng khung trong quá khứ nhưng cũng không bị cuốn theo những thay đổi thiếu kiểm soát.

Không gian văn hóa biểu tượng cần được bảo tồn hợp lý

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Hồ Gươm cần được nhìn nhận như một “lõi văn hóa” của Hà Nội. Ông khẳng định: “Không gian đô thị Hà Nội – hay xa hơn là Thăng Long xưa – vốn tập trung quanh khu vực quận Hoàn Kiếm và mở rộng ra khu Thành cổ, tức khu vực Ba Đình ngày nay. Trải qua nhiều biến động, Hà Nội đã phát triển thành một siêu đô thị. Vì thế, khi nhìn về Hồ Gươm, ta không chỉ thấy giá trị nguyên bản mà còn phải đặt nó trong bối cảnh tổng thể của một thủ đô hiện đại”.

Hồ Gươm thực chất là phần còn lại của hệ thống sông Hồng cổ, từng mang tên hồ Lục Thủy do sắc nước xanh đặc trưng. Từ thế kỷ XVII đến XIX, khu vực này là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa và chính trị của Thăng Long. Tuy nhiên, đến thời nhà Nguyễn, khi kinh đô được chuyển vào Huế (1802), Hà Nội mất dần vai trò trung tâm.

Năm 1888, khi trở thành thành phố nhượng địa, Hà Nội bước vào thời kỳ đô thị hóa dưới quyền cai trị của Pháp. Chính quyền thuộc địa quy hoạch lại toàn bộ khu vực quanh Hồ Gươm, biến nơi đây thành trung tâm hành chính và không gian công cộng kiểu châu Âu. Một số công trình quan trọng như Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc được giữ lại, trong khi nhiều kiến trúc truyền thống khác – điển hình là chùa Báo Ân – bị phá bỏ để xây dựng các tòa nhà hành chính như Bưu điện, Tòa Thị chính…

Cho đến nay, Hồ Gươm vẫn giữ được những cụm di tích quan trọng, tiêu biểu như Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Đài Nghiên. Đây là các công trình mang tính biểu tượng gắn liền với lịch sử và văn hóa Hà Nội, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc đô thị.

Bên cạnh đó, khu vực xung quanh hồ còn là không gian sinh hoạt cộng đồng có giá trị cao. Từ hơn 20 năm nay, Hà Nội đã triển khai không gian đi bộ cuối tuần tại khu vực này, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch. Mô hình này được đánh giá là phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của các đô thị lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, một số công trình hiện đại được xây dựng sát khu vực Hồ Gươm lại làm nảy sinh nhiều tranh cãi. Trong đó, tòa nhà Trung tâm thương mại Hàm Cá Mập tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một ví dụ điển hình. Công trình này được xây dựng từ thập niên 1990, với kiến trúc mang tính thử nghiệm thời kỳ Đổi mới, nhưng bị đánh giá là không hài hòa về cảnh quan.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Hàm Cá Mập là một công trình kiến trúc mang dấu ấn của thời kỳ Đổi mới, đánh dấu thành công của việc xây dựng một công trình hiện đại trong bối cảnh đô thị hóa Hà Nội. Tôi đánh giá cao tài năng của kiến trúc sư đã tận dụng tối đa không gian và tầm nhìn để thiết kế công trình. Tuy nhiên, do chủ đầu tư giai đoạn đầu đã không tuân thủ hoàn toàn theo thiết kế ban đầu, đẩy diện tích xây dựng đến sát vách khu vực xung quanh, nên hình khối công trình trở nên cồng kềnh và mất cân đối. Chính từ đó, cái tên "Hàm Cá Mập" ra đời. Đây cũng là một dấu mốc đáng nhớ trong thời kỳ Đổi mới, khi lần đầu tiên dư luận xã hội thực sự có sức ảnh hưởng. Báo chí, giới chuyên môn, trong đó có Hội Sử học và Hội Kiến trúc sư, đã lên tiếng mạnh mẽ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy cũng rất quan tâm đến đô thị và kiến trúc, ông có hẳn một bộ phận tư vấn riêng. Nhờ đó, công trình này mới được điều chỉnh, dù mất nhiều năm để đạt được hình thức như hiện tại”.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc mở rộng không gian quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phá dỡ công trình Hàm Cá Mập là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, điều quan trọng là sau khi giải tỏa, không nên tiếp tục lấp đầy bằng những công trình mới thiếu bản sắc. Ông nhận định: “Chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh việc lấp đầy khu vực giải tỏa bằng quá nhiều công trình mới. Hồ Gươm cần được phát huy đúng cách, không nên tận dụng quá đà, vì điều đó có thể làm mất đi bản sắc vốn có”.

Ông cũng cho rằng Hàm Cá Mập là một biểu hiện đặc trưng của giai đoạn đô thị hóa đầu thập niên 90, khi lần đầu tiên dư luận xã hội có tiếng nói trong việc giám sát kiến trúc đô thị. Việc phá dỡ công trình này là cần thiết, nhưng cần thận trọng trong việc xác định chức năng thay thế.

Không thể bảo tồn bằng tư duy bảo tàng

Một trong những quan điểm quan trọng mà ông Dương Trung Quốc đưa ra là khái niệm “di sản sống”. Theo ông, không gian Hồ Gươm không thể bị bảo tồn như một bảo tàng, bởi đây là phần lõi sống động của thành phố, nơi quá khứ và hiện tại phải cùng tồn tại.

“Khi nói về truyền thống, cần hiểu rằng truyền thống không đơn thuần là những gì xưa cũ, mà là một quá trình vận động nhằm bảo tồn các giá trị bền vững. Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng truyền thống là giữ nguyên trạng, nhưng đó là công trình của bảo tàng. Còn một đô thị sống động thì không phải là một phế tích. Đô thị phải phát triển theo thời đại, không thể biến nó thành một bảo tàng sống”, ông nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng dẫn chứng một số ý tưởng từng bị dư luận phản đối như lắp nhạc nước, thả thiên nga đen xuống hồ… đều xuất phát từ tư duy hiện đại hóa không phù hợp với bản sắc không gian. Theo ông, thay vì tập trung đầu tư dàn trải tại Hồ Gươm, thành phố nên phát triển các không gian công cộng tại các hồ khác như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Linh Đàm để tránh tình trạng quá tải và dồn nén hoạt động vào một khu vực duy nhất.

Trong quá trình cải tạo không gian quanh Hồ Gươm, một yếu tố không thể thiếu là sự đồng thuận từ người dân và giới chuyên môn. Theo ông Dương Trung Quốc, nhiều ý tưởng tốt bị phản ứng vì chính quyền không kịp thời công bố rõ ràng về quy hoạch.

“Lẽ ra ngay từ đầu, thành phố nên công bố công khai, vẽ phối cảnh, minh họa bằng hình ảnh cụ thể. Người dân hiểu và thấy hợp lý thì sẽ ủng hộ. Nếu thông tin thiếu minh bạch, dư luận sẽ bị dẫn dắt bởi tin đồn, dẫn đến hiểu lầm không đáng có”, ông nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh, sự tham gia của cộng đồng – đặc biệt là giới trí thức, chuyên gia – là một nguồn lực quan trọng giúp đảm bảo tính bền vững trong quy hoạch. Nguyên tắc “công khai, minh bạch, có đối thoại” cần trở thành quy chuẩn trong mọi bước triển khai.

Cân bằng giữa giá trị cũ và nhu cầu mới

Liên quan đến việc di dời các công trình hành chính như Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Viện Văn học, Văn phòng Tiếp công dân thành phố ra khỏi khu vực Hồ Gươm, ông Dương Trung Quốc cho rằng đây là chủ trương hợp lý, không ảnh hưởng đến chức năng vận hành của thành phố.

“Việc tìm quỹ đất trong khu vực trung tâm rất khó khăn. Do đó, nếu có thể sáp nhập các cơ quan, chuyển sang địa điểm khác phù hợp thì sẽ vừa tiết kiệm không gian, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng công sở”.

Ông cũng lưu ý, việc cải tạo cần có tư duy đồng bộ – không chỉ phá bỏ những công trình không phù hợp, mà còn phải định hình rõ chức năng mới của không gian, tránh tình trạng bỏ trống hoặc sử dụng thiếu hiệu quả.

Ngoài các công trình hiện hữu, nhà sử học Dương Trung Quốc đề xuất xem xét khôi phục hoặc vinh danh một số không gian văn hóa mang giá trị lịch sử cao nhưng hiện đang bị lãng quên.

Chẳng hạn, hai căn nhà tại số 4 và 10 phố Hàng Đào – từng là trung tâm của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục – có thể được quy hoạch thành một bảo tàng giáo dục. “Đây là những di tích có giá trị lịch sử rõ ràng, nếu được phục dựng, có thể trở thành điểm nhấn về giáo dục truyền thống và cải cách văn hóa của Hà Nội”.

Tương tự, ông cho rằng nên di dời một số tượng đài như Cảm tử quân ra không gian phù hợp hơn, để trả lại sự thông thoáng cho quảng trường, đồng thời kết nối các địa điểm lịch sử lại thành một tuyến không gian văn hóa liên hoàn.

Từ những phân tích trên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng thành phố Hà Nội đang đứng trước một cơ hội lớn để tái định hình không gian di sản quanh Hồ Gươm. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, cần có sự kết hợp giữa tầm nhìn dài hạn, quy hoạch tổng thể và sự tham gia tích cực từ cộng đồng.

“Quy hoạch đô thị không chỉ là một ngành khoa học mà còn là nghệ thuật. Phải biết cái gì nên giữ, cái gì nên thay, và thay bằng cái gì. Nếu làm đúng, Hồ Gươm sẽ tiếp tục là không gian hội tụ của lịch sử, văn hóa và nhịp sống hiện đại”, ông nói.

Từ khóa: hàm cá mập, tòa nhà,công trình,hồ gươm,cải tạo hồ gươm,nhà sử học,dương trung quốc, hàm cá mập

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: ánh dương-hà phương/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập