Nuôi biển: Nhận diện khó khăn để phát triển

Cập nhật: 16/08/2023

VOV.VN - Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, quy mô nuôi biển hiện nay tại Việt Nam chủ yếu là hộ gia đình, chưa được liên kết, chưa tạo ra chuỗi giá trị, điều này gia tăng rủi ro đối với những người nuôi biển, nhất là khi thiên tai xảy ra.

Sáng 16/8, tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phát triển Nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức”.

Lĩnh vực nuôi biển được Đảng, Chính phủ xác định là động lực phát triển kinh tế với nhiều chính sách đã được ban hành, điển hình là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được phê duyệt với tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Nhận diện khó khăn cũng như lợi thế về nuôi biển, các đại biểu cho rằng, với đường bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy nhiên thực tế cho thấy, quy mô nghề nuôi biển chủ yếu là manh mún nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, đến nay, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước...

Theo ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 3.260 km bờ biển và 1 triệu km mặt biển, tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích hiện nay là rất lớn với khoảng 500 nghìn ha mặt nước. Trên thực tế rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển lợi thế về nuôi biển nơi các cửa sông, cửa biển…

Một số ý kiến cho rằng, ngoài những lợi thế, nghề nuôi biển cũng còn gặp không ít khó khăn. Nêu thực tế về quy mô, công nghệ, con giống, thức ăn chăn nuôi thủy sản còn nhiều bất cập, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam dẫn chứng, quy mô nuôi biển hiện nay chủ yếu là hộ gia đình, chưa được liên kết, chưa tạo ra chuỗi giá trị, điều này gia tăng rủi ro đối với những người nuôi biển, nhất là khi thiên tai xảy ra.

"Do quy mô nuôi hộ gia đình nên suất đầu tư nuôi biển vào trang trại trên biển rất hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật rất yếu. Bên cạnh đó, các chuỗi giá trị nuôi mặc dù đã hình thành nhưng còn rời rạc, việc cung cấp cá giống cho ngư dân chưa được kiểm định chất lượng, tương tự đối với thức ăn thủy sản (cá tạp) đưa vào chưa được kiểm định, trừ thức ăn công nghiệp" - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Xuân Trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thúc đẩy nuôi biển cần tháo gỡ khó khăn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, phù hợp với suất đầu tư của người nuôi và điều kiện của từng vùng miền. 

Ông Trường cho biết thêm: "Chính sách khuyến nông đang hỗ trợ 50% đến 70% số còn lại sẽ là vốn đối ứng từ người nuôi tùy theo vùng miền. Trung tâm đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu để chuyển giao công nghệ đến người dân nhanh nhất, phù hợp với điều kiện đầu tư của người nuôi và của từng vùng miền".

Cũng tạo Tọa đàm, các đại biểu cũng làm rõ về thị trường đầu ra của sản phẩm nuôi biển; liên kết phát triển du lịch gia tăng giá trị nuôi biển…

Từ khóa: biển, nuôi biển, kinh tế biển, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biên, thủy sản, mô hình nuôi trồng thủy sản trên biển

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: minh long/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan