PGS.TS Bùi Hoài Sơn: "Văn hóa là một lĩnh vực vô cùng quan trọng để tạo ra con người"

Cập nhật: 19/11/2021

VOV.VN - Văn hóa là một lĩnh vực vô cùng quan trọng để tạo ra con người. Khi chúng ta có một môi trường văn hóa lành mạnh, sẽ tạo ra những con người có những phẩm chất tốt đẹp và ngược lại.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam là một nền văn hóa toàn diện, giữ gìn được cốt cách dân tộc, bảo đảm tính khoa học, tiến bộ, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển của văn hóa.

Quán triệt tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển bền vững đất nước. 

Để có thêm góc nhìn về văn hóa - một lĩnh vực vô cùng quan trọng để tạo ra con người Việt Nam, phóng viên Lại Hoa đã phỏng vấn Phó Giáo sư - Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khóa XV; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

PV: Thưa ông Bùi Hoài Sơn, Đảng ta nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước. Trải qua 75 năm, văn hóa đã trở thành nguồn lực nội sinh của đất nước?

Ông Bùi Hoài Sơn: Văn hóa của chúng ta thực sự góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng ta nói về một thời kỳ văn hóa kháng chiến, văn hóa cứu quốc. Trong thời kỳ đó, những bài hát, những câu thơ, các loại hình nghệ thuật đã tạo cho chúng ta một vũ khí tinh thần sức mạnh tinh thần, để chúng ta thêm yêu quê hương, thêm yêu đất nước, cùng nhau chia sẻ những giá trị chung.

Tất cả những cái giá trị này tạo ra sức mạnh to lớn để chúng ta vượt qua được những khó khăn, chiến thắng kẻ thù. Ngay trong những giai đoạn khó khăn gần đây thì chúng ta cũng thấy được vai trò của văn hóa. Dịch bệnh Covid là một tác hại rất to lớn. Đối với người Việt Nam chính nhờ các giá trị văn hóa dân tộc mình nên chúng ta vượt qua dịch bệnh một cách nhẹ nhàng hơn, chúng ta có niềm tin vững chắc hơn.

Chúng ta thấy rất nhiều những hình ảnh cho thấy sự đoàn kết, tình yêu thương chia sẻ của mọi người khi dịch bệnh diễn ra. Đó chính là những hình ảnh, câu chuyện vô cùng xúc động truyền cảm hứng cho rất nhiều người làm việc thiện nguyện, chia sẻ những nỗi khó khăn. Từ đó thì chúng ta cảm thấy những giá trị Việt Nam, văn hóa Việt Nam có sức sống để giúp cho chúng ta có một tinh thần vững chắc hơn, có một động lực vững chắc hơn để vượt qua khó khăn.

PV: Các Văn kiện từ Đại hội Đảng khóa 11 đến khóa 13 đều nhấn mạnh phải xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam. Chúng ta cần tập trung thống nhất những định hướng của 4 hệ giá trị cơ bản gồm: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cá nhân và hệ giá trị văn hóa. Ông đánh giá như thế nào về 4 điểm tựa này cho quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam?

Ông Bùi Hoài Sơn: Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới rất quan trọng. Chúng ta có thể phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, tập trung vào giáo dục hay bất kỳ một lĩnh vực nào đó thì mục đích cuối cùng vẫn là con người cụ thể.

Trong các nghị quyết về văn hóa luôn luôn đặt việc tập trung xây dựng con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng và để làm như vậy thì trong văn hóa ngoài hoạt động đa dạng như xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, từ đó tạo điều kiện cho việc tạo ra những con người có những phẩm chất tốt đẹp.

Tôi nghĩ rằng khó khăn, nhưng chúng ta phải tập trung thực hiện, đó là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam. Chúng ta biết được rằng: hệ giá trị là định hướng lớn để noi theo, hướng sự phát triển của mình đến những định hướng lớn đó. Đối với bất cứ một xã hội nào thì chúng ta cần có những hình mẫu lý tưởng ở phương diện quốc gia, trong các gia đình và đối với từng cá nhân.

Vì lý do đó chúng ta mong muốn xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam để có được sự tập trung trong nhận thức, hành động để có thể xây dựng con người trong một bối cảnh mà các yếu tố khác rất dễ làm cho chúng ta xao nhãng nhiệm vụ tập trung cho con người.

PV: Văn hóa dựa trên nền tảng học vấn và học thức văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển. Vì thế, cần hướng đến xây dựng con người Việt Nam một cách toàn diện và ông nghĩ sao về việc xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới?

Ông Bùi Hoài Sơn: Tất cả những gì liên quan đến con người rất phức tạp, chúng ta cần sự nỗ lực với những hành động mang tính tổng thể thì mới có thể giải quyết được những câu chuyện liên quan đến con người. Văn hóa là một lĩnh vực vô cùng quan trọng để tạo ra con người. Khi chúng ta có một môi trường văn hóa lành mạnh, sẽ tạo ra những con người có những phẩm chất tốt đẹp và ngược lại.

Không chỉ liên quan đến văn hóa các lĩnh vực khác về kinh tế, về chính trị, về giáo dục về khoa học, công nghệ cũng là những yếu tố có thể tác động vào việc xây dựng con người. Chúng ta cần có sự phối hợp, chung tay để xây dựng con người, điều quan trọng là có nhận thức đầy đủ, tiếp theo thể chế hóa nhận thức thành văn bản luật, chính sách xây dựng con người.

Bên cạnh đó, tập trung các nguồn lực để xây dựng con người, từ nguồn lực về tài chính, từ nguồn lực về cơ sở vật chất, từ nguồn lực về nhân lực để tạo điều kiện cho hoạt động xây dựng con người phát triển con người đúng theo những gì chúng ta mong muốn.

Việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 cho chúng ta thấy rằng, Đảng và Nhà nước của chúng ta vô cùng quan tâm đến việc xây dựng con người để huy động trí tuệ tập thể, huy động sự quan tâm của toàn xã hội, huy động việc triển khai các kế hoạch trong thực tiễn và chúng ta hoàn toàn có lý do để tin tưởng, kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực mạnh mẽ trong thời gian sắp tới trong việc xây dựng con người Việt Nam./.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Từ khóa: Bùi Hoài Sơn, văn hóa, văn hóa, văn hóa việt nam, văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập