Nữ thủ khoa đạt 4.0/4.0 ĐH Ngoại thương: “Tuổi trẻ không nên quá an toàn”
Cập nhật: 29/08/2020
Bị bắt khi định lừa 150 triệu đồng để lo cho công an lấy xe vi phạm ra sớm
Triệt xóa nhóm thiếu niên gây ra nhiều vụ cướp giật và trộm cắp tài sản
VOV.VN -Trước khi tốt nghiệp thủ khoa ĐH Ngoại thương, Hòa đã vài lần từ chối lời mời của các nhà tuyển dụng, vì muốn có thêm cơ hội để thách thức bản thân.
Bản trích nganh thành tích 4 năm học tại ĐH Ngoại thương của tân thủ khoa Nguyễn Thị Minh Hòa (SN 1998) do thành đoàn Hà Nội công bố trước lễ tuyên dương thủ khoa của TP Hà Nội sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 này khiến nhiều người ấn tượng.
Nguyễn Thị Minh Hòa đã có chia sẻ về những bí quyết học tập cũng như những nỗ lực của bản thân trong suốt 4 năm học chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại ĐH Ngoại thương.
Nữ thủ khoa ĐH Ngoại thương năm 2020 Nguyễn Thị Minh Hòa không nhận mình giỏi như mọi người thường nói. |
PV: Trở thành thủ khoa đầu ra ĐH Ngoại thương, cảm xúc hiện tại của em thế nào?
Nguyễn Thị Minh Hòa: Em cảm thấy rất vui, vì những cố gắng của bản thân được đền đáp. Cũng có nhiều anh chị phóng viên hỏi em về việc học tập và kết quả này, nhưng em nghĩ mình không quá xuất sắc. Có thể những thành tích mà em đạt được do em có chút kiên trì và có cả may mắn, khi luôn có gia đình, thầy cô và những người bạn tốt đồng hành cùng để vượt qua những khó khăn, thất bại. Cũng có nhiều bạn đạt thành tích học tập xuất sắc trong đợt tốt nghiệp này. Nhưng em nghĩ mình may mắn được tuyên dương khi có những thành tích ngoại khóa khác nữa.
PV: Ngoài mức điểm tốt nghiệp tuyệt đối tại ĐH Ngoại thương, được biết em cũng đạt mức điểm tuyệt đối và dẫn đầu đoàn Việt Nam khi trao đổi sinh viên tại Hàn Quốc và là quán quân trong cuộc thi Tài năng trẻ Logistics 2019?
Nguyễn Thị Minh Hòa: Em may mắn được chọn là đại diện của ĐH Ngoại thương tham gia trao đổi sinh viên tại Hàn Quốc. Kết thúc 1 học kỳ tại đây, em đạt số điểm 4.5/4.5. Tại đây, em đã có cơ hội tham gia rất nhiều các lớp học tín chỉ khác nhau cùng các giảng viên và sinh viên quốc tế, không chỉ là Hàn Quốc.
Nữ sinh đạt giải quán quân trong cuộc thi Tài năng trẻ Logistics 2019. |
Em thực sự được mở mang tầm mắt khi thấy cách học đầy nhiệt huyết, chủ động của sinh viên quốc tế. Thầy cô là người chỉ đường, hướng dẫn đúng nghĩa, mọi việc còn lại đều do sinh viên chủ động nghiên cứu và tương tác lại với giảng viên. Mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên cũng rất gần gũi. Các thầy cô vẫn thường đi ăn, uống cafe, tâm sự cùng sinh viên sau mỗi giờ học.
Bên cạnh đó, em cũng tham gia cuộc thi tài năng trẻ Logistic Việt Nam và may mắn trở thành quán quân khu vực phía Bắc. Đây là cuộc thi có quy mô toàn quốc và quy tụ sự tham gia của nhiều trường đại học khác nhau.
Trước đây, em nghĩ rằng chỉ một số ít trường đào tạo ngành này như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại. Nhưng khi em tham gia cuộc thi, em nhận ra rằng, dù nhiều bạn không cùng ngành học, nhưng nếu có cùng đam mê với ngành Logistic, đều có thể học hỏi và chia sẻ với nhau rất nhiều điều bổ ích. Khi tham gia em càng khẳng định hơn niềm đam mê với ngành mà mình đang theo đuổi. Tại đây em cũng có nhiều cơ hội được tiếp xúc với những doanh nghiệp cụ thể, không còn là những lý thuyết, mà chúng em được vận dụng những gì đã học vào giải quyết những vấn đề thực tế của doanh nghiệp. Từ đó, em cảm thấy mình được đến gần hơn với đam mê và hiểu hơn được mình đang học gì và thích gì.
Ngoài việc học, nữ sinh cũng rất năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa. |
PV: Những cuộc thi này có mang lại cho em nhiều cơ hội việc làm ngay từ khi chưa ra trường không?
Nguyễn Thị Minh Hòa: Dạ có ạ. Sau khi tham gia cuộc thi, em có nhận được lời mời làm việc từ vài doanh nghiệp trong lĩnh vực em đang theo học. Nhưng khi đó em mới học kỳ 1 năm thứ 4 và em quyết định cho mình những cơ hội để thử thách nhiều hơn, tự ứng tuyển vào 1 công ty đa quốc gia khác.
Em nghĩ mình cần thêm những thử thách bên ngoài để trưởng thành hơn. Nếu em chấp nhận lời đề nghị làm việc từ một số doanh nghiệp ngay tại thời điểm đó, phải chăng là quá an toàn, em sợ mình sẽ có tâm lí ỉ lại khi đã có sẵn bế đỗ sau khi ra trường. Khi còn trẻ, em không thích điều đó. Thời điểm đó, em chưa tốt nghiệp, em muốn thử sức mình nhiều hơn.
PV: Tôi rất thích điều em nói, tuổi trẻ không nên quá an toàn. Nhưng không phải bạn trẻ nào cũng đủ sức để bước qua vòng an toàn để làm khác, em nghĩ sao?
Nguyễn Thị Hòa Minh: Lựa chọn con đường an toàn hay thử thách bản thân một chút khi còn trẻ phụ thuộc vào suy nghĩ mỗi người. Rất khó để áp suy nghĩ của mình vào ai đó khác. Nhưng cá nhân em cho rằng, khi bản thân còn trẻ, trước 30 tuổi, khi còn nhiều nhiệt huyết và sáng tạo, sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, nên cho mình những cơ hội để trải nghiệm nhiều hơn.
Những quyết định tại thời điểm này có thể chưa chính xác. Không phải lúc nào mạo hiểm cũng thành công, nhưng khi đã có những kinh nghiệm và trải nghiệm nhất định, rút ra những bài học cho bản thân sẽ giúp trưởng thành hơn rất nhiều, theo một cách nào đó, nó có thể dẫn ta đến thành công.
Điều này không xuất phát từ bản thân em, mà em nhìn thấy từ những anh chị đi trước. Khi cho bản thân ở trong vùng an toàn, sẽ rất khó để nhìn nhận chính xác bản thân có những thế mạnh vượt trội thế nào, vì không bao giờ có cơ hội để khám phá bản thân.
PV: Đã khi nào em thất bại trong các cuộc thi hay học tập chưa?
Nguyễn Thị Minh Hòa: Có chứ ạ (cười), thực ra mọi người chỉ nhìn thấy những điểm số của em, nhưng cũng có những thất bại trước khi em đạt được kết quả này. Em vẫn nhớ khi sinh viên năm 1, năm 2, em có tham gia 1 vài cuộc thi ở trường cũng như các trường bạn. Lúc đó em tự thấy mình chưa đủ trưởng thành chín chắn để có sự khiêm tốn nhất định trong các cuộc thi. Kết quả là đạt thành tích không cao, thậm chí là không đạt thành tích gì cả.
Sau này, em vẫn kể về những lần thi đó. Với em đây là những thử thách với bản thân để có thêm kinh nghiệm quý báu.
Em luôn coi đó là những cơ hội. Nếu cứ buồn mãi với những thất bại ở hiện tại và quá khứ, sẽ không thể cho bản thân cơ hội tiếp cận với những cơ hội mới.
PV: Học tập tốt, nhưng cũng tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, vậy làm thế nào để em cân bằng được?
Nguyễn Thị Minh Hòa: Nếu nói không dành quá nhiều thời gian cho học tập, có lẽ mọi người sẽ không tin lắm. Nhưng em luôn cố gắng dành thời gian để cân bằng giữa việc học và việc tham gia các hoạt động khác.
Thực tế, em không học ở nhà quá nhiều, nhưng khi học trên lớp em rất tập trung và luôn chú ý đến những kiến thức trọng tâm mà thầy cô lưu ý. Em cũng cố gắng hiểu sâu vấn đề chứ không học thuộc hay học vẹt, khi có bất cứ thắc măc gì, em cũng trao đổi cùng bạn bè và hỏi thầy cô.
Bên cạnh hình thức thi viết, trường em còn thường xuyên thi vấn đáp, thuyết trình. Do đó, nếu chỉ học vẹt, sẽ rất khó để đạt điểm cao.
Em cũng muốn chia sẻ thêm rằng, ngoài học những kiến thức trong sách vở, thì nên trau dồi thêm kỹ năng mềm, team work, kỹ năng thuyết trình...
Em luôn thích việc có một nhóm bạn cùng học tập, như vậy mọi người có thể cùng chia sẻ tài liệu, động viên và giúp đỡ nhau cùng học, như vậy sẽ thú vị hơn rất nhiều.
Ngoài ra, em thấy việc học ngoại ngữ cũng rất quan trọng. Ngoài tiếng Anh, em có học thêm tiếng Trung, Nhật và Hàn. Để học được ngoại ngữ, đam mê và tìm cho mình một môi trường rèn luyện là vô cùng quan trọng. Có nhiều cách khác nhau để học ngoại ngữ như, qua phim ảnh, nghe nhạc, du lịch... hay tham gia các câu lạc bộ về ngoại ngữ hoặc thử apply vào các chương trình có tính quốc tế để được giao tiếp nhiều hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, ngoại ngữ và kỹ năng mềm là những hành trang vô cùng quan trọng, giúp em có thêm nhiều cơ hội việc làm tốt hơn.
PV: Cảm ơn em, chúc em thành công!/.
Từ khóa: nữ thủ khoa đạt 4.0/4.0, thủ khoa đại học Ngoại thương, tuổi trẻ không nên quá an toàn, bí quyết học tập, tuyển sinh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN