NSƯT Hoàng Tùng: Đài Tiếng nói Việt Nam là môi trường để rèn luyện giọng ca
Cập nhật: 17/11/2021
Hơn 30 gắn bó với sân khấu cải lương, NSƯT Hoàng Tùng để lại ấn tượng đẹp về lời ca, lối diễn qua nhiều vai kép phụ. Anh là cộng tác viên thân thiết của chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền (Ban Âm nhạc - VOV3) và chương trình Tiếng thơ (Ban Văn học nghệ thuật - VOV6) Đài TNVN.
“Tôi là nghệ sĩ chín muộn”
Theo chia sẻ của nghệ sĩ Hoàng Tùng, “chín muộn” bao hàm rất nhiều nghĩa. Thời điểm anh được tuyển vào Nhà hát Cải lương Việt Nam, sự chênh lệch về tuổi đời tuổi nghề với các nghệ sĩ đã thành danh là rất lớn. Để có một vai diễn đòi hỏi phải trải qua quá trình dài luyện tập, và đương nhiên cái nghề của anh “trăm hay không bằng tay quen” phải được diễn nhiều, được kinh qua nhiều vai diễn thì mới có trải nghiệm, từ đó có đúc rút kinh nghiệm cho những vai lớn hơn, dài hơi hơn. Sự chín muộn ở đây là sự chín muộn về nghề, về độ chín của trải nghiệm và độ chín của tuổi nghề.
NSƯTHoàng Tùng
Tuy nhiên thế mạnh lớn nhất của NSƯT Hoàng Tùng chính là được các thầy cô chỉ dạy và học hỏi rất kỹ càng về cách ca trong diễn xuất cũng như cách thể hiện tâm lý, tình cảm nhân vật. Điều này dễ nhận thấy khi biểu diễn trên sân khấu, qua từng vai diễn, qua từng trích đoạn, qua từng lớp diễn. Ca một lớp mùi mẫn chưa chắc đã bằng diễn viên đong đầy cảm xúc và tạo được dấu ấn trong lớp diễn ấy bằng cả ca, cả diễn, và tất cả mọi yếu tố hỗ trợ xung quanh lớp diễn để tạo được vai diễn để đời - đó là điều quan trọng nhất đối với Hoàng Tùng.
NSƯT Hoàng Tùng tự cho rằng, mình ca chưa đủ mùi, diễn cũng không phải là xuất sắc lắm, nhưng nhìn tổng thể thì bạn bè đồng nghiệp và khán giả chấp nhận được. 30 năm theo nghề, quá trình tìm tòi cống hiến, sự chăm chỉ của anh đã được đền đáp. Đó chính là khi anh ca, kể cả trên truyền hình hay trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, khi chưa giới thiệu tên mọi người đã nhận ra, à nghệ sĩ Hoàng Tùng. Khán, thính giả nghe và nhắc đến anh - đấy là điều hạnh phúc của người nghệ sĩ.
Đã từng bỏ nghề
NSƯT Hoàng Tùng nhớ lại những buổi đầu tiên theo nghề, nhiều khi anh cảm thấy không theo nghề được, có những lúc muốn bỏ nghề. Năm 1992, anh đã bỏ sân khấu, bỏ nhà hát khoảng 6 tháng để ra ngoài tự lập bởi thấy rằng sao cải lương khó như vậy, hay là mình không có duyên, không đủ sức để theo nghề. Và khi anh rời xa cải lương, anh luôn cảm thấy chống chếnh.
Sau 6 tháng xa cải lương, Hoàng Tùng nhận thấy mình không thể bỏ nghề, không thể sống thiếu cải lương được. Thế là anh quay lại. Lúc ấy mới thực sự thấm thía rằng cần phải làm gì, định hướng rõ ràng con đường đi, hướng luyện tập ra sao, rèn luyện thế nào về lối ca, lối diễn và học hành như thế nào cho nó chuẩn chỉ nhất. Riêng ca cải lương đến bây giờ Hoàng Tùng vẫn phải học. Ví dụ, khi anh thu âm trên Đài Tiếng nói Việt Nam để phát sóng toàn quốc, bắt buộc phải ca giọng Nam. Có những từ tiếng Nam anh thuận, có những từ vẫn hơi ngọng thì phải tập, để làm sao khán giả phía Nam cũng như khán giả toàn quốc nghe họ cũng không nhận ra điều ấy nhiều lắm, mặc dù có sự pha trộn nhưng chấp nhận được. “Còn nhớ thời gian đầu, phải đến 7 - 8 năm tôi mới ngấm được cách nhả chữ cải lương - chưa nói đến hát nhé. Khi mình nói ra, người ta bảo “à, cải lương”, khi mình hát lên ngân rung, người ta bảo “à cải lương”. Cũng rất may là khi đó tôi được thu ở Đài nhiều. Thu xong thì xin băng về nghe lại, rồi tự hỏi tại sao lại hát thế, giá như được làm lại… Có những bài thu xong, dựng xong hết rồi, mọi người bảo được rồi, nhưng khi nghe lại tôi vẫn nhận ra chỗ này, chỗ kia chưa được trọn vẹn, vẫn mong muốn giá như được làm lại. Ngay cả các bản diễn của các vở cũng thế,khi xem lại video, tôi luôn cảm thấy tiếc. Giá như chỗ này mình được làm lại, chỗ kia được làm lại thì vở diễn ấy, vai diễn ấy sẽ đầy đặn hơn, nhiều cảm xúc hơn” - NSƯT Hoàng Tùng chia sẻ.
Niềm đam mê với sân khấu cải lương thúc đẩy NSƯT Hoàng Tùng luôn tự rèn luyện, phấn đấu
Ngoài không gian sân khấu, NSƯT Hoàng Tùng còn đưa cải lương xuống đường phố, đến các làng quê, những không gian tôn giáo. Anh cũng rất nhiệt tình cộng tác với chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền, chương trình Tiếng thơ của Đài TNVN. Khi cộng tác với Đài và nhiều đơn vị khác, thù lao của anh rất khiêm tốn, trong khi anh đã là một nghệ sĩ thành danh. Chia sẻ về điều này, NSƯT Hoàng Tùng cho biết, anh không đặt vấn đề về kinh phí. Hoàng Tùng không bao giờ có ý nghĩ rằng thành danh rồi, có thương hiệu rồi thì phải ở mức này, mức kia. Anh thường quan tâm tới công việc của mình là gì, đối tượng để phục vụ là ai, trong không gian nào, từ đó chuẩn bị cho mình tâm thế tốt nhất. Khi đến những đơn vị bộ đội, cả những trại giam, những không gian đặc biệt, anh thấy là giọng hát và những phần diễn của mình có giá trị thế nào đối với mọi người. Anh đo được điều ấy bằng sự chăm chú theo dõi của họ. Họ đón nhận anh bằng tất cả tình cảm của họ. Đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ./.
Theo Anh Thư/Báo Tiếng nói Việt Nam
Từ khóa:
Thể loại: Tin hoạt động VOV
Tác giả:
Nguồn tin: R&D