Nước sinh hoạt bốc mùi: Sao biết “nước sạch” đã bẩn mà nỡ bán cho dân?
Cập nhật: 19/10/2019
VOV.VN -Trong sự cố nước bốc mùi, không chỉ là lời xin lỗi, mà cần phải có sự kiểm tra, xử lý quyết liệt. Không thể mang sức khỏe ra để làm trò đùa với “may rủi”
1. Trong chuyến đi công tác ở Hàn Quốc mới đây, chúng tôi được người bạn mời ăn trong một nhà hàng canh bò-một đặc sản của người Hàn.
Khi cô nhân viên phục vụ bưng canh ra đặt vào chỗ cho từng người, cũng là lúc cô phát hiện ra trong một bát canh có sợi tóc nhỏ. Trong khi cả đoàn chúng tôi chưa biết chuyện gì xảy ra, thì cô đã cúi rạp người xin lỗi rằng, bát canh có tóc là lỗi hoàn toàn về phía nhà hàng, khách hàng có thể đổi bất kỳ món nào khác.
Sau đó, món ăn thay thế được mang ra. Đi cùng cô nhân viên lúc trước có cả ông chủ nhà hàng. Ông cúi người xin lỗi chúng tôi vì sự bất cẩn đã làm phiền thực khách. Ông hứa sẽ khắc phục để không bao giờ nhà hàng xảy ra chuyện như thế này nữa. Bữa ăn của cả đoàn, nhà hàng miễn phí toàn bộ. Khi chúng tôi ra về, ông chủ nhà hàng còn tiễn chúng tôi ra tận cửa và không quên xin lỗi thêm lần nữa.
Buổi tối, chúng tôi đi mua sắm ở một con phố nhỏ của Seul. Cô bạn cùng đoàn vào một cửa hàng trên phố để mua túi xách. Khi ra thanh toán, chắc do nhầm lẫn, cô nhân viên bán hàng cứ một mực nói rằng, chiếc túi này bạn tôi đã trả tiền, trong khi cô bạn tôi thì khẳng định cô chưa hề thành toán.
Chắc cô bạn tôi nói vậy và nhất quyết không ra khỏi cửa hàng khi chưa thanh toán tiền nên cô nhân viên xin lỗi làm phiền khách hàng chờ đợi, để cô kiểm tra lại hóa đơn trong ngày trên máy tính.
Sau khi kiểm tra, cô nhân viên cho biết, đã có sự nhầm lẫn nên cô chưa thu tiền túi của bạn tôi. Cả cô nhân viên và ông chủ cửa hàng đều cúi người xin lỗi bạn tôi vì sự cố này.
2. Trong khoảng một tuần qua, hàng vạn người dân Hà Nội phải sống trong hoang mang, lo sợ vì nguồn nước do Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp bốc mùi, đục ngầu. Người dân sau khi phát hiện đã cầu cứu tới các cơ quan liên quan nhưng sau gần 1 tuần vẫn không có động thái nào từ chính quyền, các cơ quan liên quan, đặc biệt là Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Con suối Khại dẫn nước cho nhà máy nước sạch Sông Đà (xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình) bị nhiễm bẩn do dầu thải đổ vào đầu nguồn. (ảnh: VTCNews) |
Mãi đến sáng qua (14/10), sau 5 ngày xảy ra sự cố, Viwasupco mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 - 11/10/2019. Văn bản này thừa nhận vào 12h00 ngày 9/10/2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đi vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng dầu chưa rõ nguyên nhân. Bảo vệ đã báo cáo lên lãnh đạo công ty cho hướng xử lý.
Trong trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn-Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà cũng thừa nhận, ngày 9/10, bộ phận vớt rong rêu phát hiện vết dầu loang trên hồ. Công ty đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên và thuê cả người bên ngoài làm vệ sinh; đồng thời dùng phao chuyên dụng quây cách ly không cho dầu lan vào khu bể ngăn lấy nước và vớt toàn bộ dầu loang.
Ông Tốn còn cho biết, “sau sự cố, nhà máy vẫn tiếp tục vận hành bình thường và kết quả xét nghiệm nước sau sản xuất do công ty kiểm tra đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”.
3. Hai sự việc trên dường như không liên quan nhưng lại thấy rất rõ cái tâm của người kinh doanh cũng như đạo đức làm nghề.
Ông bà ta đã nói, làm gì cũng phải có tâm, có đạo đức thì mới sống được với nghề. Qua thời gian, điều đó không bao giờ sai. Hai sự việc vừa kể trên ở Hàn Quốc, thực ra cũng không ảnh hưởng lắm đến khách hàng và chủ nhà hàng, cửa hàng có thể họ không nhất thiết phải xin lỗi, bồi hoàn, nhưng cái tâm con người, đạo đức kinh doanh đã không cho phép họ làm như thế. Cũng có thể lý giải một phần vì môi trường kinh doanh, việc thực thi quy định của luật pháp ở đây nghiêm túc, nên những việc như thế này là rất bình thường với họ.
Không thể mang sức khỏe người dân ra để làm trò đùa với "may rủi" |
Trở lại vấn đề nước sạch ở Hà Nội. Thật đáng buồn là chính người đứng đầu công CP kinh doanh nước sạch sông Đà và cả công ty cũng đều biết nguồn nước bị nhiễm dầu thải ngay từ đầu, nhưng sao họ không có bất kỳ một động thái nào thông báo, khuyến cáo đến khách hàng?
Ngược lại, những việc làm của họ đang được dư luận bức xúc là cố tình giấu giếm, lấp liếm những sai hỏng, bất chấp việc người dân phải dùng nước bẩn trong một thời gian dài. Kể cả đến khi người dân bức xúc, kiến nghị, thậm chí phóng viên gọi điện đến công ty nhưng đều “bặt vô âm tín”.
Dư luận cũng không thể không đặt ra câu hỏi, nguồn nước đó chỉ nhiễm dầu thải hay là những thứ độc hại hơn mà mắt thường không nhìn thấy được?
Và bấy lâu nay, người dân vẫn phải trả tiền đầy đủ cho công ty. Công ty cũng đã cam kết cung cấp nước sạch cho người dân, vậy giờ đây xảy ra sự cố này thì ai là người phá hợp đồng và trách nhiệm sẽ đến đâu? Phải chăng đây có sự coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân của Công ty.
Đến bây giờ, ngoài việc chờ đợi vào kết quả xét nghiệm của các cơ quan chức năng, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước bốc mùi, không đảm bảo mà chưa nhận được bất cứ lời khuyến cáo hay lời xin lỗi, hỗ trợ nào từ phía Công ty?
Thiết nghĩ, trong việc này không chỉ là xin lỗi, mà cần phải có sự kiểm tra của các cơ quan chức năng để xem xét lỗi ở khâu nào, sai đến đâu để có xử lý quyết liệt, triệt để.
Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Đã đến lúc, không thể mang sức khỏe ra để làm trò đùa với "may rủi"./.
Nước sinh hoạt bốc mùi ở Hà Nội: Sau dầu thải là gì nữa?
Vẫn còn kẽ hở cho việc bỏ “đại đức” thành “đại gia”?
Từ khóa: nước sinh hoạt bốc mùi, nước sinh hoạt, nước bẩn, đổ trộm chất thải, nước sạch Sông Đà
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN