Nuôi lợn rừng “chơi”, bất ngờ lãi lớn
Cập nhật: 15/06/2020
VOV.VN - Lợn giống khan hiếm, nhà nông khó tái đàn nên thả lợn rừng nuôi "chơi", không ngờ thu về lợi nhuận lớn.
"Treo" chuồng từ trước Tết tới nay vì bão dịch, bão giá, khan hiếm lợn giống, gia đình ông Ngô Văn Chiến ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam - nơi được coi là "thủ phủ" nuôi lợn lớn nhất miền Bắc - thả mấy con lợn rừng nuôi "chơi" để chờ đợi cơ hội tái đàn, không ngờ lãi thật.
Ông Chiến không ngờ những con lợn rừng nuôi "chơi" lại có thể làm kinh tế dễ dàng như vậy. Tính từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, gia đình ông Chiến kiếm về nguồn thu hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi lợn rừng bán giống.
Thả lợn rừng nuôi... chơi
Theo lời kể của ông Ngô Văn Chiến, lợn bố và lợn mẹ được ông cất công mang từ Bình Phước về từ 3 năm trước. Đây là giống lợn rừng thuần chủng được gia đình người em ở tỉnh Bình Phước nuôi trong vườn điều. Nhờ đó, lợn rất khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt và dễ nuôi.
Lợn rừng có sức đề kháng tốt nên rất dễ nuôi. |
"Ba năm trước, trong một lần vào chơi với gia đình người em gái tại tỉnh Bình Phước, được chứng kiến đàn lợn khỏe mạnh, dễ tính chạy kiếm ăn trong vườn tôi đã rất ấn tượng. Trong bữa cơm, tôi được dùng các món thịt đặc sản rất ngon miệng. Khi hỏi ra tôi mới biết, những món ăn đó được chế biến từ một trong những con lợn chạy long rong ngoài vườn điều nhà em gái mình", ông Chiến chia sẻ.
Vốn là nông dân chuyên chăn nuôi, nhân tiện nhà có sẵn chuồng trại, ông Chiến ngỏ ý mua của người em một cặp lợn mang về quê ở huyện Lý Nhân, Hà Nam gây giống để nuôi cho "vui cửa vui nhà".
"Của một đồng, công một nén. Năm đó, tôi mang cặp lợn ra ngoài Bắc với mục đích nuôi cho vui, cuối năm có con lợn ngon cho các con các cháu tổ chức tất niên, chứ kỳ thực không nghĩ tới việc gây giống và kinh doanh. Tôi cứ nghĩgiống lợn rừng thường ăn rau, cỏ nên rất chậm tăng cân. Nếu so với lợn trắng thông thường thì nuôi lợn này không kinh tế", ông Chiến nói thêm.
Tuy nhiên, nhờ lợn có sức đề kháng tốt, mã đẹp, nhiều hộ đã đặt mua lợn con của ông về nuôi thịt và làm giống.
Ông chiến tận dụng rau, cỏ và thức ăn có sẵn trong vườn nhà để nuôi lợn rừng. |
Ngay sau thời gian lợn hạ giá kỷ lục, khiến nhiều gia đình vỡ nợ thì liên tiếp tại nhiều địa phương trên cả nước xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh hoành hành khiến hàng vạn con lợn bị tiêu hủy. Lạ thay, đàn lợn rừng của gia đình ông Ngô Văn Chiến vẫn khỏe mạnh, bình an vô sự.
Bất ngờ mang lại nguồn thu lớn
Bão giá rồi bão dịch kéo dài khiến nguồn lợn thịt và lợn giống khan hiếm, giá tăng vọt gấp nhiều lần, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đó cũng là lúc đàn lợn rừng của ông Chiến được xem là "bảo bối", mang lại nguồn thu cho gia đình đến cả trăm triệu đồng.
Lợn rừng có màu đen, khi mới sinh có kẻ sọc giống như quả dưa nên nhiều người gọi là lợn dọc dưa. |
Theo chia sẻ của ông Chiến, lợn rừng có khả năng thích nghi môi trường tự nhiên rất tốt. Ở Bình Phước khí hậu nóng quanh năm, trái ngược với miền Bắc có mùa đông giá rét. Sau tết là lúc dịch bệnh lây lan nhiều nhất. Thời điểm đó, lợn mẹ mới sinh 13 lợn con, chứng kiến hàng loạt gia đình phải tiêu hủy lợn bệnh, quả thực ông Chiến không khỏi lo lắng.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi ông Chiến luôn coi trọng khâu chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ. Dù lợn rừng khỏe mạnh, nhưng để đảm bảo không bệnh dịch, phát triển ổn định, ông Chiến tiêm phòng dịch bệnh theo định kỳ, thực hiện tiêu độc khử trùng và rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, đề phòng lây lan dịch tai xanh, dịch tả lợn châu Phi.
Những ngày mưa lạnh, ông Chiến thường thắp bóng điện đỏ, đốt củi trước cửa chuồng, cho lợn ăn cám nóng, uống nước ấm,… đảm bảo chuồng trại luôn ấm, sạch sẽ, khô ráo, tránh gió lùa. Nhờ đó, lợn mẹ, lợn con đều có sức đề kháng tốt và phát triển bình thường.
Đến nay, sau hơn 3 năm nuôi lợn rừng ông Chiến đã xuất bán được 4 lứa lợn giống và hàng chục con lợn thịt vào dịp cận Tết. Theo lời kể của ông Chiến, lợn mẹ, một năm sẽ sinh sản 2 lứa. Sau 2 tháng chăm sóc, đàn lợn con trọng lượng khoảng 8 kg là có thể xuất chuồng.
Thông thường lợn giống được bán từ 4 đến 6 triệu đồng/con, tùy trọng lượng. Nếu để nuôi thịt, lợn rừng cần nuôi từ từ 9 đến 12 tháng, trọng lượng đạt 35 - 40 kg. Giá lợn hơi dao động từ 140.000 – 160.000 đồng/kg. Thời điểm giáp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao hơn nữa do nhiều gia đình đặt mua.
Lợn rừng nhà ông Chiến luôn trong tình trạng "cháy hàng". |
Được biết, tại địa phương – nơi gia đình ông Chiến và các hộ sinh sống thường trồng rau, màu quanh năm, như: ổi, chuối, dưa chuột, đu đủ, táo, ngô,… Do đó, các loại rau, củ quả thải loại được dùng cho lợn ăn. Nhờ đó, lợn rất khỏe mạnh, nhanh lớn.
Mặc dù thời gian nuôi lợn rừng khá dài nhưng nhờ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong vườn nên đã giảm được chi phí chăn nuôi. Nhờ đặc tính mắn đẻ, các lứa lợn rừng cứ gối nhau liên tục nên gia đình ông Chiến thường xuyên có lợn rừng xuất bán. Tuy đàn lợn chưa nhiều, nhưng nhờ nuôi lợn rừng, mỗi năm nguồn thu từ lợn giống và lợn thịt đã giúp ông Chiến có thể thu về hàng trăm triệu đồng.
Thời điểm trước Tết vừa qua lợn mẹ đẻ 13 con, sau Tết, khi đủ tuổi ông Chiến đã bán bớt 5 con lợn nái cho các hộ gia đình gây giống, số còn lại ông giữ để nuôi thịt. "Hiện trong chuồng còn gần chục con lợn rừng nuôi thịt và đều đã có các mối đặt mua. Lợn mẹ cũng mới sinh lứa lợn tiếp theo được 12 chú lợn con cũng đều đã có người nhận mua hết nhưng tôi chưa muốn bán", ông Chiến phấn khởi nói./.
Từ khóa: Nuôi lợn, tái đàn, nuôi lợn rừng, giá lợn hơi, giá thịt lợn
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN