Nốt lặng trong bản hùng ca Lưu Xá

Cập nhật: 16/07/2020

VOV.VN -May mắn trở về sau chiến tranh, nhưng di chứng của đạn bom vẫn hành hạ những cựu TNXP ga Lưu Xá (Thái Nguyên), cuộc sống khó khăn vì sức khỏe yếu...

Đêm 24/12/1972, 60 thanh niên xung phong C915 Bắc Thái đã hy sinh sau trận bom rải thảm của giặc Mỹ tại ga Lưu Xá (Thái Nguyên), cả đại đội chỉ còn 7 người sống sót. May mắn trở về sau chiến tranh nhưng di chứng của đạn bom vẫn khiến họ gặp không ít khó khăn trước trong cuộc sống đời thường.

not lang trong ban hung ca luu xa hinh 1
Căn nhà tuềnh toàng của cựu TNXP Hoàng Văn Thắngtại Bản Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Gần 70, cái tuổi thường có con cháu quây quần thì ông Hoàng Văn Thắng lại ngày đêm lủi thủi một mình trong căn nhà nhỏ tại Bản Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ngoài chiếc giường, bộ bàn ghế xiêu vẹo và ít quần áo, căn nhà không có vật dụng nào đáng giá.

Ông Thắng là người duy nhất sống sót trong căn hầm bị sập do bom B52 rải thảm và phải mất cả đêm, đồng đội mới tìm được ông đang bất tỉnh. May mắn sống sót nhưng sức khỏe của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện mắt phải của ông Thắng gần như không nhìn thấy; khi trái gió trở trời, ông lại bị những cơn đau đầu hành hạ.

not lang trong ban hung ca luu xa hinh 2
Cựu TNXP Hoàng Văn Thắng và mẹ đẻ là cụ Triệu Thị Ten (92 tuổi) trong căn nhà do đồng đội, các nhà hảo tâm và anh em, làng xóm hỗ trợ xây dựng tại xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).

Sức khỏe yếu, ông không lập gia đình cũng không làm được ruộng nên nguồn thu nhập chính chỉ là khoản trợ cấp khoảng 500.000 đồng/1 tháng cho đối tượng thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt. Thóc gạo, thức ăn hàng ngày do các em giúp đỡ, ngôi nhà ông Thắng đang ở cũng được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của đồng đội, chính quyền và anh em, hàng xóm.

Mẹ ông, Cụ Triệu Thị Ten, năm nay đã 92 tuổi vẫn phải hàng ngày qua lại xem con ăn ở thế nào. Nhắc tới người con cả chịu nhiều thiệt thòi, Cụ không khỏi nghẹn ngào: “Lúc chồng tôi đón về, Thắng không được minh mẫn, thời gian mới về, cứ đêm lại hô mọi người chạy bom. Tôi lo lắm nhưng cũng chẳng có gì, chỉ trông vào con cháu mang cho cái chăn, bộ quần áo thì có thôi. Bây giờ tôi già rồi, chẳng biết sẽ thế nào nữa....”.

not lang trong ban hung ca luu xa hinh 3
Bà Bùi Thị Loan cho rằng mình vẫn may mắn hơn các đồng đội khác khi sống sót trở về.

Bà Bùi Thị Loan ở Bản Lắc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn cũng là một người may mắn thoát chết trong trận bom năm ấy nhưng chịu di chứng nặng nề khi mắc chứng tâm thần, thường bỏ nhà đi lang thang. Nhỏ thó trong bộ quần áo không còn mới, người phụ nữ chỉ nặng 32kg cho biết: Thời gian bà nằm viện nhiều hơn thời gian ở nhà.

“Tôi may mắn hơn các bạn của mình đã vì nhiệm vụ mà hy sinh, tôi được sống sót trở về, rồi lập gia đình, có con cái rồi được Đảng, Nhà nước, đoàn thể quan tâm hỗ trợ”, bà Loan nói.

Cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng nỗi niềm đau đáu của những TNXP may mắn sống sót sau trận bom năm ấy là mới có 2 trong số 7 người được công nhận và hưởng chế độ thương bệnh binh là bà Bùi Thị Loan và bà Ngôn Thị Túc.

not lang trong ban hung ca luu xa hinh 4
Bà Nguyễn Thị Nhung (Thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) cựu TNXP đơn vị C915- Bắc Thái mong muốn được giám định lại thương tật để bà và các đồng đội có thể được hưởng chế độ thương binh nhằm vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Nhung (trú tại tổ 17, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, trong đợt bom rải thảm ấy, bà bị sức ép bom hất lên rồ ngất đi và phải nằm viện điều trị cả tháng. Tuy vậy, giám định sức khỏe thời điểm đó không ai không đạt tiêu chuẩn thương binh.

Năm 1996, khi giám định lại thì tất cả đã được công nhận và hưởng chế độ thương binh nhưng đến năm 2002, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các cựu TNXP giám định lại và bà Nhung cùng một số người khác không đạt với lý do không có vết thương thực thể. Họ đều có mong muốn được cơ quan chức năng tổ chức giám định lại nhưng chưa được đáp ứng.

Giải thích về điều này, đại diện Sở Lao động - Thương binh và xã hội Bắc Kạn cho biết, việc yêu cầu giám định sau đó rút lại chế độ thương binh của các cựu thanh niên xung phong năm 2002 là đúng theo Nghị định 28/CP (ngày 29/4/1995) vì khi đó cơ quan quản lý phát hiện một số cựu TNXP đã được hưởng trợ cấp 1 lần dành cho người không đủ tiêu chuẩn thương binh. Và với quy định hiện hành, việc giám định lại lần nữa là không thể thực hiện.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nhung cho rằng, dù không có vết thương bên ngoài, nhưng sức ép của bom khiến cơ thể suy yếu, thần kinh bị ảnh hưởng, sức khỏe giảm rõ rệt. Nữ cựu TNXP này cũng khẳng định, bản thân chưa được nhận trợ cấp 1 lần vào năm 1974.

“Bảo có trợ cấp 1 lần nhưng chúng tôi không được ký, không được nhận. Bây giờ chúng tôi cũng già, yếu lắm rồi. Chúng tôi chỉ xin đi giám định lại 1 lần nữa, được hay không cũng toại nguyện để chúng tôi thỏa lòng những ngày cuối đời”, bà Nhung cho hay.

Trước hoàn cảnh của những đồng đội, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Bắc Kạn chia sẻ: “Chúng tôi cũng cố gắng động viên, nhưng chỉ được về tinh thần thôi. Tôi cũng rất mong tới đây Đảng, Nhà nước, chính quyền quan tâm hơn nữa đến những trường hợp sống sót sau trận bom đó, đây cũng là nguồn động viên cho họ, như riêng anh Hoàng Văn Thắng, đáng lẽ anh ấy phải được thương binh từ lâu rồi”.

Hiện nay, khu di tích TNXP hy sinh tại ga Lưu Xá đã được xây dựng khang trang nhằm ghi nhớ, tri ân những hy sinh, đóng góp của lực lượng TNXP cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Sự cống hiến, hy sinh của chàng trai, cô gái năm ấy chính là lẽ sống của thế hệ trẻ một thời, vậy nhưng, những trăn trở, những khó khăn vất vả của những người may mắn sống sót hôm nay, lại như một nốt lặng trong bản hùng ca Lưu Xá năm xưa./.

Từ khóa: thanh niên xung phong, ga lưu xá, thái nguyên, chính sách, hỗ trợ người có công

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập