Nữ sinh “bỏ” Thủ đô về làng học chăn nuôi và hành trình trở thành thủ khoa
Cập nhật: 31/08/2020
Bị bắt khi định lừa 150 triệu đồng để lo cho công an lấy xe vi phạm ra sớm
Triệt xóa nhóm thiếu niên gây ra nhiều vụ cướp giật và trộm cắp tài sản
VOV.VN- Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng Huyền lại rất đam mê vật nuôi. 9x không ngại khó khổ về từng làng quê, xắn quần chăn lợn để có kiến thức thực tế.
Phan Thu Huyền (SN 1998) là cái tên đang “hot” tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khi xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra, tốt nghiệp sớm nửa năm của trường với số điểm học tập 3,55/4,0.
Nhắc đến Thu Huyền, thầy cô và bạn bè không chỉ ấn tượng về cô gái nhỏ nhắn nhưng có sức học “khủng” mà còn bởi Huyền luôn năng nổ, tích cực trong các phong trào của trường lớp.
Phan Thu Huyền chia sẻ, bản thân rất yêu động vật và muốn theo đuổi ngành chăn nuôi. (Ảnh: NVCC) |
Với những thành tích này, Phan Thu Huyền là gương mặt được Thành đoàn Hà Nội lựa chọn để vinh danh trong lễ Vinh danh thủ khoa của Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 này.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng Phan Thu Huyền lại sớm có niềm đam mê với động vật. Khi chọn ngành học, em quyết tâm chọn khoa Chăn nuôi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. “Sinh ra ở thành phố, nên khá nhiều người bất ngờ khi em lại chọn ngành chăn nuôi chứ không phải tài chính, ngân hàng, kế toán hay ngành khoa học xã hội nào khác. Ngay từ nhỏ em đã rất thích động vật và thích được đi nhiều nơi. Em không quen sự bó buộc hay những công việc văn phòng phải ngồi một chỗ. Do đó, khi chọn ngành, mẹ em hướng con gái đến những ngành nhẹ nhàng hơn, nhưng em đã thuyết phục bố mẹ để được theo đuổi nước mơ của mình”.
Về quê thuê trọ đi nuôi gà, chăn hàng tháng trời
Nữ thủ khoa chia sẻ, sau khi trúng tuyển, ngành học mà em lựa chọn không khiến em thất vọng. Với đặc thù riêng, sinh viên khoa Chăn nuôi được học cả lý thuyết và rất chú trọng về thực hành. Ngay từ năm nhất, năm 2, Huyền đã được đi thực tế tại các trang trại chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, vào các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi... Ngay từ cuối năm nhất đại học, khoa có tổ chức các đơt thực tập hè, đưa sinh viên về các trang trại ở các vùng quê trong vòng 1 tháng, Huyền đã mạnh dạn đăng ký để có cơ hội trải nghiệm.
Phan Thu Huyền không nề hà bất cứ công việc gì khi đi thực tế. |
“Điều em thích nhất là được đi nhiều nơi, được trải nghiệm thực tế tại các miền quê, học đi đối với hành chứ không chỉ là lý thuyết suông. Em vẫn nhớ có những đợt thực tập vài tháng liền, em về Hưng Yên và Bắc Ninh, ở trong các trang trại nuôi lợn, nuôi gà công nghiệp. Tại đây, chúng em trực tiếp tham gia nuôi 1 đàn gà, hay 1 đàn lợn từ khi bé đến đúng lúc thành phẩm xuất chuồng để biết hết quy trình chăm sóc, an toàn sinh học, cân đối lượng thức ăn thu nhận, biết được các dịch bệnh hay gặp ra sao”, Huyền hào hứng chia sẻ.
Huyền kể trong thời gian thực tế, em đã có nhiều trải nghiệm thú vị, có lần một mình ở trong trang trại, lại có lần đi thực tế 3 tháng, nhưng gặp đúng dịch tả lợn Châu Phi nên phải chịu cấm trại nhiều tháng liền.
Mỗi lần về địa phương thực tế, là một lần xa nhà, phải thuê trọ và sống tự lập, làm những công việc nhà nông từ cho vật nuôi ăn đến dọn chuồng trại, tiêm phòng... Thế nhưng Huyền chia sẻ, em không thấy bỡ ngỡ, cũng không thấy vất vả, trái lại luôn cảm thấy vui vì được làm đúng công việc mình yêu thích.
“Em thấy rất hứng thú với những chuyến đi thực tế. Đến mỗi địa phương, không chỉ học được những kiến thức chuyên ngành, em còn hiểu được về văn hóa và con người ở đó. Em cũng rất thích cuộc sống ở các vùng quê, khi mọi người đều gần gũi, nhiệt tình và rất thân thiện”, Huyền nói.
2 lần đại diện Việt Nam đi trao đổi sinh viên quốc tế
Với những thành tích xuất sắc trong học tập, năm 2019, Phan Thu Huyền vinh dự nhận học bổng Chính phủ, học bổng Aeon Mall của quỹ Aeon năm 2018, 2019. Đặc biệt, nữ sinh còn 2 lần đại diện cho sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia trao đổi sinh viên tại UniversitasGadjaMada, Indonesia và trường National Taiwan Ocean University, Đài Loan vào năm thứ 3 đại học.
Huyền chia sẻ, những chuyến trao đổi sinh viên đã đêm đến cho em cơ hội được trải nghiệm học tập tại những ngôi trường đại học lớn ở nước bạn, tiếp cận với nhiều kiến thức thú vị, khoa học công nghệ hàng đầu trong ngành chăn nuôi, cũng như làmquen với các sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Phan Thu Huyền là gương mặt tích cực trong các hoạt động của trường, lớp. |
Đạt nhiều thành tích xuất sắc, được nhiều bạn bè ngưỡng mộ, nhưng ít ai biết rằng, để trở thành thủ khoa của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trước đó, nữ sinh cũng đã có những giai đoạn “vật vã” với việc học.
“Hồi năm nhất đại học em đã mất một thời gian thực sự căng thẳng và sốc khi cảm thấy bị đuối, không theo kịp chương trình. Ở THPT em theo học khối A, do đó kiến thức môn Sinh học của em bị hổng rất nhiều. Nhưng lên đại học, lại có rất nhiều môn học liên quan đến môn Sinh. Thời gian đầu em đã khá khó khăn, mất cân bằng, loay hoay không biết làm sao để theo kịp chương trình. Cộng thêm với thay đổi môi trường giáo dục, bạn bè, thầy cô, nên lúc này em cảm thấy thực sự căng thẳng”, Huyền kể.
Tuy vậy, những điều này không khiến Phan Thu Huyền lùi bước. Em bắt đầu tìm cho mình những cách học riêng. Lớp đại học khá đông, với khoảng 120 sinh viên mỗi lớp, do đó, em dành nhiều thời gian tự học và nghiên cứu tại nhà, thời gian trên lớp dành để trao đổi với bạn bè và thầy cô nếu gặp nội dung khó.
Mỗi phần kiến thức quan trọng, Huyền đều ghi chú để tiện theo dõi. Kết thúc học phần, em chủ động xin thầy cô đề cương ôn tập để tự làm. Với những nỗ lực, phân bổ thời gian học- chơi rõ rõ ràng, Huyền dần “lội ngược dòng” trong kết quả học tập. Bên cạnh đó, nữ thủ khoa vẫn tham gia rất tích cực vào các hoạt động tập thể của trường, lớp.
“Em thường học ban ngày và tham gia các hoạt động của trường vào buổi tối. Chính những hoạt động cùng thầy cô, bạn bè đã cho em thêm nhiều năng lượng hơn sau những ngày học căng thẳng”, Huyền chia sẻ.
Kết thúc 3 năm rưỡi đại học, thủ khoa Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đang làm việc cho tập đoàn đa quốc gia chuyên về thức ăn chăn nuôi. Huyền chia sẻ, trong thời gian tới, em muốn tiếp tục làm việc và tìm kiếm cơ hội học lên thạc sỹ ngành chăn nuôi tại nước ngoài./.
Từ khóa: thủ khoa, thủ khoa Phan Thu Hiền, Thủ khoa Học viện nông nghiệp Việt Nam, bỏ phố về quê, ngành Chăn nuôi
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN