PCI: Chỉ số đóng góp đáng kể vào cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam
Cập nhật: 09/05/2024
VOV.VN - Sáng nay 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023. Gần 20 năm qua, Chỉ số PCI vẫn luôn được đón nhận, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng chia sẻ, đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương. Qua đó, đóng góp đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Kể từ năm 2005, với sự đồng hành của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bắt đầu công cuộc điều tra, nghiên cứu và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (gọi tắt là PCI) thông qua các nghiên cứu, cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Đúng như đánh giá của cơ quan nghiên cứu chỉ số này, việc công bố PCI đã thể hiện một bước chuyển tư duy quan trọng tại Việt Nam - khi chính các doanh nghiệp - những người đang thụ hưởng các dịch vụ hành chính công có quyền và trách nhiệm đánh giá về chất lượng dịch vụ. Đồng thời, thông qua cảm nhận của hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân, mức độ lắng nghe và hành động đáp ứng của chính quyền địa phương dành cho cộng đồng doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều theo thời gian.
Với PCI 2023, VCCI bước vào năm thứ 19 công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Vẫn là các bảng hỏi, được tổng hợp điểm số theo thang điểm 100 thông qua 10 chỉ số thành phần liên quan tới những lĩnh vực quan trọng nhất của môi trường kinh doanh, như: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động của chính quyền địa phương; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; và Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Song, qua mỗi mùa công bố, PCI luôn xuất hiện những nghiên cứu mới mẻ, gắn với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tất cả đều cho thấy sự cải thiện đáng kể của chỉ số này, đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi phải làm tốt hơn công tác điều hành chính sách từ cấp địa phương, đến việc thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cấp Trung ương.
Có thể kể đến những thay đổi đáng kể của PCI, như việc điều tra thường niên PCI - FDI được tích hợp với điều tra PCI kể từ năm 2010. Đây không chỉ là kênh giúp khối doanh nghiệp FDI phản ánh về chất lượng điều hành kinh tế và cơ sở hạ tầng tại địa phương - nơi họ đầu tư mà còn là nguồn thông tin hữu ích để cải thiện chính sách thu hút đầu tư FDI của Việt Nam.
Hay trước những tác động trực tiếp của đại dịch covid-19, VCCI đã công bố PCI 2020 bằng bản báo cáo hết sức kỹ lưỡng về những “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam”. Gần đây nhất, PCI 2022 đã lần đầu tiên nghiên cứu và công bố thêm Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) - bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh. PGI đã cho thấy: Môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường. Việc chính quyền thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời các quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ môi trường có thể giảm bớt những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường cho sức khỏe người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngược lại, khi các doanh nghiệp càng triển khai nhiều hoạt động “chuyển đổi xanh” cũng sẽ góp phần quan trọng vào giảm bớt ô nhiễm môi trường tại các địa phương.
Rõ ràng, việc tiếp tục công bố “Chỉ số Xanh cấp tỉnh” (PGI) cùng với PCI 2023 hôm nay đã khẳng định nỗ lực của VCCI trong việc cam kết đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các địa phương, để vừa cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, cũng đồng thời phải quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Môi trường kinh doanh trong các công bố PCI gần đây cho thấy, chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Đó là công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực; gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được giảm bớt cho các doanh nghiệp; các thủ tục gia nhập thị trường đã thuận lợi hơn và cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả tích cực…
Thông qua phản ánh của doanh nghiệp, PCI cũng chỉ ra những khó khăn mới của doanh nghiệp cùng những điểm cần được quan tâm hơn, như: các trở ngại trong tiếp cận đất đai vẫn có dấu hiệu gia tăng; Môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các DNNVV; Tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại… qua đó, đòi hỏi chính quyền cần đảm bảo tính ổn định, nhất quán của việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi của đội ngũ cán bộ các cấp.
Từ một chỉ số do các doanh nghiệp đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và mức độ tạo thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh của địa phương, PCI thực sự đã đồng hành với tiến trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Sự thay đổi rõ ràng trong tư duy của chính quyền cấp tỉnh sau mỗi mùa PCI được công bố. Từ sự “xấu hổ” khi bị đánh giá ở mức thấp trong bảng xếp hạng PCI đã khiến cho nhiều địa phương quyết tâm cải thiện năng lực của mình để “nâng hạng”. Rồi quyết tâm “giữ hạng”, “thăng hạng” đã cho thấy một nền hành chính công thực sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của không ít chính quyền. Và đâu đó “thương hiệu chính quyền” đã xuất hiện ở nhiều địa phương!
Từ khóa: PCI, PCI, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyên long/vov1
Nguồn tin: VOVVN