Nông sản Đắk Lắk trên hành trình chinh phục thị trường quốc tế
Cập nhật: 2 ngày trước
VOV.VN - Với nhiều thế mạnh, nông sản Đắk Lắk ngày càng khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế, năm vừa qua đạt kim ngạch xuất khẩu 1,6 tỷ USD. Các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nông dân trong tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp nâng cao giá trị, đưa nông sản vươn ra "biển lớn".
Là đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) đã đưa cà phê đến 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023, doanh nghiệp xuất khẩu trên 100.000 tấn cà-phê, kim ngạch hơn 287 triệu USD. Mới đây, Simexco Daklak là đơn vị duy nhất đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho sản phẩm cà phê nhân với vùng trồng canh tác bền vững, đa dạng sản phẩm, đặc biệt là cà phê đặc sản Fine Robusta.
Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: "Xác định người nông dân sẽ quyết định chất lượng nông sản. Để nông sản vươn ra thể giới thì chúng ta phải đi ngược lại và đi rất sát về người nông dân. Chúng tôi thay đổi được ý thức và trách nhiệm của người nông dân. Người nông dân trở thành đối tác hợp tác, trở thành doanh nhân nông nghiệp. khi có ý thức như vậy thì người nông dân hành động rất tốt. Đó cũng là cơ sở vững chắc để các công ty đưa nông sản của mình ra thế giới”.
Không ngừng đổi mới, nông nghiệp Đắk Lắk ngày càng phát triển theo hướng đa trụ trụ cột. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống cà phê, hồ tiêu, cao su, mật ong…, những năm gần đây, các sản phẩm ca cao, sầu riêng, mắc ca… của Đắk Lắk đã xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Đặc biệt, năm 2023, khi sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá trị sản phẩm sầu riêng Đắk Lắk không ngừng tăng lên. Tại huyện Krông Pắc, thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk, năm 2024, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Xác định chất lượng làm nên thương hiệu, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết định hướng phát triển nhãn hiệu sầu riêng của huyện.
Theo bà Trinh: “Phải có kiến thức sản xuất và quản lý những cây trồng và sản phẩm nông sản của địa phương, đặc biệt là xuất khẩu. Thứ hai nữa, chúng tôi đang chi một nguồn ngân sách để ứng dụng công nghệ cao trong phân tích chất đất, phân bón, khí hậu để quy hoạch vùng trồng đảm bảo phù hợp với ngành hàng sầu riêng này. Bên cạnh đó nữa, chúng tôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến cũng như trong quản lý, để khi sản phẩm sầu riêng đưa ra thị trường phải đảm bảo tất cả các chất lượng”.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, lợi thế đất đai cùng khí hậu thuận lợi giúp tỉnh tạo ra nhiều nông sản giá trị kinh tế cao cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2023 được xem là một năm thành công của nông nghiệp Đắk Lắk, cho kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên cán mốc 1,6 tỷ USD.
Để đưa nông sản tiếp tục vươn xa, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết, bên cạnh khẳng định uy tín, chất lượng, Đắk Lắk sẽ quan tâm hơn nữa đến xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường.
“Một mặt là tiếp tục củng cố các thị trường truyền thống với việc nhận thức rõ yêu cầu từ các thị trường này từ mặt hàng, chủng loại đến các tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu đặt ra. Kể cả cần phải hướng đến được những hạn chế, khiếm khuyết trong thời gian qua để có những cơ hội tốt nhất xuất khẩu và mở rộng thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, mở rộng các thị trường tiềm năng mới nổi như thị trường Ấn Độ, thị trường Halal (sản phẩm dành cho người Hồi giáo). Đắk Lắk sẽ quảng bá và đàm phám bằng các kênh khác nhau để sớm tiếp cận các thị trường này” - ông Dương cho biết.
Từ khóa: Đắk Lắk, Nông sản Đắk Lắk, nông sản, Đắk Lắk, phát triển kinh tế, xuất khẩu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: hương lý/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN