PGS.TS Đào Duy Quát: Ai cũng cần ghi nhớ mong muốn cuối cùng của Bác
Cập nhật: 25/09/2019
Thủ tướng: Nếu không tạo đột phá, Đà Nẵng vẫn mãi "lẹt đẹt"
Bộ Nội vụ: Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị
VOV.VN -Khi chúng ta nói tư tưởng Hồ Chí Minh là nói đến hệ thống các quan điểm sâu sắc nhất về cách mạng Việt Nam.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố ngày 9/9/1969 là một văn kiện lịch sử quan trọng, kết tinh trí tuệ, đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh. Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Đào Duy Quát – nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – về giá trị của bản Di chúc sau 50 năm.
PGS.TS Đào Duy Quát – nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương |
Người là niềm tin tất thắng
PV: Thưa PGS.TS Đào Duy Quát, ông còn nhớ cảm xúc của mình lần đầu tiên được nghe bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
PGS.TS Đào Duy Quát: Năm 1969, tôi 24 tuổi, là Trung úy, cán bộ chính trị của Trung đoàn phòng không 210 được cử đi học lớp bổ túc cán bộ chính trị trường sĩ quan phòng không. Tôi và các đồng đội tham gia lễ tang của Bác trong niềm tiếc thương vô hạn. Trong nỗi đau thương, mất mát ấy, khi nghe Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đọc từng câu trong toàn văn bản Di chúc, toàn thể những người có mặt trên Quảng trường Ba Đình lúc ấy vẫn thấy được tư tưởng của Bác rọi sáng cho toàn Đảng, toàn dân con đường để đi tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến, xây dựng thành công một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh. Những lời dặn dò trong Di chúc của Bác mang đến cho toàn dân một niềm tin tất thắng vào sự nghiệp kháng chiến, sự nghiệp xây dựng một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc sau này.
PV: Thưa ông, trong điếu văn, đồng chí Lê Duẩn đã nói, bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử kết tinh trí tuệ, tâm hồn, tình cảm, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là giá trị cốt lõi của bản Di chúc?
PGS.TS Đào Duy Quát: Sinh - Lão - Bệnh - Tử là quy luật của muôn đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình một cách thanh thản, chủ động, sáng suốt và đầy trách nhiệm. Bản Di chúc chính là lời dặn dò cuối cùng của Bác đối với Đảng, đối với Dân tộc.
Về mặt tư tưởng, Di chúc là kết tinh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy khi chúng ta nói tư tưởng Hồ Chí Minh là nói đến hệ thống các quan điểm sâu sắc nhất về cách mạng Việt Nam. Những lời dặn dò này đã chỉ ra toàn bộ những định hướng, phương hướng rất cơ bản của cách mạng Việt Nam, những việc phải làm, những việc phải suy nghĩ để tiếp tục làm. Đây là ngọn đèn chiếu rọi con đường dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.
Bác cùng chúng cháu hành quân
PV: Trải qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có thể điểm lại những dấu mốc đáng nhớ của đất nước ta trên chặng đường nửa thế kỷ này?
PGS.TS Đào Duy Quát: Chặng đầu tiên chính là giai đoạn 1969 - 1975 - “Bác cùng chúng cháu hành quân”. Cả nước ta, đặc biệt là quân dân miền Nam, đẩy mạnh kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lập nên nhiều chiến công hiển hách để 30/4/1975 hoàn thành chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một dải. Khi giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước thì cả dân tộc đã vỡ òa: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.
Chặng thứ hai theo tôi là giai đoạn 1975 - 1985. Giai đoạn này chúng ta tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đồng thời thực hiện lời dạy của Bác về phá bỏ cái cũ, cái lạc hậu, xây dựng cái mới, tốt đẹp. Chúng ta đã hàn gắn vết thương của 30 năm chiến tranh. Đất nước đã hòa bình, thống nhất, bắt đầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giai đoạn này đã chắt chiu, chấp nhận rất nhiều gian khổ để xây dựng những công trình hạ tầng quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời đại mới. Nền nông nghiệp được tổ chức ở quy mô rộng hơn, đổi mới phương thức canh tác, công nghệ sinh học... tạo nên những thắng lợi bước đầu quan trọng của một nền nông nghiệp bắt đầu đi vào sản xuất lớn.
Tuy nhiên, chúng ta đã phạm những khuyết điểm nghiêm trọng trong cải tạo công thương nghiệp, tư bản tư doanh, vội vàng xóa các thành phần kinh tế, vội vàng đưa HTX lên quy mô toàn xã, cộng với vấn đề giá lương tiền dẫn đến kinh tế nước ta rơi vào cuộc khủng hoảng. Sản xuất đình trệ, rất khó khăn.
Chặng thứ ba từ năm 1986 đến nay, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã dũng cảm nhìn thẳng vào những khuyết điểm của mình, đã tự vươn lên, khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, như Bác Hồ nói, “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà córồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Đảng ta đã đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng an ninh và đối ngoại. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã làm bạn, trở thành đối tác, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược…với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ đây nước ta tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn nữa để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn
PV: Nội dung trọng yếu Bác nói đến trong Di chúc là về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Theo ông, thời gian qua, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được coi trọng như thế nào?
PGS.TS Đào Duy Quát: Trong bản Di chúc, Bác nói việc cần làm ngay sau khi kết thúc chiến tranh là phải xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tổ chức, xây dựng Đảng về tư tưởng, để cho Đảng mãi mãi là Đảng của trí tuệ, đảng của đạo đức, đảng gắn bó máu thịt với dân tộc này. Và tôi muốn nhấn mạnh là Đảng cộng sản cầm quyền chứ không phải là đảng chưa giành được chính quyền. Bác dặn dò phải chỉnh đốn Đảng làm sao cho Đảng cầm quyền này cán bộ, đảng viên phải thực sự là đầy tớ trung thành của nhân dân, phải đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trước hết.
Thực hiện Di chúc, năm 1969 Ban Bí thư đã ra một cuộc vận động chỉnh đốn Đảng nghiêm túc. Vừa giáo dục, rèn luyện đảng viên, vừa đưa ra khỏi đảng những đảng viên không đủ tư cách, vừa bồi dưỡng, kết nạp lớp đảng viên mới; vừa xây dựng, vừa chỉnh đốn. Kể từ năm 1969, thường xuyên có các cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nhưng cuộc sống vận động và xuất hiện các thách thức mới, đặc biệt là từ khi chúng ta bước vào nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, chưa từng có tiền lệ, nên mặt trái của cơ chế thị trường phá hoại nhiều thành quả. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm và khẳng định nó có nguy cơ đụng đến sự tồn vong của chế độ, nguy cơ đụng đến quyền lãnh đạo của Đảng.
Từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, phê bình tự phê bình gắn với bồi dưỡng chính trị cho toàn Đảng, đặc biệt cho cán bộ các cấp được đẩy mạnh. Rà soát, hoàn thiện hệ thống luật, hệ thống cơ chế chính sách ngày càng đồng bộ, đẩy mạnh hoạt động kiểm toán, thanh tra, điều tra... Niềm tin của dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ngày càng tăng. Nhưng cũng như đồng chí Tổng bí thư đã nói, chúng ta không được chủ quan. Cuộc đấu tranh cần kiên quyết hơn, phải xử lý được các vụ trọng án, đồng thời với đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng đất nước.
Trong bối cảnh đất nước ta hiện nay, bản Di chúc của Bác có ý nghĩa như thế nào đối với việc khơi dậy lòng yêu nước cũng như nỗ lực xây dựng đất nước, phát triển kinh tế?
Theo tôi nghĩ, khi đọc bản Di chúc, ai cũng cần ghi nhớ mong muốn cuối cùng của Bác, đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Di chúc của Bác đã khơi dậy trong mỗi người dân niềm tin vào Bác, mong muốn đóng góp phần rất thiết thực của mình để xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội, để đưa nước Việt Nam trở thành một đất nước độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ, hùng mạnh.
Chúng ta cần giáo dục ý nghĩa sâu sắc của bản Di chúc cho từng người dân, từng cán bộ đảng viên. Cần thực hiện tốt cơ chế giám sát quyền lực, đặc biệt giám sát các cán bộ có chức có quyền. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải thực sự là tấm gương đi đầu thực hiện trong việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xin cảm ơn ông!./. Nhận thức sâu sắc hơn giá trị thực tiễn của Di chúc Bác Hồ
Di chúc của Bác có ý nghĩa đặc biệt đối với công tác xây dựng Đảng
Tư tưởng vì con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Từ khóa: Di chúc của Bác Hồ, tư tưởng Hồ Chí Minh, PGS.TS Đào Duy Quát
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN