NSƯT Phạm Việt Tùng: “Còn đi được là còn cống hiến cho nghề“

Cập nhật: 26/12/2019

VOV.VN -Suốt cuộc đời cống hiến cho nghề báo, Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng đã để lại những thước phim tư liệu vô giá cho lịch sử dân tộc.

Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2019), bộ phim Tài liệu “Phạm Việt Tùng – Nghệ sĩ, chiến sĩ” do Kênh Truyền hình Việt Nam Journey, Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất đã chính thức lên sóng.

Phóng viên chúng tôi có dịp trò chuyện với đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng - thế hệ quay phim trưởng thành từ Đài TNVN. Ông là tác giả của thước phim máy bay B52 của Mỹ bốc cháy rực trời bên cột Truyền hình 58 Quán Sứ năm 1972 - hình ảnh biểu tượng của ngành Phát thanh-Truyền hình Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Suốt cuộc đời cống hiến cho nghề báo, ông đã để lại những thước phim tư liệu vô giá cho lịch sử dân tộc.

dao dien,nsut pham viet tung: "con di duoc la con cong hien cho nghe" hinh 1

Người quay phim trưởng thành trong khói lửa chiến tranh

Bước vào cuộc chiến với tư cách “người chép sử bằng hình”, NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng luôn có mặt ở những điểm nóng nhất của chiến tranh để kịp thời ghi lại tình hình chiến sự của ta – địch. Ông xông pha trận mạc như những người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ. Chỉ khác ở chỗ, vũ khí ông mang là chiếc máy quay phim – một thứ vũ khí đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của một quay phim chiến trường.Năm 1968, ông có mặt ở trận địa Vĩnh Linh, nơi từng bị đế quốc Mỹ ném bom dữ dội nhất để ghi hình. Trên đường đi quay, ông gặp 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng khi quay hình xong trở về, các cô đều đã hy sinh. Đó là một trong những kỷ niệm đau thương khiến ông nhớ nhất.

dao dien,nsut pham viet tung: "con di duoc la con cong hien cho nghe" hinh 2

NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng quay phim ở tuyến lửa Vĩnh Linh

Là một trong ba người quay phim đầu tiên của Truyền hình Việt Nam may mắn được cầm máy quay đi theo Hồ Chủ tịch, đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ. Ông kể lại: “Bác Hồ luôn dạy chúng tôi “Văn hóa văn nghệ là một mặt trận, người làm báo là một chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Mỗi người làm báo đều phải nâng cao trình độ của mình, làm điều gì cũng phải xuất phát từ nhân dân, phục vụ nhân dân. Ngoài ra, Bác cũng giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Lắm khi Bác hỏi các chú có mang đủ phim không, nếu không mang đủ phim thì Bác đi lại cho mà quay. Hay đôi khi quay thiếu sáng, Bác bảo các chú trèo lên mái nhà, gỡ mấy tàu lá xuống, ánh sáng lọt vào là quay được... Nói như vậy để thấy rằng, Bác rất hiểu nghề và gần gũi với anh em quay phim chúng tôi”.

Đạo diễn Việt Tùng là lớp học sinh đầu tiên của nền điện ảnh kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thầy của ông là những ánh dương đầu tiên của điện ảnh nước nhà như Đạo diễn Khương Mễ, Mai Lộc, Hải Ninh, Hồng Sến, Khánh Dư... Cố đạo diễn, nhà quay phim, NSƯT Khương Mễ (1916-2004) đã từng nói về ông như thế này: “Hồi về xưởng phim Thụy Khuê, người mà tôi để ý nhất là Việt Tùng. Việt Tùng hồi đó làm ánh sáng, nhưng có cái mê trở thành quay phim. Khi đó ở miền Bắc rất khan hiếm phim chụp ảnh, tôi mới cho Việt Tùng những mẩu phim để quay thử về ánh sáng. Đến khi chúng tôi làm phim “Vợ chồng A Phủ” năm 1961, chính Việt Tùng đã có những sáng kiến làm ánh lửa bập bùng trên mặt Mị để thể hiện được tâm trạng của cô ấy”.

dao dien,nsut pham viet tung: "con di duoc la con cong hien cho nghe" hinh 3
NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng (khoanh đỏ) là thế hệ quay phim đầu tiên của nền điện ảnh chống Mỹ cứu nước.

Từng tham gia làm công tác ánh sáng trong các phim “Vợ chồng A phủ” (1961); “Chị Tư Hậu” (1962), sau đó ông trở thành quay phim chính trong một số bộ phim như “Cuộc đọ sức 5 ngày” - giải thưởng Bông Sen Bạc trong liên hoan phim Việt Nam 1973; “Tiếng trống trường” – giải thưởng “Bồ Câu Vàng” tại liên hoan phim quốc tế tại Leizig 1973; “Điện Biên Phủ trên không” - giải đặc biệt tại liên hoan phim quốc tế tại Tiệp Khắc 1974; “Gửi trọn niềm tin” - phim truyện đầu tiên của truyền hình Quay phim chính trong phim truyện đầu tiên của truyền hình VN 1974... NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng đã có những đóng góp không nhỏ đối với nền điện ảnh, truyền hình của ta trong những ngày còn thô sơ nhất.

Đặc biệt, trong trận máy bay B52 của Mỹ tăng cường ném bom 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, ông Việt Tùng đã ghi lại được những thước phim tư liệu hết sức quý giá. Khi được hỏi về hình ảnh máy bay B52 của Mỹ bốc cháy rực trời bên cột Truyền hình 58 Quán Sứ năm 1972, giọng ông vang lên đầy hào sảng, kể lại câu chuyện như nó mới diễn ra ngày hôm qua: “Tâm trạng của tôi khi đó thì mảnh đạn nó rơi dào dào trên các mái nhà, không biết sống chết thế nào nhưng quyết tâm lắm. Hồi đấy thủ trưởng của chúng tôi không cho đi quay đâu, vì máy bay bắn phá dữ dội, còi báo động nữa, nhưng tôi trốn đi, leo lên mái nhà của Khách sạn Hòa Bình (Hà Nội) bây giờ để quay đấy chứ. Thế rồi anh phụ quay của tôi bảo anh ơi ở đằng này này, tôi cứ bấm đại đi. Sau này tráng phim ra thì tôi mới biết đó là cột truyền hình 58 Quán Sứ”.

Sau này, Sài Gòn được giải phóng, non sông thu về một mối, NSƯT đạo diễn Phạm Việt Tùng cùng đoàn của nhà báo Huỳnh Văn Tiểng lên đường vào Nam quay giải phóng. Những thước phim xe tăng của ta nghiến lên lá cờ 3 sọc của Ngụy quyền, những gương mặt rạng rỡ của nhân dân miền Nam, không khí Dinh Độc lập trưa 30/4/1975 mà ta vẫn thường thấy trên truyền hình là đóng góp của người quay phim Phạm Việt Tùng.

Khép lại chặng đường lịch sử của dân tộc, những người “chép sử bằng hình” như đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng đã để lại cho đời những thước phim vô cùng quý giá. Có đau thương, mất mát nhưng cuối cùng, dân tộc ta vẫn cùng chung một niềm vui chiến thắng. Vất vả, nguy hiểm để có được từng thươc phim, nhưng ông vẫn luôn lạc quan cho rằng “khói lửa chiến tranh, bom đạn đã tôi luyện cho những người quay một tinh thần quyết liệt, một cái tôi nghệ thuật đầy cá tính”.

Tuổi 80 vẫn cháy hết mình với nghề báo

Gặp gỡ đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng khi ông đang ngồi bên bàn dựng, chúng tôi không không khỏi ngỡ ngàng khi ông nói mình đã bước sang tuổi 81. Bởi ở ông luôn toát lên sự nhanh nhẹn, minh mẫn, không có dáng vẻ gì của một cụ già ở tuổi “xưa nay hiếm”. Trong suốt cuộc trò chuyện, có đến vài ba lần ông nhắc lại câu “Còn đi được là tôi còn cống hiến cho nghề báo”.

dao dien,nsut pham viet tung: "con di duoc la con cong hien cho nghe" hinh 4

Khi bước chân chẳng còn nhanh nhẹn như trước, nhưng tinh thần của người chiến sĩ quay vác bên mình chiếc máy quay phim vẫn chưa bao giờ đổi khác.

Ông vẫn tham gia làm phim tài liệu, làm cố vấn lịch sử cho những bạn trẻ có đam mê với thể loại truyền hình này. Ông luôn quan niệm: “Cho đi là nhận lại”, nên khi giúp đỡ, ông chẳng mảy may suy nghĩ thiệt hơn. Nhiều bạn sinh viên trẻ như Thùy Trang, Bích Ngọc, Minh Công... được ông hướng dẫn giờ đã tự tin đứng trên đôi chân của mình và đang lăn xả với thể loại phim tài liệu truyền hình.

Không nghỉ ngơi, ông cho biết mình thỉnh thoảng vẫn đến nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm với các cán bộ, phóng viên các đài truyền hình trung ương và địa phương như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang... để đỡ “nhớ nghề”.

dao dien,nsut pham viet tung: "con di duoc la con cong hien cho nghe" hinh 5
Ông tham gia nói chuyện tại Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.

Để rồi, khi nhắc đến đạo diễn Việt Tùng, nhiều anh em trong “làng nghề” nhớ ngay đến một Việt Tùng với tinh thần kiên quyết, dũng cảm đấu tranh cho sự thật theo đúng những gì nó diễn ra. Những bộ phim như “Người lính xe tăng 390 ngày ấy”, bộ phim đấu tranh cho 4 người lính trên chiếc xe tăng 390 – chiếc xe đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập thay vì xe tăng 843 hay bộ phim “Sài Gòn trưa 30/4/1975” nói về việc Trung Úy Bùi Văn Tùng mới là người thảo bản đầu hàng cho Dương Văn Minh... đã ghi dấu tên tuổi của ông, đưa ông bước lên bục vinh quang nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn Học Nghệ thuật năm 2012.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhận xét về đạo diễn, NSƯT Việt Tùng: “Chúng tôi hết sức trân quý lứa phóng viên lớp đầu của ngành Phát thanh – Truyền hình Việt Nam. Điều mà tôi yêu quý anh Tùng là một người rất trau dồi nghề, mặc dù nghỉ hưu rồi nhưng vẫn trăn trở, đấu tranh để đi đến cùng cho sự thật. Khi bầu giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, tôi có nói với hội đồng là anh Phạm Việt Tùng là một người rất xứng đáng, là người trực tiếp quay phim ở chiến trường, ghi lại những thước phim lịch sử vô giá. Thì tôi cho rằng đó là những đóng góp của một người nghệ sĩ, chiến sĩ chân chính”.

Bộ phim Tài liệu “Phạm Việt Tùng – Nghệ sĩ, chiến sĩ” do đạo diễn trẻ Thùy Trang lên kịch bản và phát sóng nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2019), gửi đến độc giả thông điệp về nghề báo, đặc biệt là nghề quay phim chiến trường gian khổ nhưng rất vinh quang và đáng tự hào. Qua đó, khán giả sẽ hiểu rõ hơn về từng chặng đường phát triển của ngành điện ảnh, Phát thanh – Truyền hình nước nhà thông qua bức chân dung về cuộc đời, sự nghiệp của chiến sĩ, nghệ sĩ quay phim Phạm Việt Tùng./.

Từ khóa: Phạm Việt Tùng, Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng, Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng làm báo

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập