Nuôi lợn rừng lai giúp người dân Ba Na thoát nghèo
Cập nhật: 09/01/2020
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Hơn 1 năm trở lại đây, bà con người Ba Na (Gia Lai) đã tổ chức nuôi lợn rừng lai theo quy mô trang trại bán hoang dã đem lại nguồn lợi kinh tế cao.
Chuyển từ chăn nuôi tự cung tự cấp sang chăn nuôi hàng hóa là một bước đổi thay lớn trong tư duy sản xuất của bà con người Ba Na sống trên dãy Trường Sơn Đông thuộc xã đặc biệt khó khăn Đăk Tpang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.
Với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, hơn 1 năm trở lại đây, bà con đã tổ chức nuôi lợn rừng lai theo quy mô trang trại bán hoang dã. Không những tận dụng được điều kiện chăn thả tự nhiên, nguồn thức ăn sẵn có mà mô hình này còn phù hợp với tập quán chăn nuôi, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Ngày đầu năm mới, chị Đinh Thị Krăk, dân tộc Ba Na, làng Kpiêu, xã Đăk Tpang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai tranh thủ ra thăm trang trại nuôi lợn rừng lai của làng. Trang trại rộng khoảng 2.000m2, quây lưới B40 ở khoảnh rừng cuối làng, thả nuôi lợn bán hoang dã.
Chị Krăk cho biết, đàn lợn được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ con giống cho 10 hộ nghèo nuôi hơn 1 năm nay. Mỗi hộ cắt cử người chăm sóc theo lịch đã phân công cụ thể. Hiện bà con chăn nuôi tập trung, khi đàn lợn phát triển sẽ chia cho mỗi hộ một số con để nuôi riêng.Trước Tết, giá lợn rất cao, bà con bán 3 con lợn rừng lai cho thương lái được gần 20 triệu đồng. Một phần số tiền này đã góp cùng dân làng Kpiêu tổ chức bữa cơm mừng năm mới đầm ấm và ngập tràn niềm vui.
Việc nuôi lợn rừng lai của các nhóm hộ ở xã Đăk Tpang có nhiều thuận lợi khi tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp sẵn có như bí, ngô… và dồi dào như rau rừng, cỏ dại. (Ảnh minh họa: Thanh niên). |
“Làng có 10 hộ gia đình được Dự án giảm nghèo hỗ trợ 22 con lợn rừng lai để nuôi. Đây là lần đầu tiên bà con nuôi lợn với quy mô như thế này để bán. Vì vậy, bà con rất kỳ vọng sẽ tạo ra được một sản phẩm có chất lượng, giá trị để có thể sớm thoát nghèo. Bà con sẽ cố gắng nuôi đàn lợn này thật tốt” - chị Krăk chia sẻ.
Cũng được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ, bà con Ba Na làng Kráp, xã Đăk Tpang, huyện Kông Chro, đang nuôi lợn rừng lai theo mô hình bán hoang dã. Theo chị Đinh Thị Chươi, người làng Kráp, sau 1 năm chăn nuôi, đàn lợn sinh trưởng khá tốt.
Chị Đinh Thị Chươi cho biết: “Điều kiện ở nơi đây khá hợp với việc nuôi lợn rừng lai. Lợn cũng dễ nuôi, với lại giá bán ra tương đối tốt, nên giúp cho bà con có thu nhập, giảm được nghèo”.
Việc nuôi lợn rừng lai của các nhóm hộ ở xã Đăk Tpang có nhiều thuận lợi khi tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp sẵn có như bí, ngô… và dồi dào như rau rừng, cỏ dại. Đồng thời, xã Đăk Tpang có lợi thế rất lớn là có diện tích rừng trồng lớn.
Anh Đinh Guin, làng Kráp, xã Đăk Tpang, huyện Kông Chro, cho biết, việc tận dụng quỹ đất rộng nuôi lợn theo mô hình nông lâm kết hợp vừa tiết kiệm được chi phí, vừa hiệu quả về chất lượng.
“Nuôi lợn rừng lai cũng khá đơn giản, thức ăn cũng không quá cầu kỳ, mình tận dụng được nhiều thứ lắm vì lợn ham ăn. Nhóm chúng tôi chia nhau, mỗi người một việc để làm sao nuôi lợn được tốt nhất. Thời gian tới, đàn phát triển nhiều thêm thì sẽ tìm cách làm trang trại nuôi trong rừng” - anh Đinh Guin cho hay.
Mô hình nuôi lợn rừng lai dưới tán rừng đã được triển khai ở 5 nhóm hộ thuộc 5 làng trong xã Đăk Tpang. Tổng cộng có 82 hộ tham gia, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 2-3 con giống ban đầu. Dựa trên tính cố kết cộng đồng cao, bà con sẽ tương trợ nhau trong việc chăm sóc lợn, kết hợp với sự theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên của cán bộ thú y, giúp việc chăn nuôi đạt hiệu quả.
Ông Trần Ngọc Cường, Chủ tịch UBND xã Đăk Tpang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai cho biết, trước đây, bà con Ba Na chủ yếu nuôi một vài con lợn thả rông để tự cung, tự cấp. Khi nuôi lợn rừng lai theo dự án, bà con có thể tạo ra những đàn lớn, cung cấp sản phẩm ra thị trường. Lợn rừng lai rất có tiềm năng trở thành một sản phẩm đặc trưng của xã với giá cả phải chăng và được thị trường ưa chuộng.
Theo ông Trần Ngọc Cường, dự án này đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi. Xã cũng đang chủ trương xây dựng sản phẩm lợn rừng lai. Dự án sẽ nhân rộng được và xã đặt niềm tin đưa sản phẩm này vào chương trình mỗi xã một sản phẩm- chương trình OCOP của địa phương.
Trên dãy núi Trường Sơn Đông, Đăk Tpang là một trong những xã khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai, với trên 95% dân số là người Ba Na. Do những cách trở về địa lý, bà con ít có điều kiện tiếp cận với cách làm kinh tế hàng hóa. Nhưng điều này đang dần thay đổi khi Đảng, Nhà nước có những chính sách ưu tiên đầu tư về mọi mặt cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số như Đăk Tpang.
Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án sinh kế được triển khai đã và đang góp phần giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc./.
Về quê “săn” lợn rừng, dê núi, gà chân voi ăn Tết
Từ khóa: Nuôi lợn rừng lai, người dân Ba Na, mô hình kinh tế, làm giàu, nuôi lợn rừng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN