Nước mưa có an toàn để ăn uống?

Cập nhật: 12/08/2023

VOV.VN - Mưa bão có thể gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và sản xuất nông nghiệp, thế nhưng, lượng mưa nhiều lại tạo ra nguồn nước sinh hoạt cho không ít người dân tại các địa phương. Thế nhưng, nước mưa có an toàn để ăn uống?

Trữ và sử dụng nước mưa trong ăn uống, sinh hoạt là thói quen của không ít người dân tại các địa phương.

Lần nào cũng vậy, mỗi lần thấy dự báo thời tiết thông báo có mưa, ông Trần Quang Hướng nhà ở quận Hoàng Mai, Hà Nội lại lục tục chuẩn bị các dụng cụ hứng nước mưa bên cạnh bể chứa dung tích gần 2 mét khối. Có gần 30 chai pet 6L chuyên đựng nước khoáng, nhà giữ lại để mỗi mùa mưa hay đợt nào mưa nhiều mang ra trữ nước, ngoài ra còn có 3-4 thùng nhựa từ 50-80L mang ra đựng nước.

Thói quen sử dụng nước mưa trong ăn uống của người dân

Cho dù vậy, lượng nước mưa ăn trong cả năm không phải lúc nào cũng đủ mà gia đình ông thì không muốn sử dụng nước máy để ăn uống. Thói quen này đã được duy trì từ hàng chục năm nay.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng sống tại tỉnh Thái Bình cũng thường xuyên sử dụng nước mưa phục vụ việc ăn uống. Với bể nước mưa dung tích 4 mét khối, gia đình bà dùng quanh năm không cạn. “Ở đây nhà nào cũng dùng nước mưa để ăn uống. Nước mưa ngon, ngọt, hãm chè xanh màu đẹp, luộc rau nước trong. Người nhà sống ở Hà Nội còn mang can về xin nước mưa lên để hãm chè xanh. Ở đây vùng biển, không có nhà máy ô nhiễm nên nước sạch. Mái nhà thường quét sạch, có một tấm vải để lọc nước, những mùa người ta hay phun thuốc sâu thì không trữ”- bà Hồng cho biết.

Với các gia đình đang sử dụng nước mưa thì nguồn nước này vẫn là nguồn nước sạch và an toàn đối với sức khỏe.

Nước mưa có an toàn để ăn uống?

Các nhà khoa học tại Đại học Stockholm (Thụy Điển) đã nghiên cứu và chứng minh, nước mưa ở khắp mọi nơi trên trái đất đều không an toàn để uống, bởi trong nước mưa có chứa lượng chất PFAS cao gấp hàng chục lần so ngưỡng khuyến cáo an toàn mà Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) đưa ra.

PGS-TS Trần Thượng Quảng – Trưởng bộ môn Hóa hữu cơ- Trường Hóa và Khoa học sự sống- ĐH Bách khoa HN cho biết, PFAS là những chất độc được thải ra từ các vật liệu nhựa siêu bền mà con người đã tạo ra từ 120 năm qua, trái đất đã vượt qua vùng an toàn về ô nhiễm nhựa.

PFAS còn được biết đến là hóa chất vĩnh cửu, phân hủy rất lâu trong môi trường và gây hại cho cả môi trường và con người. Hiện chất này có mặt trên toàn cầu, ở khắp bầu khí quyển.

Nghiên cứu cho thấy PFAS xuất hiện từ sự phân hủy của nhựa trong nước biển, những hạt PFAS vào không khí thông qua những giọt sương của nước biển và sau đó những luồng không khí mang nó vào bầu khí quyển tạo ra những đám mây, mưa và quay trở lại trái đất.

“Khi chỉ số các chất này vượt ngưỡng an toàn thì nó có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, hệ tim mạch, khả năng sinh sản, sự phát triển của trẻ em và hậu quả về sinh lý. Nó có thể ngăn chặn phản ứng của trẻ em với vaccine khiến chúng kém hiệu quả hơn. Và theo Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), có bằng chứng cho thấy PFOA có thể gây ung thư ở người” PGS- TS Trần Thượng Quảng khuyến cáo.

Ngoài ra, Theo PGS Trần Thượng Quảng, khi công nghiệp phát triển, ở những khu công nghiệp và ngay tại các khu đô thị, không khí bị ô nhiễm do nguồn khí thải, sinh ra hợp chất không an toàn gây hại cho môi trường như NOx hoặc SOx. Tại các vùng sản xuất công nghiệp hoặc các thành phố lớn thì nồng độ các hợp chất gây hại rất cao, khi gặp mưa các chất đó theo nước mưa đi xuống. Hợp chất NOx sẽ sinh ra các axit ví dụ như HNO3 hoặc HNO2, còn SOx sinh ra axit H2NO4.

“Ngoài các yếu tố khách quan do ô nhiễm môi trường thì cách người dân hứng và trữ nước mưa cũng là nguy cơ khiến nước mưa không còn an toàn để ăn. “Với nước mưa, giá trị pH thấp, ở ngưỡng 5-6 thì nó cũng không an toàn cho việc sử dụng nước mưa để uống. Ngoài ra, nếu như chúng ta hứng nước mưa thì nước mưa hay chảy trên mái nhà thì trên đó có thể có phân chim, môi trường ẩm thấp sinh vi khuẩn. Các loại vi khuẩn sẽ theo nước xuống nơi chứa đựng. Do vậy không nên sử dụng trực tiếp vì không an toàn” – PGS Trần Thượng Quảng nhấn mạnh.

Do hiện tượng ngưng tụ nên hàm lượng của các ion kim loại trong nước mưa rất ít may ra chỉ có lượng nhỏ canxi. Trong nước mưa thì hầu như không có khoáng chất. Nếu sử dụng trong thời gian dài thì cơ thể sẽ thiếu các khoáng chất cần thiết để cơ thể phát triển, do đó chúng ta phải bổ sung các khoáng chất

Những lưu ý khi sử dụng nước mưa trong ăn uống

Khi người dân chưa tiếp cận được nguồn nước sạch thì việc ăn uống nước mưa là tất yếu. Theo PGS-TS Trần Thượng Quảng, những cơn mưa đầu mùa người dân nên tránh vì nó mang theo rất nhiều chất độc và bụi bẩn trong không khí. Phải chờ đến cơn mưa thứ hai thì mới bắt đầu hứng hoặc khi mưa to thì trong vòng 15 phút đầu tiên không nên hứng nước mưa vì lúc này nước mưa đang chứa nhiều bụi bẩn và hóa chất độc hại.

"Khi ăn uống nước mưa, người dân cần phải lọc hoặc đun sôi nước để giảm thiểu hoặc loại bỏ các hóa chất, mầm bệnh hoặc vi sinh vật gây hại. Có thể lọc bằng các biện pháp thủ công như cát sỏi, than hoạt tính, phèn chua … các phương pháp dùng cát sỏi chúng ta cũng có thể bổ sung khoáng chất từ các vật liệu này. Các máy lọc nước chỉ có hiệu quả với các axit hoặc vi khuẩn còn với các chất PFAS thì không thể lọc được. Đây cũng là vấn đề cả thế giới đang quan tâm. Hiện các nước đang tập trung nghiên cứu các vật liệu lọc có thể lọc được PFAS"- PGS-TS Trần Thượng Quảng tư vấn.

Từ khóa: nước mưa, sử dụng nước mưa, ăn uống, sinh hoạt, con mưa đầu mùa, cơn mưa

Thể loại: Y tế

Tác giả: phương trang/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập