Nước giải khát có đường sắp trở thành mặt hàng “xa xỉ”?
Cập nhật: 1 ngày trước
Sẽ tự động quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm 2025
Diện mạo mới từ quy hoạch các khu đất vàng ở thành phố Vũng Tàu
VOV.VN - Khi giá bán lẻ của sản phẩm nước giải khát có đường tăng một cách đáng kể, có thể làm giảm lượng tiêu thụ
Đề xuất bổ sung nước giải khát có đường (NGK) với hàm lượng từ 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), với mức thuế suất 10% hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều giữa các Bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) cũng như người tiêu dùng. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên cần xem xét có nên bổ sung mặt hàng này vào dự thảo Luật thuế TTĐB hay không.
Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đề nghị, vẫn giữ nguyên đề xuất chỉ áp dụng mức thuế suất 10% để khuyến khích DN sản xuất, nhập khẩu loại đồ uống có lượng đường thấp, nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi người tiêu dùng. Trường hợp mở rộng phạm vi mang tính bao trùm đầy đủ, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên bằng chứng, lý lẽ thuyết phục phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Trong khi đó, Bộ Y tế cho rằng, mức thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường là chưa đủ để làm thay đổi hành vi tiêu dùng, làm giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm và đề xuất cần áp mức thuế TTĐB cao hơn (40%).
Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), về tác động kinh tế của việc áp thuế TTĐB đối với NGK đã chỉ ra, nếu áp dụng mức thuế TTĐB 10%, thu ngân sách từ thuế gián thu (thuế TTĐB) năm đầu tiên (2026) sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng, nhưng thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2,152 tỷ đồng. Từ năm 2027 trở đi, thu ngân sách cả từ cả thuế gián thu và trực thu đều sẽ bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm.
Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận; kéo theo giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau. Đặc biệt, báo cáo của CIEM đánh giá việc áp dụng chính sách thuế TTĐB với NGK sẽ không những tác động trực tiếp lên ngành đồ uống, mà còn tác động tiêu cực tới 25 ngành sản xuất trong nền kinh tế, từ đó dẫn đến mức sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng.
“Nếu áp dụng mức thuế cao hơn (ví dụ 40%) sẽ tác động đối với các DN trong ngành, cũng như các DN trong chuỗi cung ứng NGK lớn hơn và thu ngân sách cũng sẽ giảm khi doanh thu thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các DN này giảm do lượng tiêu thụ nước giải khát ít hơn trước”, báo cáo của CIEM chỉ ra hạn chế, đồng thời đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với NGK có đường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế chưa có nghiên cứu hay đánh giá đầy đủ và toàn diện, tác động của sắc thuế TTĐB cho NGK đối với các đối tượng trực tiếp và gián tiếp về mặt kinh tế, xã hội. Hơn nữa, việc xác định đối tượng chịu TTĐB theo quy định tại Điểm L, Khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật căn cứ theo TCVN là chưa đầy đủ và toàn diện, vì TCVN không phải là cơ sở trong công tác xây dựng pháp luật.
Trong khi đó, bản thân TCVN đang bao gồm cả các đồ uống có lợi cho sức khỏe, nước uống thể thao dự kiến bị áp thuế, trong khi các loại đồ uống và thực phẩm khác chứa lượng đường thậm chí còn cao hơn lại không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Điều này dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của nhà nước.
Mặt khác, việc áp thuế TTĐB đối với NGK có đường có thể không làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, bởi thực tế tại nhiều quốc gia trong khu vực đã chứng minh không làm giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác. Đơn cử như Philippines khi áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2018, tỷ lệ thừa cân béo phì năm 2015 là 31,1% đã tăng lên 37,2% vào năm 2019 và 38.6% trong giai đoạn 2021-2022. Thái Lan chỉ sau 2 năm áp thuế (2018-2019), mặc dù mức tiêu thụ đã giảm 2,5% nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì ở Thái Lan vẫn tăng từ 28,7% năm 2014 lên 33,2% vào năm 2019.
Hay như ở Bỉ áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2016. Tỷ lệ béo phì ở nam giới nước này vào năm 2014 là 13,9% đã tăng lên 17,2% vào năm 2019, còn ở nữ giới tăng từ 14,2% năm 2014 lên 15,6% vào năm 2019. Phần Lan sau khi áp thuế TTĐB, mức tiêu thụ nước giải khát đã giảm 3,8% trong giai đoạn 2012-2013. Tuy vậy, tỉ lệ béo phì ở nam giới vào năm 2014 là 18,9% đã tăng lên 21,8% vào năm 2017.
Những ví dụ trên cho thấy, việc giảm tiêu thụ NGK có đường không đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ thừa cân béo phì. Trong khi nếu áp mức thuế suất cao (40%) sẽ làm giá bán lẻ của sản phẩm NGK tăng một cách đáng kể. Điều này có thể làm giảm lượng tiêu thụ nhưng chưa thể đảm bảo tỷ lệ thừa cân béo phì sẽ giảm, do người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ các loại thực phẩm khác có chứa đường khác không chịu thuế TTĐB.
Điều đáng nói là do những thay đổi về chính sách cùng sự gia tăng chi phí sản xuất và chi phí hoạt động, các DN trong ngành NGK sẽ buộc phải tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo cân đối doanh thu và chi phí. Quá trình này có thể khiến cho lạm phát gia tăng, khi mặt hàng đồ uống cũng nằm trong nhóm hàng hóa và dịch vụ được dùng để tính chỉ số giá tiêu dùng.
Với áp lực chi phí sản xuất, chi phí hoạt động tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng đang trên đà giảm, các DN ngành sản xuất đồ uống, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đã suy yếu nay lại phải chịu nhiều tổn thất hơn so với các ngành khác. Do vậy, việc ban hành hay sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành cần phải đánh giá tác động toàn diện, nhất là đối tượng chịu tác động, từ đó cân nhắc việc quy định cũng như thời điểm áp dụng cho phù hợp.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam: TCBP không tương ứng với mức độ tiêu thụ nước ngọt thường xuyên. Nếu chỉ giảm tiêu thụ NGK có đường sẽ không giải quyết TCBP và các bệnh không lây nhiễm (huyết áp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường…). Để phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm, cần tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khỏe. Cùng với đó, sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm; chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ; tăng cường các hoạt động thể chất...
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực: Số liệu trên quy mô toàn cầu về tỷ lệ người thừa cân béo phì tại thời điểm năm 2016 và 2024 của Liên đoàn Bệnh béo phì Thế giới (WOF) cho thấy, việc đánh thuế NGK có đường chưa chắc giúp tỷ lệ người mắc bệnh TCBP giảm xuống.
Từ khóa: nước giải khát có đường, nước giải khát có đường,thuế tiêu thụ đặc biệt, thừa cân, ngân sách, tiêu dùng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN