Ông Trump muốn rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris
Cập nhật: 10/11/2024
Thái Lan xử nặng một công dân Singapore dọa đánh bom giả tại sân bay
Ông Medvedev cảnh báo kịch bản leo thang xung đột tại Ukraine
VOV.VN - Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể một lần nữa rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sau khi trở lại Nhà Trắng. Thông tin này ngay lập tức phủ bóng lên Hội nghị COP29, chính thức diễn ra tại Baku, Azerbaijan vào ngày 11/11.
Đại diện các quốc gia trên khắp thế giới đang đổ dồn về Baku, Azerbaijan để dự họp tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP 29), bắt đầu từ ngày mai (11/11) và kéo dài trong gần hai tuần đàm phán để thúc đẩy sự hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu – vốn được cho là cấp bách.
Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Hành động vì khí hậu và Chuyển đổi xanh Selwin Charles Hart nhận định: “Khi nhìn vào vị trí của chúng ta trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, thực tế là chúng ta không ở trong một vị trí tốt. Mặc dù đã có những tiến bộ quan trọng kể từ khi thông qua Thỏa thuận Paris cách đây chưa đầy một thập kỷ, thế giới vẫn chưa hành động đủ nhanh để hạn chế sự nóng lên ở mục tiêu 1,5 độ của Thỏa thuận Paris và ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Những cơn bão, đợt nắng nóng và lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến tất cả các châu lục, giết chết hơn 570.000 người kể từ năm 2004 đến nay. Sự kiện bi thảm nhất là hạn hán ở Somalia năm 2011 giết chết hơn 250.000 người trong khi thảm họa mới nhất có thể kể đến trận lũ quét lịch sử vừa xảy ra ở Tây Ban Nha cuối tháng 10, khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chỉ ra rằng năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận. Tuy nhiên, cơ quan Biến đổi Khí hậu Cô-pơ-ni-xớt (Copernicus - C3S) của Liên minh Châu Âu mới cập nhật lại năm nay “gần như chắc chắn” sẽ vượt năm 2023.
Do đó, nhiều cơ quan Liên Hợp Quốc đánh giá, COP29 là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu. Đây là một COP mà kết quả đàm phán chính sẽ là một mục tiêu mới về tài chính cho cuộc chiến. Liên Hợp Quốc cũng nhắc lại quan điểm không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được khủng hoảng khí hậu mà nó đòi hỏi sự chung tay của mọi quốc gia.
COP29 năm nay có sự tham gia của đại diện Mỹ - quốc gia có lượng phát thải bình quân đầu người cao nhất thế giới. Tuy nhiên, cuộc họp có thể bị “phủ bóng” bởi những cam kết của Mỹ trong 4 năm qua sẽ có thể bị thay đổi khi bối cảnh chính trị ở nước này thay đổi.
Theo truyền thông Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể một lần nữa rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu như ông từng làm ở đầu nhiệm kỳ năm 2017.
New York Times đưa tin, nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chuẩn bị các sắc lệnh hành pháp và tuyên bố về việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Vị lãnh đạo tương lai của nước Mỹ dự kiến cũng sẽ chấm dứt lệnh tạm dừng cấp phép xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng mới sang các thị trường lớn ở châu Á, châu Âu và thu hồi lệnh cho phép California cũng như các bang khác có các tiêu chuẩn ô nhiễm chặt chẽ hơn.
Trong chiến dịch tranh cử trước đó, ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ cắt giảm các quy định, đặc biệt là để giúp ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, đồng thời cũng cam kết sẽ cắt bỏ các khoản trợ cấp về khí hậu của chính quyền đương nhiệm Mỹ; tiếp tục hoạt động thăm dò năng lượng, bao gồm cả việc giảm thuế cho các nhà sản xuất dầu, khí đốt, than.
Từ khóa: Trump, thỏa thuận khí hậu Paris, COP29
Thể loại: Thế giới
Tác giả: đình nam/vov1
Nguồn tin: VOVVN