Nữ giáo viên bỏ việc để sang Úc làm nông dân chăn bò: Hạnh phúc là do mình tạo ra
Cập nhật: 28/10/2020
VOV.VN - Khi còn là một giáo viên ở Việt Nam hay sang Úc làm nông dân chăn bò, cuộc sống với Thảo lúc nào cũng ngập tràn năng lượng tích cực.
Đối với nhiều người, hạnh phúc là giàu có, nhà đẹp, xe sang… Nhưng với Thanh Thảo, hạnh phúc chỉ đơn giản là được làm những gì mình muốn và trân trọng cuộc sống hiện tại. Có lẽ vì vậy, kể cả khi ở Việt Nam hay sang Úc sinh sống, khi còn là một cô giáo trẻ mới ra trường đầy hoài bão hay sau khi lấy chồng, trở thành một nông dân “chân lấm tay bùn” thực thụ, lúc nào Thảo cũng cảm thấy cuộc sống ngập tràn hạnh phúc và đầy màu sắc.
Thanh Thảo sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, cô trở thành giáo viên ở một số trung tâm tiếng Anh. Cũng ở môi trường này, Thảo quen, yêu và kết hôn với Mark, một giáo viên người Úc – mở ra một chặng đường mới hoàn toàn bỡ ngỡ với cô gái trẻ.
“Chúng tôi biết nhau ở cơ quan được một năm rồi nhưng cũng không giao tiếp gì nhiều. Mãi sau này khi đi uống với các đồng nghiệp, tôi và anh mới nói chuyện nhiều hơn rồi về kết bạn trên facebook. Nhớ có lần anh bị ngã xe máy, tôi cũng hỏi thăm rồi sau đó nhắn tin qua lại và thấy có cảm tình với nhau. Lúc mới yêu, chúng tôi giấu tất cả mọi người, phần cũng vì không muốn đồng nghiệp bàn tán, và cũng vì bố mẹ tôi không ủng hộ mối quan hệ.
Trước đây, bố mẹ tôi hay nghĩ những người nước ngoài sang đây dạy tiếng Anh chủ yếu là “Tây ba lô”, công việc, cuộc sống không ổn định, không nghiêm túc, nay đây mai đó. Nhưng tôi cũng đấu tranh mãi để bố mẹ chấp nhận mối quan hệ này. Sau khi gặp anh, bố mẹ tôi thấy anh là người suy nghĩ chín chắn, trưởng thành, đàng hoàng nên rất quý anh. Chúng tôi yêu nhau được một năm rưỡi thì cưới”.
Sau khi kết hôn, Thảo và Mark dự định sẽ chuyển vào Quy Nhơn để tự kinh doanh, nhưng sau cùng, cả hai quyết định trở về Úc, phần vì bố mẹ Mark cũng đã có tuổi, phần vì cả hai quyết định tiếp quản trang trại của gia đình. “Gia đình và bạn bè cũng ủng hộ tôi, vì trước giờ mọi người biết tính tôi thích độc lập và tôi cũng không sợ bước ra khỏi vùng an toàn”, Thảo kể lại về quyết định liều lĩnh của mình.
Sau khi sang Úc được khoảng 2 tháng, cô gặp khủng hoảng tinh thần vì nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ lối sống nhanh và sự tấp nập, ồn ã của Hà Nội. Bởi trước đó, cô gái trẻ chưa bao giờ nghĩ sẽ xa rời Hà Nội để về nông thôn sống, lại còn là vùng nông thôn ở nước ngoài. Song Thảo cũng nhận ra, việc quan trọng nhất là cô cần tự tạo niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. Thảo tập làm quen với công việc chăn nuôi bò như một sở thích, rồi trồng thêm cây ăn quả, rau củ để phục vụ nhu cầu của gia đình, nuôi động vật…
Thảo bảo: “Sau khi bỏ công việc bàn giấy và làm công việc liên quan đến thiên nhiên này, tôi nhận ra tôi đã bỏ lỡ vẻ đẹp của tự nhiên, sự trong lành, sự bình yên từ cây cối và động vật, điều mà 23 năm sống ở Hà Nội tôi đã lãng quên vì tính chất công việc dạy học. Cô cũng phải học thêm kỹ năng sữa chữa, vận hành mọi công việc ở nông trại, bởi ở Úc, mọi người đều tự làm chứ ít khi thuê thợ.
“Mình nhìn nhận cuộc sống có khác trước. Quan trọng không phải là làm gì, làm việc chân tay hay đầu óc, mà điều quan trọng là cuối ngày, về nhà, nghĩ về công việc mình hoàn thành trong hôm nay, tự thấy bản thân giỏi giang và đầy tự hào. Rồi sáng hôm sau thức dậy, lên kế hoạch hôm nay sẽ đi kiểm tra bò như thế nào, đất đồi cần đào chỗ nào để đưa điện vào hàng rào, đưa nước vào bể cho bò, rồi học lái xe ô tô vì bên này không ai đi xe máy... Đi làm về thì tranh thủ tập gym, dọn nhà. Ăn cơm xong thì xem chương trình mình thích, gọi điện cho bố mẹ.
Từ khi làm công việc liên quan tiếp xúc với động vật nhiều hơn, thấy cuộc sống chậm lại. Thấy mình (nói riêng) và con người (nói chung) may mắn và biết ơn cuộc sống mình đang có nhiều đến thế nào. Vì mình chứng kiến tận mắt động vật (kể cả vật nuôi) ở đây phải đấu tranh để sinh tồn như thế nào. Mạnh thì sống, yếu thì chết. Trong tháng rồi nhà mình "đi mất" 2 con, một bị bệnh, một bị động vật khác tấn công, lúc nhà mình phát hiện ra thì mẹ nó đang khóc bên cạnh. Thời tiết thì khắc nghiệt, một ngày mà nắng mưa nóng lạnh đủ cả thất thường”.
Khi mình còn là giáo viên thì hạnh phúc của mình là sự tiến bộ của học sinh, còn khi làm trang trại thì có khi mình vui chỉ vì nhìn thấy con bò nó vẫn khỏe, không bệnh tật gì, cây cối khỏe mạnh tươi tốt. Mình nghĩ hạnh phúc là do mình tự tạo ra, là cách mình nhìn nhận cuộc sống tích cực, là mỗi ngày thức dậy mà nhiều năng lượng”./.
Từ khóa: chuyện tình giáo viên bỏ nghề đi làm nông dân chăn bò, chuyện tình cảm động, chuyện tình cô giáo trẻ
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN