Nữ “đại gia” Dương Thị Bạch Diệp khóc nói “Tôi không lừa ai”

Cập nhật: 16/03/2021

VOV.VN - Đại diện Văn phòng đăng ký đất đai cũng khẳng định Trung tâm Thông tin Tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất có cập nhật lại nội dung nhà đất 57 Cao Thắng đã thế chấp cho Agribank khi ra sổ mới.

Chiều nay (16/3) phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM và nữ “đại gia” Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương) tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư bào chữa.

Tại phiên tòa, bị cáo Diệp tiếp tục kêu oan, phản bác cáo trạng và bật khóc khi được hỏi về quá trình công tác và đóng góp cho xã hội. 

Trước đó, trả lời câu hỏi của Viện Kiểm sát, đại diện Ngân hàng Agribank cho biết, nhà đất 57 Cao Thắng được bà Diệp thế chấp cho khoản vay 8.700 lượng vàng. Việc thế chấp này được đăng ký giao dịch bảo đảm. Sau đó, Công ty Diệp Bạch Dương của bà Diệp có gửi Agribank 2 văn bản là biên bản họp hội đồng thành viên và đơn xin mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng để cập nhật lại thông tin.

Đại diện Văn phòng đăng ký đất đai cũng khẳng định Trung tâm Thông tin Tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất có cập nhật lại nội dung nhà đất 57 Cao Thắng đã thế chấp cho Agribank khi ra sổ mới. Tuy nhiên thông tin thế chấp không in trực tiếp trên mặt sau của giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 313/2008 (nhà đất số 57 Cao Thắng) của công ty Diệp Bạch Dương, mà có giấy xác nhận thế chấp kèm theo. Người này khẳng định việc xác nhận đăng ký thế chấp này được thực hiện theo yêu cầu của hai cả bên gồm: Công ty Diệp Bạch Dương – bên thế chấp và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank TPHCM )- bên nhận thế chấp, phía dưới giấy yêu cầu cả hai bên đều ký.

Phủ nhận lời khai của đại diện Văn phòng đăng ký đất đai và ngân hàng Agribank, bị cáo Diệp khẳng định công ty Diệp Bạch Dương không có đơn yêu cầu đăng ký thế chấp. Bà cho rằng lời khai của các đại diện trên là không đúng sự thật. Tuy nhiên khi được luật sư hỏi “không thế chấp tại sao giấy tờ lại nằm trong ngân hàng?”, nữ “đại gia” này giải thích quanh co và nói các văn bản “đều là giả mạo”. Theo bị cáo Diệp, vào thời điểm trên con gái bà là Nguyễn Thị Châu Hà (một cổ đông của công ty diệp Bạch Dương) không có mặt tại Việt Nam.

Thừa nhận việc đem nhà đất công sản tại số 185 Hai Bà Trưng thế chấp cho ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) khi chưa giải quyết xong các vấn đề liên quan đến nhà 57 Cao Thắng với Agribank là sai, nhưng nữ “đại gia” phản đối cáo trạng khi quy kết mình là lừa đảo. Bà Diệp trình bày công ty bà đã xây nhà 57 Cao Thắng cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM như cam kết, vướng mắc pháp lý đang được giải quyết thì không thể quy kết là lừa đảo. “Tôi sai nhưng tôi nghĩ cái sai của tôi không phải là lừa đảo. Tôi không lừa đảo, từ nhỏ đến lớn tôi chưa biết lừa đảo ai hết” – bị cáo Diệp nói.

Khi được luật sư bào chữa hỏi về quá trình công tác và đóng góp cho xã hội,  nữ “đại gia” vừa khóc vừa trả lời bản thân có 2 Huân chương Kháng chiến Hạng 2. Ngoài ra, trong quá trình kinh doanh đã có nhiều đóng góp cho xã hội như tham gia xây dựng các trường học ở miền núi, ủng hộ Quỹ học bổng Vừ A Dính và từng được UBMTTQVN tặng Huân chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc”.

Ngày mai (17/3) phiên tòa xét xử 10 bị cáo trong vụ sai phạm hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng lấy công sản 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM) sẽ tiếp tục làm việc./.

Từ khóa: Nữ “đại gia” Dương Thị Bạch Diệp, bị cáo Nguyễn Thành Tài, Bất động sản Diệp Bạch Dương

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập