"Nữ sĩ thời gió bụi" của Lê Phương Liên: Nối bản chỉ sau hai tuần ra mắt
Cập nhật: 04/05/2021
(VOV5) - "Nếu đọc cuốn này với tâm thế thưởng thức một sự khắc họa bình tĩnh, sẽ thấy nó có một vẻ thanh nhã, hồn hậu."
Buổi giao lưu về cuốn tiểu thuyết “Nữ sĩ thời gió bụi” của nhà văn Lê Phương Liên nhân dịp Ngày sách Việt Nam 2021 vừa được NXB Phụ Nữ tổ chức đã thu hút đông đảo độc giả tới dự.
Quang cảnh buổi giao lưu về cuốn tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi. |
Cuốn tiểu thuyết dã sử đầu tiên của nhà văn Lê Phương Liên viết về Đoàn Thị Điểm, một bậc nữ nhân kì tài, vô cùng đặc biệt trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết vừa phát hành nhưng lập tức đã được nối bản, cũng là hiện tượng đáng mừng trong thời điểm hiện nay.
Trong buổi trò chuyện, nhà văn Lê Phương Liên và các khách mời đã chia sẻ những câu chuyện khiến độc giả tò mò như “thời gió bụi” là thời nào?, hình ảnh nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được xây dựng trong cuốn tiểu thuyết dã sử ra sao?, thông điệp nhà văn muốn gửi gắm là gì?..
Nhà văn Lê Phương Liên cho biết cái tên "Nữ sĩ thời gió bụi" có cơn cớ từ câu đầu tiên "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi" trong cuốn Chinh phụ ngâm, nguyên tác của Đặng Trần Côn qua bản diễn nôm xuất sắc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. |
Nhà văn Lê Phương Liên kể lại, bà từ nhỏ vốn dĩ rất yêu lịch sử, nhưng lại không học sử mà tất cả vốn hiểu biết về lịch sử là tự học. Khi sống ở mảnh đất nào bà cũng tưởng tượng về lịch sử ở mảnh đất đó: "Từ câu đầu tiên của cuốn Chinh phụ ngâm "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”, tôi đặt tên sách là “Nữ sĩ thời gió bụi”. Cơ duyên trực tiếp khiến tôi đi vào đề bà Đoàn Thị Điểm là từ bác Văn Hậu, người làng Phú Xá.
Như trong Lời tác giả trong sách đã kể, bác đã tìm tôi trên sân thơ Văn Miếu và bảo: Tôi đi tìm cô để mời cô đến làng Phú Xá dự hội làng, thăm mộ bà Đoàn Thị Điểm, rồi viết một cuốn tiểu thuyết về bà. Lúc ấy bác dỗ tôi khéo lắm (cười), bác bảo: tôi cũng biết cô nhiều tuổi rồi, nhưng mà cô viết nốt cuốn tiểu thuyết này rồi nghỉ. Nhưng bây giờ bác lại muốn tôi viết cuốn nữa đấy! Đấy là cái nhiệt tình thúc đẩy.
Cơ duyên thứ hai, chính là cuốn Một điểm tinh hoa của bác Băng Thanh. Đây là tuyển tập đầy đủ tất cả các tác phẩm của bà Đoàn Thị Điểm: bản dịch, chú giải và những công trình nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng văn tức là người. Có nhiều người hỏi tôi. tại sao lại tưởng tượng ra được bà Điểm? Tôi nghĩ chính vì tôi đọc những bản dịch này giúp tôi tưởng tượng được. Viết những áng văn tuyệt vời như thế thì phải là một người có một tâm hồn như thế nào, tác phong, bộ điệu, nét mặt như thế nào…
Nhà văn Lê Phương Liên cho biết, cuốn "Một điểm tinh hoa" công trình tập hợp những tác phẩm của Đoàn Thị Điểm của PGS TS Nguyễn Thị Băng Thanh đã giúp bà rất nhiều trong việc hình dung ra thần thái, ngôn ngữ của nhân vật. |
Chia sẻ về những khó khăn khi viết cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng: "Khó khăn lớn nhất là tôi không biết chữ Hán, chữ Nôm. Mà mình cần trình bày một nữ sĩ của thế kỷ thứ 18, một người rất giỏi. Tất cả các hoạt động từ nhà trường cho đến các nhân vật nói chuyện với nhau đều phải dùng những kiến thức về văn học. Muốn thể hiện được điều đó, tôi chỉ có một cách duy nhất là dựa vào bản dịch của PGS Băng Thanh, rồi bằng sự hiểu biết của mình tưởng tượng ra đặt những câu nói ấy, câu thơ ấy vào những hoàn cảnh cụ thể, thì sẽ tạo ra một không khí của tiểu thuyết lịch sử."
Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét: “Nếu đọc cuốn này với tâm thế thưởng thức một sự khắc họa bình tĩnh, sẽ thấy nó có một vẻ thanh nhã, hồn hậu, khác với các mảng miếng kiểu sân khấu dân gian hay ẩn ức đương đại quá đà vốn hay được vận dụng như cách cứu vãn một cái sườn quá mỏng ở rất nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử gần đây.”
Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng nhân vật trong Nữ sĩ thời gió bụ chuyển động hiện đại hơn nhiều tác phẩm lịch sử trước đây. |
Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, độc giả Việt cần có một cách nhìn khác, cách đọc đọc khác với tiểu thuyết lịch sử Việt, bởi đó là phẩn mà nhà văn nhìn và mượn những nhân vật lịch sử để triển khai những ý tưởng của tác giả, của thế hệ hiện tại để nhìn vào quá khứ: "Câu chuyện của cô Liên cho thấy cách làm việc rất công phu. Cô xâu chuỗi tất cả các nhân vật có thật trong lịch sử trong mối quan hệ phức tạp của một giai đoạn mà thật ra ngay cả chính sử hay những tác phẩm hồi đấy cũng bảy phần thực ba phần hư. Giai thoại và những sự chồng lấn của dữ kiện dân gian và dữ kiện chính thống xoắn vào nhau rất khó tách biệt. Vậy mà cô làm được sự lớp lang, trình tự như thế, tạo hệ thống, cảm giác là nhân vật có da có thịt hoặc chuyển động hiện đại hơn so với nhiều tiểu thuyết lịch sử trước đây.
Đa phần trong cao trào giải phóng dân tộc, cao trào cảm hứng sử thi anh hùng chẳng hạn, thì nhân vật thiên về những chiến công hiển hách ,về những đóng góp có tính chất cứu quốc hay kiến thiết. Ở đây là một nhân vật tính chất văn chương tài tử hơn, một cái gì đấy phóng khoáng, lãng mạn hơn, câu chuyện cũng nhẹ nhõm. Có cảm giác ở đây cô dành nhiều đất hơn cho cắt nghĩa cơ chế tạo ra những tác phẩm nghệ thuật như thế.
Đặc biệt là việc nhà văn hóa thân vào trạng thái cảm xúc của nhân vật chính - vì sao bà Điểm viết hay dịch những áng văn đó, bà cảm xúc với thời cuộc như thế nào... Đấy là những nét khiến cho tiểu thuyết của cô Nguyễn Phương Liên gần với kết quả những nghiên cứu nhân học gần đây, thoát ly khỏi những cách thức viết truyện sử bị nệ vào những đường dây quan phương như trước đây."
Nhà nghiên cứu lịch sử, tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương nhận xét: Bối cảnh lịch sử trong câu chuyện của nhà văn Lê Phương Liên cho thấy sự băn khoăn, bế tắc, trăn trở của kẻ sĩ ở Việt Nam thời bấy giờ. Tuy nhiên, cũng chia sẻ về những “điểm dừng” chừng mực trong tác phẩm, khi nhà văn Lê Phương Liên không đẩy tới cao trào trong nhiều cảnh có thể gay cấn, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng: "Tại sao phim lịch sử nước ngoài, tiểu thuyết lịch sử nước ngoài hay thế? Là khi người ta viết mặc dù nghiên cứu trên tư liệu nhưng người ta luôn phân biệt rạch ròi đâu là nhân vật lịch sử, đâu là nhân vật văn học. Nên người ta có thể gọi Lưu Bang là thằng lưu manh được. Chứ nếu chúng ta mà viết tiểu thuyết lịch sử như thế sẽ "toi" ngay, độc giả ném gạch chết luôn. Nhưng như thế thì không hấp dẫn."
Phó GS, TS Trần Thị Băng Thanh, người đã có tác phẩm nghiên cứu vững chãi làm cái khung bối cảnh lịch sử cho tác phẩm của Lê Phương Liên, cho rằng: "Tôi và chị Phương Liên và cả chị Võ Thị Hảo (đã từng viết Hồng Hà nữ sỹ - nếu về nhân vật lịch sử đọc cái quyền ấy sẽ hiểu rất rõ cuộc đời và sự nghiệp của Đoàn Thị Điểm, cũng NXB Phụ nữ xuất bản)m đều thấy bà Điểm là người rất đặc biệt. Chị Phương Liên có thể đưa ra được một người phụ nữ với một hình dung rất trẻ trung, rất dễ thương. Tôi rất thích chân dung ấy ở Đoàn Thị Điểm. Nhưng mặt khác quả thật tôi cũng chưa thật với được tới điều rất lớn là sự sâu sắc và cá tính chính khách của Đoàn Thị Điểm."
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc kiêm Tổng biên tập của NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết: "Thực sự rất mừng sau hai tuần phát hành cuốn sách đã được bạn đọc yêu thích và có quyết định nối bản ngay.
Cuốn tiểu thuyết này dưới dạng một câu chuyện được tiểu thuyết hóa nhưng cũng xây dựng trên rất nhiều những sự thực và những giai thoại rất hay, rất hấp dẫn về cuộc đời của bà Đoàn Thị Điểm."
“Nữ sĩ thời gió bụi” là một cuốn tiểu thuyết nhỏ gọn với năm chương nhưng thâu tóm được toàn bộ cuộc đời đầy biến động của Đoàn Thị Điểm - một nhà giáo, một thầy thuốc, một nữ tác gia có tư tưởng, có tầm nhìn sâu rộng, có chính kiến và có một tấm lòng rất mực nhân hậu.
Và nói như bà Khúc Thị Hoa Phượng: “Nhân vật Đoàn Thị Điểm là hình tượng nữ học tiêu biểu cho Việt Nam thời đó. Biểu tượng đó còn nguyên giá trị trong thời đại hôm nay. Qua tác phẩm, chúng tôi muốn gửi gắm đến thế hệ phụ nữ hiện đại không chỉ ‘độc thiện kỳ thân’ - làm việc tốt cho riêng mình, mà còn phải đóng góp cho xã hội.”
Từ khóa:
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5