NSƯT Bạch Vân: “Nếu không phục dựng được Ca trù, tôi cảm thấy có tội“

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN -Gần 40 năm gắn bó với nghệ thuật ca trù, NSƯT Bạch Vân chấp nhận cảnh cô độc, sống đạm bạc tiết kiệm từng đồng để bảo tồn, phục dựng Ca trù.

Chẳng mong gì cho mình, không cần nhà cao cửa rộng chỉ miễn sao bà được lên sân khấu được hát cho mọi người nghe và giữ ngọn lửa ấy vẫn cháy. Ca trù đã chọn bà và bà cũng đến với Ca trù vì tình yêu và sự đam mê đó là duyên nghiệp của một tấm lòng với nghệ thuật truyền thống dân tộc.

nsut bach van: neu khong phuc dung duoc ca tru, toi cam thay co toi hinh 1
NSƯT Bạch Vân.

Không chỉ âm thầm lưu giữ bảo tồn một loại hình nghệ thuật đã từng có thời gian có nguy cơ mai một, bà còn có công lớn trong việc quy tụ vận động nhiều nghệ nhân đã một thời mai danh ẩn tích quay trở lại hát và cống hiến cho nghệ thuật ca trù. NSƯT Bạch Vân còn có đóng góp không nhỏ trong việc giúp hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận nghệ thuật Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

PV: Là một người vốn không thích làm mà ca sĩ mà thích làm nhà văn hay nhà lý luận phê bình nhưng cuối cùng thì bà lại dành cả cuộc đời mình cho ca trù. Vậy điều gì đã đưa bà đến môn nghệ thuật này?

NSƯT Bạch Vân: Bạch Vân sinh ra trong một gia đình có truyền thống về văn chương nghệ thuật nên từ bé cũng đã có năng khiếu về văn chương, ca hát. Sau đó học trường âm nhạc Việt Nam về thanh nhạc thế nhưng chỉ sau một lần nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát trên đài, Bạch Vân thấy yêu những giai điệu, lời ca và quyết gắn cuộc đời mình với Ca trù. Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành âm nhạc, tôi tìm đọc sách, đọc quyển Việt Nam ca trù bên khảo của hai nhà nghiên cứu Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Hoè. Sau đó Bạch Vânđi tìm và hỏi han các cụ ở các vùng quê và xin học. Từ đó say mê và dành cuộc đời cho nghệ thuật này.

PV: Có thể thấy bà là một người có duyên nợ với Ca trù. Từ yêu thích để chinh phục nghệ thuật Ca trùthì bà cũng có một cái chặng đường hết sức gian nan như thế nào?

NSƯT Bạch Vân: Quả thực là khó có thể nói về cuộc đời đi tìm cống hiến cho ca trù. Cách đây hơn 30 năm, lúc là thành lập Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội năm 1991 quãng đường dài và trước đấy nữa, đi với thầy là Cụ Chu Văn Du, Phó quản ca giáo phường Khâm Thiên, đưa đàn đáy đi trên đường, người ta hỏi đây là cái gì? Gia đình bạn bè tất cả xã hội dè bỉu thì lúc đó Bạch Vânnghĩ mình phải làm như thế nào trong khi địa điểm, tiền bạc, thời gian không có. Hơn nữa, các nghệ nhân chối bỏ nghề, mai danh ẩn tích, tản đi làm những công việc khác nhau.

Theo Ca trù là khó, Bạch Vân lại càng quyết tâm đưa phận mỏng ca trù đến gần hơn với công chúng. Bạch Vânviết rồi đi lại khắp nơi kiếm tìm và đưa các cụ trở lại với nghề. Lúc đó Câu lạc bộ nằm ở Bích Câu đạo quán, tôi có tổ chức các buổi tưởng niệm ca trù, để giới thiệu các nghệ nhân, để làm sao họ được hát, được đàn thì người ta mới trở lại.

nsut bach van: neu khong phuc dung duoc ca tru, toi cam thay co toi hinh 2
Ca nương Bạch Vân trên chiếu hát.

PV: Trong gần 40 năm hát ca trù thì bà đã khôi phục và biết hát rất nhiều thể cách. Vậy thể cách nào mà làm NSƯT Bạch Vân phải bỏ ra nhiều công sức và cũng như là nhiều thời gian để học nhất?

NSƯT Bạch Vân: Có lẽ là ban đầu học Bắc phản theo Bạch Vân là khó bởi vì phải chuyển điệu đến 2, 3 lần. Còn đối với Thét nhạc thì nếu mà nắm chắc cái phách thì có thể hát được. Theo học trường Âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ, tôi đã có cái nền nên thầy hát trước thì có thể hát theo ngay. Để hát hay thì hát nói là khó nhất bởi hát nói có đến hàng nghìn bài, mỗi bài một tâm trạng, một nhà thơ nói về những vấn đề khác nhau. Cho nên thầy Kim Đức từng nói khi hát được Ca trùthì hát được các thể loại khác vì ca trù chuẩn về âm thanh, người nghệ sĩ làm chủ được cột hơi, âm thanh.

PV: Bên cạnh khổ luyện hát Ca trù thì bà còn là người mà thuyết phục được nhiều nghệ nhân mai danh ẩn tích trở lại với nghệ thuật Ca trù?

NSƯT Bạch Vân: Đó là cái duyên và sự tha thiết của mình đã thuyết phục được nhiều nghệ nhân trở lại nghề như bà Phó Thị Kim Đức trở lại dạy đàn, dạy hát rồi thành lập nhóm ca trù người Việt có tên gọi là Giáo phường Kim Đức; nghệ nhân Nguyễn Thị Trúc, cụ Nguyễn Phú Đẹ,...Bạch Vân mới phục sinh được ca trù trước nguy cơ tàn lụi.

PV: Những năm 90 của thế kỷ trước thì Bích Câu đạo quán đã trở thành trung tâm về ca trù lớn nhất của thủ đô Hà Nội và là nơi hội tụ của rất nhiều ở nghệ nhân ca trù. Tuy nhiên thời điểm này thì Ca trù vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn. Chắc hẳn bà cũng gặp nhiều khó khăn để mà đưa ca trù đến gần hơn với mọi người?

NSƯT Bạch Vân: Khi ra mắt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám câu lạc bộ ca trù Hà Nội cũng được rất nhiều người ủng hộ sau mấy chục năm vắng bóng. Nhưng mà khi đó thì có một số vấn đề không thuận lợi cho nên là Bạch Vân phải đưa câu lạc bộ này hoạt động ở rất nhiều nơi như làng mọc Quan Nhân, đền Thủ Lệ. Tuy nhiên đó là nơi thờ tự nên ngày Rằm, mùng Một không được biểu diễn. Sau đó chúng tôi thuê Nhà hát Chèo Việt Nam. Thực ra lúc đó không có tiền, chỉ có tiền trang trải đưa đón các nghệ nhân. Với quan điểm bảo tồn phục dựng ca trù nên câu lạc bộ không bán vé, chỉ hưởng tiền thưởng. Có những buổi chi phí rất nhiều nhưng không có một đồng tiền thưởng nào.

nsut bach van: neu khong phuc dung duoc ca tru, toi cam thay co toi hinh 3
Khán giả những buổi biểu diễn của Bạch Vân hầu hết là khách nước ngoài.

PV: Vậy bằng cách nào bà có thể duy trì câu lạc bộ trong suốt thời gian vừa qua?

NSƯT Bạch Vân: Để có tiền trang trải, trước đây nói thực Bạch Vân cũng phải học buôn bán, có chút ít để dành, vay mượn bạn bè. Thỉnh thoảng Bạch Vân có biên tập viết bài hay đi hát quan họ, ngâm thơ. Số tiền Bạch Vânchắt góp để có thể tổ chức các buổi biểu diễn miễn phí, đích thân mời và đón các nghệ nhân tới biểu diễn.

PV: Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đã góp phần quan trọng để quỹ Ford phát hiện, tài trợ khôi phục và đưa ca trù trở thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại?

NSƯT Bạch Vân: Năm 2000 với thành công của Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã mời Bạch Vân cung cấp những kiến thức cơ bản để quỹ Ford tài trợ Việt Nam 1500 USD để đào tạo lớp trẻ. Năm 2002, Bạch Vân có tham gia dạy khoảng 10 buổi.

PV: Sống được bằng nghề lâu nay đã là nỗi niềm của rất nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống. Đối với NSƯT Bạch Vân thì điều này cũng không phải là ngoại lệ?

NSƯT Bạch Vân:Ca trù thì không sống được bằng nghề. Nhiều người nghĩ Nghệ nhân quốc tế thì dư dả lắm nhưng điều đó không phải. Tôi hát hầu như là từ thiện và hát tại Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, Bạch Vân chưa được hưởng một đồng nào, bỏ tiền túi của mình trả cả vì mình bảo tồn Ca trù, yêu Ca trù nên tôi hát. Ngày xưa, cụ Nguyễn Văn Trai, Phó lý trưởng làng Lá Cả, đã tặng cuốn sách "Việt Nam Ca trùbiên khảo" và động viênBạch Vân. Những điều ấy cùng với tình yêu Ca trù đã thôi thúc tôi nỗ lực cố gắng.

PV: Thời gian qua, cứ đều đặn 3 tối ở đình Kim Ngân, Hà Nội, bà cùng các ca nương kép đàn đã phục vụ công chúng và du khách quốc tế. Bên cạnh niềm vui, cũng có thời điểm buổi tối chỉ có vài ba khách, tuy nhiên bà cùng các thành viên vẫn kiên trì biểu diễn đáp lại tình cảm của khán giả?

NSƯT Bạch Vân: Có những lúc không có khách nào thì chúng tôi chờ khoảng nửa tiếng rồi về. Sau đó có những lúc có một khách, chúng tôi vẫn hát vì khi biểu diễn, chúng tôi là những nghệ sĩ của đất nước Việt Nam, của nghệ thuật ca trù, đó là lòng tự tôn dân tộc. Năm 2018, ba tháng hè diễn 12 buổi mà 5,6 buổi chỉ có một khách. Đã có những lúc có nhà kinh doanh ngỏ ý tổ chức cho chúng tôi nhưng rồi không có lãi nên họ dần ra đi.Bạch Vân coi Ca trù như đạo của mình, như chồng như con. Tất cả chỉ có một mục đích để Ca trù tồn tại. Nếu không phục dựng được Ca trù, Bạch Vân cảm thấy mình có tội, chết không nhắm mắt.

PV: Gắn bó và chinh phục ca trù suốt 40 năm qua, trong thời gian tới, bà sẽ làm gì để nghệ thuật ca trù có thể đến gần hơn với công chúng, đặc biệt trong con đường bảo tồn môn nghệ thuật này?

NSƯT Bạch Vân: Bạch Vân mong muốn có thể đào tạo một, hai nghệ sĩ trẻ nắm được cơ bản, tinh thần của Ca trù. Các bạn học không vì quyền lợi mà để bảo tồn, bảo tồn thật sự trong tâm. Bạch Vân khao khát một không gian cho người Việt, hiện nay trên phố cổ chỉ dành cho du khách quốc tế. Đó có thể là một nhà hát hay sân chơi cho Ca trù để gây dựng, bảo tồn niềm tự hào của dân tộc. Bạch Vân ước ao có thể để lại một điều gì đó cho Ca trù.

10 năm vất vả đi tìm tư liệu, ngược xuôi qua rất nhiều tỉnh thành để tìm kiếm nghệ nhân truyền dạy là hành trình gian nan mà NSƯT Bạch Vân chinh phục nghệ thuật ca trù. Tìm được nghệ nhân đã khó nhưng việc thuyết phục các nghệ nhân và gia đình nghệ nhân xoá bỏ định kiến và mặc cảm của kiếp cô đầu còn vất vả, gian nan gấp nhiều lần. Không ít lần tưởng như NSUT Bạch Vân đã phải rời bỏ ca trù vì mệt mỏi kiệt sức và tủi thân. Những trăn trở về việc khôi phục bộ môn ca trù khiến Bạch Vân nhiều đêmmất ngủ thế nhưng mọi chuyện lại trở nên yên ổn, niềm say mê ca trù lại trở lại với Bạch Vân mỗi khi trời sáng.

nsut bach van: neu khong phuc dung duoc ca tru, toi cam thay co toi hinh 4

Nhờ sự kiên trì theo đuổi vận động các nghệ nhân mà năm 1991, câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đã quy tụ được 20 hội viên từ khắp các tỉnh thành phía Bắc. Nhiều nghệ nhân Ca trù đã mai danh ẩn tích như Quách Thị Hồ, Chu Văn Du, Đinh Khắc Ban, Phó Thị Kim Đức,...được sự thuyết phục của NSƯT Bạch Vân đã quay lại hát và truyền nghề. NS Đàm Quang Minh, nhóm Đông Kinh Cổ nhạc cho rằng vào thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi ca trù chưa được nhìn nhận đúng đắn thì việc NSƯT Bạch Vân quy tụ rất nhiều nghệ sĩ quay trở lại hát là điều rất đáng được ghi nhận.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền, trong việc phục dựng và hồi sinh nghệ thuật ca trù có một phần công lao đóng góp không nhỏ của NSƯT Bạch Vân: "Nghệ thuật ca trù đã vắng bóng tới 60 năm ở xã hội Việt Nam nói chung và đời sống Hà Nội nói riêng. Nếu nói về một nhân vật vai trò có tính chất lịch sử thì tôi khẳng định là NSƯT Bạch Vân. Bởi vì hành động của chị trong thời gian đó không vì mục đích gì cả ngoài tình yêu với ca trù. Không có ai tài trợ, không ai ủng hộ, động viên, một mình lọ mọ đi khắp các nơi để quy tụ các nghệ nhân, tự xây dựng sinh hoạt trong một nhóm xã hội. Nói về vai trò lịch sử, tôi cho rằng chị Bạch Vân là người ghi công rất lớn trong nghệ thuật ca trù trong sự phục dựng và hồi sinh của nó".

Năm 2009, nghệ thuật Ca Trù chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là niềm vui vô bờ bến đối với NSƯT Bạch Vân vì những nỗ lực, hy sinh trong việc hồi sinh ca trù của những con người thầm lặng như bà đã được ghi nhận.

Sau 40 năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi học hát, lưu giữ và bảo tồn nghệ thuật Ca trù, dẫu biết rằng chặng đường vẫn còn gian nan nhưng những việc làm của NSƯT Bạch Vân đang dần thắp lên những tia hy vọng Ca trù sẽ đến gần hơn với công chúng góp phần đưa loại hình âm nhạc này sống trong đời sống đương đại./.

Ca nương Bạch Vân tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh năm 1957 tại Nghệ An. Năm 1986, Bạch Vân bắt đầu đi tìm các nghệ nhân ca trù để học hỏi với mong muốn khôi phục lại bộ môn nghệ thuật này. Năm 1991, nghệ sĩ thành lập Câu lạc bộ ca trù Hà Nội - câu lạc bộ ca trù đầu tiên của Việt Nam - và mời nhiều nghệ nhân dân gian về biểu diễn, đồng thời bắt tay đào tạo thế hệ ca nương, kép đàn mới. Năm 2012, Bạch Vân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Từ khóa: NSƯT Bạch Vân, Ca trù, bảo tồn Ca trù, di sản văn hoá phi vật thể,

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập