Nước nhân trần có tác dụng gì?
Cập nhật: 22/08/2023
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Nhân trần là loại nước uống quen thuộc của nhiều vùng quê Việt, nhưng trên thực tế nhân trần có tính mát nên khi sử dụng có nhiều điều cần phải lưu ý.
Trong Đông Y, nước nhân trần được xem như một bài thuốc với tác dụng thanh nhiệt, điều trị hiện tượng vàng da. Loài cây này mọc rất nhiều ở vùng núi, sau khi hái về mọi người sẽ phơi khô và nấu lên dùng làm nước uống giải khát hằng ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người dùng cần lưu ý khi uống loại nước này.
Nhân trần phân bố chủ yếu ở các nước khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta cây mọc tại nhiều nơi như đồi núi các tỉnh phía bắc. Theo người xưa quan niệm, nhân trần chính là một vị thuốc đông y với nhiều công dụng khác nhau. Đồng thời, mọi người còn dùng nhân trần để nghiên cứu, đưa ra bài thuốc điều trị bệnh lý gan mật.
Đối với những người bị bệnh lý viêm gan cấp do virus gây vàng da, chán ăn, đầy bụng, chậm tiêu, trên xét nghiệm có tình trạng tăng men gan, tăng bilirubin máu khi sử dụng nhân trần sẽ giúp các chỉ số men gan, bilirubin về ngưỡng bình thường. Một số triệu chứng ở người bệnh cũng được cải thiện rõ rệt như giảm vàng da, hết mệt mỏi, hết đau ở vùng gan, ăn ngon miệng hơn.
Trong thành phần nước nhân trần có chất 6,7-dimethoxycoumarin có tác dụng lợi mật và giảm trương lực cơ vòng Oddi. Nhờ vậy mà việc bài tiết mật trở nên dễ dàng hơn, tránh tình trạng tắc mật, gây nên nhiều dấu hiệu bất thường. Nước nhân trần cũng có tác dụng hạ mỡ máu, điều trị rối loạn chuyển hóa lipid, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, nhân trần có vị đắng, cay, tính hơi hàn, quy kinh tỳ, vị, can đởm mang đến tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, chỉ thống, lợi tiểu, thoái hoàng, làm ra mồ hôi. Nước sắc nhân trần còn có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, thương hàn, phó thương hàn A, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn E.coli, trực khuẩn lỵ, tụ cầu vàng, não mô cầu, virus cúm...
Do nhân trần có tác dụng lợi tiểu khiến tốc độ đào thải nước ra khỏi cơ thể nhanh hơn bình thường, khiến bạn dễ bị mất nước, mệt mỏi, thiếu tập trung. Cho nên, nếu không có bệnh thì bạn không nên uống trà nhân trần hàng ngày. Đồng thời, nếu gan không gặp vấn đề thì việc uống trà nhân trần thường xuyên sẽ khiến cơ quan này phải tăng bài tiết dịch mật, làm gan dễ tổn thương, mất cân bằng và sinh ra bệnh.
Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú, dùng nước nhân trần thường xuyên là điều không nên. Do loại nước này có thể làm ảnh hưởng tới các tuyến trong cơ thể, dẫn đến mẹ bị mất sữa hoặc chỉ có rất ít. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy tạm ngưng việc dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Đặc biệt, việc kết hợp nhân trần với cam thảo điều này là không nên, bởi cả hai vị thuốc này đều không nên dùng kéo dài. Đối với những người đang có hàn, bị lạnh bụng cũng không nên uống vì dễ khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng như đi ngoài nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, khi chọn mua nhân trần, bạn nên chọn những cơ sở uy tín do hiện nay có rất nhiều nơi bán nhân trần kém chất lượng, sử dụng thuốc trừ sâu.
Từ khóa: nhân trần, nước nhân trần, uống nước nhân trần, tác dụng nhân trần, nước nhân trần tốt cho gan, sử dụng nhân trần đúng cách
Thể loại: Y tế
Tác giả: tuyết anh/vtc news
Nguồn tin: VOVVN