Pakistan không còn mặn mà với Trung Quốc trong hợp tác kinh tế?
Cập nhật: 19/10/2019
VOV.VN - Trái với thái độ hồ hởi ban đầu, Pakistan đang có dấu hiệu bi quan về hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Dự án hành lang kinh tế CPEC đang gặp khó khăn.
Một thuở chào đón và tung hô
Kể từ khi công bố đại dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá nhiều tỷ USD, các quan chức Pakistan đã rất phấn chấn về thành công tiềm năng của dự án. Truyền thông chính thống của Pakistan ngày đêm cập nhật tin bài về CPEC. Doanh nhân, nhà báo, và du khách từ khắp nơi trên đất nước Pakistan bắt đầu viếng thăm Gwadar, một thành phố cảng ở tỉnh Balochistan (tây nam Pakistan) – trung tâm của dự án CPEC.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan (bên trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Latestly. |
CPEC được công bố vào năm 2015 trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nawaz Sharif. Chính phủ ông Sharif rất tự hào về đại dự án này, cho tới khi ông Sharif bị mất chức vào giữa năm 2017. Trong những ngày tháng cuối cùng ông Sharif còn làm thủ tướng, dự án CPEC là số một. Nếu một nhà báo hoặc tờ báo nào mà xuất bản nội dung nào đó phê phán CPEC thì họ sẽ bị gán tội chống phát triển và thậm chí có thể là kẻ phản bội. Báo chí và các kênh truyền hình Pakistan đã đề cao các khía cạnh tích cực của CPEC đến mức độ khủng khiếp.
Trong nhiều năm, sự tham gia của Trung Quốc vào các vấn đề Pakistan tăng lên mạnh mẽ. Về phía Pakistan, một số người trong giới doanh nghiệp vẫn lo lắng về sự đầu tư của Trung Quốc trong khi số khác thì lưỡng lự trước việc Islamabad trượt quá sâu vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Về phía Trung Quốc, họ cũng có một số dè dặt về Pakistan, đặc biệt là liên quan đến nguy cơ tham nhũng trong các dự án CPEC. Thời kỳ còn chính quyền của ông Sharif, Islamabad có thái độ nhượng bộ với Bắc Kinh trong vấn đề CPEC.
Shezad Baloch, một nhà báo làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ, cho rằng Pakistan đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng. “Đất nước này không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực và chấp nhận bất cứ thứ gì mà họ đưa ra để đền đáp... Đó là lý do chúng ta thấy rằng không có thảo luận nào về CPEC cả”.
Trong quá khứ, Shezad tiếc rằng không có đưa tin độc lập về các dự án CPEC và về Gwadar. Ông nói: “Trong các năm gần đây, các nhà báo được phép tới thăm Gwadar đều là người của các cơ quan truyền thông nhà nước thuộc Trung Quốc hoặc Pakistan. Đây là cách mà Trung Quốc xử lý vấn đề truyền thông”.
Pakistan thời kỳ Thủ tướng mới Imran Khan
Không như người tiền nhiệm Sharif, đương kim Thủ tướng Pakistan Imran Khan và chính phủ của ông có vẻ ít bận tâm tới các dự án CPEC hoặc cũng có thể phía Trung Quốc đã cảnh báo họ đáng kể về tình trạng tham nhũng quanh các dự án này. Kể từ khi ông Khan nhậm chức, bàn tán về CPEC cũng như việc thảo luận về Trung Quốc đã giảm cường độ. Có vẻ như các nhà hoạch định chính sách của Pakistan đang tập trung vào cải thiện quan hệ với Mỹ.
Các nhà phân tích độc lập có quan điểm rằng Pakistan không thể vì Trung Quốc mà làm phật lòng Mỹ được. Với việc Pakistan ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đã xích lại gần nhau hơn. Cả Mỹ và Trung Quốc đều quan trọng đối với Pakistan, và Islamabad cần tìm cách cân bằng cả hai. Ấn Độ có lẽ muốn Pakistan sẽ bị chia rẽ giữa 2 đối tác này.
Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào Pakistan nhưng lại ít chú ý đến các mối quan ngại an ninh hơn hẳn các nhà đầu tư phương Tây. Hơn nữa, sức khỏe kinh tế tổng thể của Pakistan có vẻ chỉ là ưu tiên ở mức độ thấp đối với Trung Quốc.
Một số nhà phân tích nói rằng Pakistan đã cố gắng mở rộng cơ sở đầu tư của mình và tránh đặt tất cả trứng của mình vào chiếc giỏ Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà phê bình lại nhìn nhận vấn đề này theo cách khác. Theo họ, các cáo buộc về nạn tham nhũng đã khiến các quan chức Trung Quốc khó chịu và chính phía Trung Quốc là bên chủ động giảm tốc độ của các dự án CPEC. Phía Trung Quốc cũng theo dõi gắt gao các hạn chế mà Quỹ Tiền tệ Quốc tệ (IMF) áp lên Pakistan liên quan đến Hành lang kinh tế CPEC. IMF lớn tiếng cảnh báo rằng Pakistan không thể thanh toán các khoản nợ CPEC bằng các khoản cho vay của IMF.
Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đã bị giảm xung lực
Michael Kugelman, phó giám đốc chương trình châu Á kiêm học giả cao cấp về Nam Á tại Trung tâm Wilson, không nghĩ rằng CPEC đã bị gác lại. Nhưng ông này có nói thêm rằng hàng lang này chắc chắn đã đánh mất xung lực.
Phát biểu với The Diplomat, Kugelman cho biết: “Mọi thứ hiện giờ không còn công khai nhiều như trước. Chúng ta không còn nghe thấy nhiều thông báo về các dự án mới và các dự án được hoàn thành”.
Theo Kugelman, có một yếu tố quan trọng ở đây là Islamabad đang ngày càng do dự trong việc tiếp nhận các dự án có rủi ro mắc nợ nặng. Pakistan đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài liên quan đến việc cân đối các khoản thanh toán, và nước này không thể chịu thêm các khoản nợ vào ngay lúc này.
Kugelman cho rằng Pakistan cần tập trung vào kế hoạch thắt lưng buộc bụng như gói giải cứu mới nhất của IMF đang được triển khai.
Kugelman nhấn mạnh thêm rằng nói thế không có nghĩa là đánh giá thấp cam kết của Islamabad tiếp tục theo đuổi CPEC. Ông lập luận: “Dù sao Trung Quốc vẫn là một đồng minh quan trọng, và các dự án này ít nhất có tiềm năng mang lại các kết quả tích cực như cung cấp thêm việc làm, cơ sở hạ tầng tốt hơn, và thêm an ninh năng lượng. Đây vẫn là một cơ hội lớn mà Pakistan sẽ không muốn bỏ phí. Điều thay đổi vào lúc này là Islamabad có vẻ muốn tận dụng cơ hội này theo một cách thức thận trọng và chậm rãi hơn so với trước đây”.
Trên thực tế, một số dự án trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đã tạm ngừng lại.
Có nhiều lý do giải thích tình trạng treo các dự án trong CPEC, trong đó có tình trạng thiếu hụt tài chính mà chính phủ Pakistan đang đối mặt và việc bên chính quyền lo sợ sự kiểm tra từ phía Cục Kiểm toán Quốc gia của Pakistan.
Trong khi đó phía Trung Quốc cũng theo dõi sát sao tình hình ở Pakistan. Các mối quan ngại của họ đã trở nên phức tạp hơn. Trong quá khứ, Trung Quốc sẽ công bố các khoản hoàn nợ trước khi một dự án CPEC khởi động. Ngày nay, Bắc Kinh có vẻ muốn đợi chờ dự án bắt đầu đã rồi mới tung vốn ra./.
Từ khóa: Trung Quốc-Pakistan, hành lang kinh tế, CPEC, Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài, ảnh hưởng của Trung Quốc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN