Nông sản Mỹ giá rẻ tràn ngập: Thị trường trong nước vừa mừng vừa lo
Cập nhật: 25/09/2019
Đồng Nai gặp khó khi di dời khu công nghiệp lâu đời nhất cả nước
Người trồng mía ở Trà Vinh phấn khởi, doanh nghiệp lo không đủ nguyên liệu
VOV.VN - Việc giảm giá của nông sản Mỹ tại thị trường Việt Nam đặt ra thách thức lớn đối với sản xuất nông sản trong nước.
Hải sản và trái cây từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam đồng loạt giảm giá đem lại cho người tiêu dùng cơ hội tiếp cận với các sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên, điều này cũng tạo thách thức đối với thị trường trong nước và sức ép cạnh tranh cho nông sản Việt.
Không rẻ nếu giá trị sử dụng kém
Thay vì phải đặt hàng trước vài ngày cho đến một tuần để có thể mua được hải sản nhập khẩu từ Mỹ bởi giá cao và hàng khan hiếm, thì bây giờ các mặt hàng này tràn ngập các siêu thị và các cửa hàng bán đồ hải sản nhập khẩu.
Sản phẩm nông sản nhập khẩu giá thành đang ngày càng giảm mạnh. |
Không cần phải chờ đợi, người mua chỉ cần đảo qua các web bán hải sản trên mạng là có thể đặt mua các sản phẩm như tôm hùm Alaska, cua hoàng đế... với giá mềm hơn trước đây.
Theo đó, tôm hùm Alaska hàng đông lạnh được chào bán với giá chỉ 1,38 triệu đồng/combo 3 con loại 500g/con, 1 triệu đồng/1 con loại 1 - 4kg. Thuộc top hải sản đắt đỏ, cua hoàng đế Alsaka đông lạnh cách đây 2 năm về Việt Nam có giá hơn triệu đồng/kg thì nay chỉ còn vài trăm nghìn đồng. Cụ thể, hàng đông lạnh được nhiều cửa hàng bán với giá 650.000 đồng/kg, còn hàng sống gần 2 triệu đồng/kg.
Cùng với đó, các mặt hàng trái cây cũng đồng loạt giảm giá. Điển hình như cherry, nhiều siêu thị và cửa hàng đang bán cherry Mỹ với giá từ 280.000 - 350.000 đồng/kg. Trong khi đó, vào thời điểm này năm 2018, giá cherry dao động từ 400.000 - 550.000 đồng.
Nhìn chung, các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ đã giảm giá khoảng 30 - 40% so với trước. Và người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi khi có cơ hội được thưởng thức các sản phẩm vốn được coi là xa xỉ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đưa ra cảnh báo đối với người tiêu dùng cần cẩn thận đối với chất lượng của các mặt hàng gắn mác hàng nhập khẩu Mỹ.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết: “Các thực phẩm như cá hồi, tôm Alaska rẻ hơn trước nhưng cũng phải đặt vấn đề chất lượng thế nào. Người tiêu dùng có lợi nhưng phải tỉnh táo lựa chọn và phải mua ở những đơn vị bán lẻ uy tín”.
Điều ông Vũ Vinh Phú quan tâm là vấn đề cầu nối giữa nhập khẩu và bán lẻ thế nào, được quản lý và kiểm soát có chặt chẽ hay không? Bởi nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, chất lượng sản phẩm khó đảm bảo. Ngoài ra, ông còn lo ngại nhân cơ hội này hàng Trung Quốc và một số nước “đội lốt” hàng Mỹ vào thị trường Việt Nam.
Ông Phú cho biết: “Hàng sẽ không rẻ nếu giá trị sử dụng kém”. Theo ông Vũ Vinh Phú, trách nhiệm thuộc về các đơn vị bán lẻ bởi các đơn vị này kiểm định chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Hồng, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Câu chuyện hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt và các nước khác rất phổ biến. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thị trường cần vào cuộc mạnh mẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Sức ép đối với nông sản trong nước
Nông sản Mỹ giá rẻ ồ ạt nhập về Việt Nam với số lượng lớn, lại thêm một áp lực cạnh tranh nữa cho nông sản Việt.
Thực tế cho thấy, từ trước tới nay, về mặt chất lượng các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ các nước được đánh giá cao bởi sự đảm bảo nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ việc kiểm tra việc tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm, đảm bảo sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Đây là lý do vì sao dù giá thành cao, nhưng nông sản nhập khẩu vẫn chiếm lĩnh và thu hút người có thu nhập cao. Do vậy, việc giảm giá của nông sản Mỹ, đặt ra thách thức lớn đối với sản xuất nông sản trong nước.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bày tỏ lo ngại đối với sản xuất trong nước trước thực tế mà theo ông là “vừa mừng vừa lo”. Ông cho biết: “Vấn đề đặt ra là sức ép cạnh tranh lớn, làm thế nào sản xuất trong nước phải mở rộng quy mô, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đặc biệt là dẫn kết được với hệ thống phân phối uy tín”.
Ông Phú phân tích thêm, sở dĩ nông sản của Việt Nam chưa chiếm lĩnh thị trường bởi sản xuất còn “tùy tiện”, kỷ luật thị trường kém, kiểm soát buông lỏng. Đơn cử, tình trạng phân bón giả có kết luận nhưng không xử lý... Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, và kéo theo ảnh hưởng kênh phân phối.
Mặc dù hàng Mỹ giảm giá, nhưng theo đánh giá chung “Giảm giá chứ chưa phải là phù hợp túi tiền”. Bởi lẽ những mặt hàng nông sản này chỉ có ở những thành phố lớn, trung tâm thương mại và phù hợp với đối tượng có thu nhập khá trở lên.
“Nông sản Mỹ nhập khẩu với giá giảm nhiều so với trước đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường”, ông Hồng nhấn mạnh./.
Từ khóa: nông sản Mỹ, nông sản nhập khẩu, thị trường nông sản, nông sản Việt, nông sản xuất khẩu,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN