Ông Lê Thanh Hải vẫn là Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2005-2010?
Cập nhật: 26/03/2020
TPHCM phải "đá tiền đạo" trong Kỷ nguyên vươn mình
Ngành Tư pháp quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, thi hành pháp luật (23/12/2024)
VOV.VN - Sau quyết định kỷ luật của Bộ Chính trị, ông Hải không còn là nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015
Bộ Chính trị vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Lê Thanh Hải do liên quan đến những sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Lê Thanh Hải chỉ còn được nhắc đến với vai trò Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2005-2010 (Ảnh: VnExpress) |
Trên thực tế, ông Lê Thanh Hải từng giữ vị trí Bí thư Thành ủy TPHCM hai nhiệm kỳ (nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015). Cụ thể, tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam toàn quốc lần thứ X (tháng 4/2006), ông Hải được bầu vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến tháng 6/2006, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, sau đó, ông tái đắc cử chức vụ này nhiệm kỳ 2010-2015.
Như vậy, sau quyết định kỷ luật của Bộ Chính trị, ông Lê Thanh Hải không còn là Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015, nhưng có còn là Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2005-2010 hay không?
Theo khoản 6, Điều 36 Điều lệ Đảng, Đảng viên giữ nhiều chức vụ bị kỷ luật cách chức thì tuỳ mức độ, tính chất vi phạm mà cách một hay nhiều chức vụ.
Tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 20/3, sau khi xem xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của ông Lê Thanh Hải đối với TPHCM; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thứccách chức Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Có thể hiểu ông Hải chỉ bị cách chức Bí thư nhiệm kỳ 2010-2015, như vậy ông ấy vẫn là Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2005-2010.
Theo Quy định số 30 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hướng dẫn thực hiện Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; tại khoản 3 Điều 36, hình thức kỷ luật cách chức đối với ông Lê Thanh Hải thậm chí còn được báo cáo lên Ban Chấp hành Trung ương xem xét quyết định. Ban Chấp hành Trung ương làcấpquyếtđịnh kỷ luật cuối cùng, sau khi xem xét, kết luận phải biểu quyết bằng phiếu kín việc quyết định hình thức kỷ luật cụ thể.
Bình luận về hình thức kỷ luật đối với ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng, việc kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Hải cho thấy Bộ Chính trị đã có những đánh giá, xem xét rất cụ thể đối với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của ông Lê Thanh Hải để quyết định hình thức kỷ luật này. Điều này cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư trong xem xét, xử lý cán bộ, đó là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, rõ đến đâu thì xử lý đến đó, có lý có tình, lấy giáo dục để răn đe.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho biết, qua theo dõi lịch sử Đảng, ông chưa từng thấy có cán bộ cấp cao diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nào bị xử lý kỷ luật như ông Lê Thanh Hải, ở cấp thấp hơn có thể có.
Trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII mới có hình thức kỷ luật đối với những cán bộ cấp cao mắc sai phạm nhưng đã nghỉ hưu, trên quan điểm của Đảng là không có hạ cánh an toàn. Trước đây trong lịch sử, từ khóa X trở về trước, chưa có hình thức kỷ luật đó, điều đó chứng tỏ Đảng đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương phép nước hơn tránh tình trạng cán bộ tranh thủ vơ vét, trục lợi khi đương chức, để đến khi nghỉ hưu là xong, không ai khơi lại nữa, hoặc cùng lắm chỉ nhắc nhở. Việc kỷ luật cán bộ sai phạm dù đã nghỉ hưu còn mang ý nghĩa răn đe, giáo dục, bất kỳ cán bộ nào cũng cần loại bỏ khái niệm tư duy nhiệm kỳ hay chuyến tàu vét.
“Sai ở đâu, ở thời gian nào thì phải chịu trách nhiệm ở thời gian đó. Theo tôi cách làm đó thể hiện sự nghiêm minh, công bằng trong kỷ luật của Đảng. Hơn nữa không phải vì chúng ta bận làm công tác đại hội mà buông lỏng chuyện kỷ luật. Việc công bố quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải vào thời điểm này là cần thiết. Đó cũng là một cách để Đảng nhắc nhở các địa phương phải cẩn trọng hơn trong công tác cán bộ, để chọn được đúng người vào cấp ủy, không để lọt những phần tử cơ hội chính trị hay lợi ích nhóm, tham nhũng, chạy chức chạy quyền vào những cơ quan lãnh đạo của Đảng…”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, qua công việc thực tiễn hiện nay chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội để đối phó và phòng chống dịch bệnh Covid-19, đã cho thấy rất nhiều cán bộ có năng lực trong các ngành, lĩnh vực, các địa phương, đã góp sức cùng cả hệ thống chính trị để chống dịch. Thực tiễn chỉ đạo sản xuất kết hợp với công tác phòng chống dịch đã cho thấy bản lĩnh, trình độ, năng lực, trách nhiệm của người cán bộ. Qua đó, các đại hội có thể lựa chọn cán bộ xứng đáng vào các cơ quan lãnh đạo.
Việc Bộ Chính trị kỷ luật người từng giữ 2 nhiệm kỳ lãnh đạo Thành ủy TPHCM, không chỉ truyền đi một thông điệp mọi sai phạm, mọi đối tượng đều bị xử lý. Những việc làm sai trái đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân sớm muộn cũng sẽ phải trả giá. Đảng, nhân dân cần những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo./.
Kỷ luật ông Lê Thanh Hải: Bài học về công tác cán bộ trước Đại hội XIII
Từ khóa: Lê Thanh Hải, kỷ luật, cách chức, Bí thư Thành ủy TPHCM, Bộ Chính trị
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN