Panorama - Để mới khó, bỏ thì quá dễ
Cập nhật: 21/01/2021
Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa (30/11/2024)
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
[VOV2] - Như rất nhiều công trình xây dựng mới nằm ở vùng có cảnh quan đẹp, chuyện về nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) đã và đang tạo nên 2 luồng ý kiến khác nhau: Đồng tình và phản đối.
Đây là điều bình thường trong một xã hội dân chủ, mỗi người đều có quyền nói lên tiếng nói của mình từ những góc nhìn khác nhau. Điều quan trọng là tầm nhìn của các nhà quản lý, những người có quyền quyết định với số phận của các công trình này.
Họ sẽ phải giải một loạt các bài toán mà nhiều khi chỉ là sự cân đong, đo đếm giữa cái được và mất, thậm chí, được nhiều hơn hay mất nhiều hơn, chứ không đòi hỏi sự hoàn mỹ và càng không thể thỏa mãn ý muốn của tất cả mọi người bởi “mỗi người mỗi ý”.
Vậy thì với nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng, cái được, cái mất là gì? Cá nhân tôi cho rằng cái được ở đây nhiều hơn cái mất nên việc cho phép xây dựng nhà hàng này là hợp lý.
Thứ nhất, Mã Pì Lèng là đỉnh núi cao, nằm trên tuyến đường huyết mạch vốn nhiều đèo dốc quanh co, hiểm trở lại hầu như vắng bóng nhà dân. Vì thế, việc có một nhà hàng trên đoạn đường này không đơn thuần là nơi ngắm cảnh mà còn là chốn nghỉ chân, đồng thời cũng là nơi “cứu hộ” cho du khách nếu không may gặp ốm đau hay tai nạn.
Thứ hai, đây sẽ là điểm tham quan hấp dẫn để du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp hung vĩ và thơ mộng của mảnh đất này.
Thứ ba, về lợi ích kinh tế, nếu phát triển tốt, đây sẽ là điểm du lịch góp phần giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương.
Còn về cái mất, nhiều ý kiến lo ngại việc xây dựng sẽ phá vỡ cảnh quan và sự lo lắng này là có lý, đặc biệt là khâu vệ sinh, môi trường. Do đó, tôi cho rằng nên cho phép nhà hàng này hoạt động, thậm chí, cần mở mang thêm nhiều loại hình dịch vụ khác, nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường và ít làm ảnh hưởng đến cảnh quan nhất.
Đây cũng là quan điểm của PGS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - khi ông cho rằng, việc này đáp ứng nhu cầu tiếp cận cũng như hưởng thụ di sản của cộng đồng và cũng là cách thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương, tạo nguồn thu để đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di sản.
Tuy nhiên, ông Bài cũng đặc biệt nhấn mạnh: "Nằm gần vùng lõi di sản, việc xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường cần được đặt ra nghiêm túc".
Có lẽ cũng cần nhắc về hai công trình cáp treo từng gây nhiều tranh cãi, đó là cáp treo Yên tử và cáp treo Fansipan.
Khi xây dựng 2 công trình này, đã có rất nhiều ý kiến phản ứng dữ dội. Song, nếu như không có cáp treo Yên Tử, con đường độc đạo sẽ không thể chịu được áp lực của hàng chục vạn người đổ về mỗi dịp lễ hội và đường tùng ngàn năm tuổi sẽ chết bởi sự giày xéo của bàn chân con người. Còn nếu không có cáp treo Fansipan, “nóc nhà Đông Dương” hẳn sẽ chỉ dành cho những “phượt thủ” mạnh khỏe, trẻ trung và Sa Pa cũng sẽ không thể trở thành một đô thị sôi động, sầm uất như bây giờ. Nó cũng là nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Lào Cai.
Bảo tồn và phát triển luôn gắn kết chặt chẽ với nhau, đồng thời là bài toán khó mà nhiều khi ta phải chấp nhận, hài hòa giữa được và mất chứ không thể cầu toàn, càng không thể thỏa mãn mọi yêu cầu, mong muốn.
Hà Giang nên tham khảo nhiều luồng ý kiến để từ đó có một qui hoạch hợp lý, đồng thời giúp người dân khắc phục những sai phạm. Xa hơn nữa, nên xây dựng nơi đây thành một trung tâm du lịch cộng đồng.
Với Panorama - Để mới khó, còn bỏ thì quá dễ!
BÙI HOÀNG TÁM
Từ khóa: Ma Phi Leng, du lich cong dong, cai tao, panorama, bui hoang tam
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2