Nông nghiệp kết hợp du lịch, gia tăng giá trị cho người dân miền núi Khánh Hòa
Cập nhật: 18/10/2024
VOV.VN - Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp phục vụ du lịch tại vùng miền núi tỉnh Khánh Hòa đang mang lại hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là hướng đi mới đang phát triển mạnh tại các huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa.
Bưởi da xanh là cây trồng chủ lực của huyện miền núi Khánh Vĩnh, giúp hàng ngàn hộ nông dân thoát nghèo. Những vườn bưởi đang được nông dân phát triển thành các điểm du lịch cộng đồng. Khánh Vĩnh nằm ở vị trí giao thoa giữa hai thành phố du lịch nổi tiếng là Nha Trang và Đà Lạt nên mô hình nông nghiệp kết hợp phục vụ du lịch tại đây gặp nhiều thuận lợi.
Ông Đoàn Văn Hưởng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thu mua nông sản Hiệu Linh, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh cho biết, với diện tích bưởi da xanh 30 héc ta, có sẵn ao, hồ, suối, thác gần các khu vườn nên rất thuận lợi phát triển du lịch.
"Hợp tác xã chúng tôi có đến 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, như dân tộc Tày ở ngoài Bắc vào, dân tộc Raglay tại địa phương. Mở ra mô hình du lịch cộng đồng này, chủ yếu quảng bá sản phẩm sản phẩm, văn hóa của địa phương, của bà con vùng miền này luôn. Du lịch được phát triển, giá trị sản phẩm được tăng lên nhiều hơn, giải quyết thêm công ăn, việc làm cho bà con, thu nhập của Hợp tác xã cũng sẽ được cao hơn so với thị trường bây giờ", ông Hưởng nói.
Hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa có hệ thống sông ngòi, rừng núi đa dạng, đây là tiềm năng lớn để phát triển các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái. Văn hóa dân gian của gần 30 dân tộc thiểu số nơi đây cũng rất đa dạng. Các dự án giao thông như đường bộ cao tốc, đường liên vùng đang được thi công, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch. 2 huyện vùng cao này đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp nông nghiệp tại 20 địa điểm. Những địa điểm này đều gắn với vùng chuyên canh cây ăn quả như sầu riêng, mít nghệ, bưởi da xanh...đặc biệt là gắn với các cảnh quan thiên nhiên như suối, thác, rừng.
Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho hay: "Khánh Vĩnh có thể học hỏi nhiều điều kiện về du lịch, về phát triển kinh tế- xã hội của các địa bàn khác. Khánh Vĩnh có xuất phát sau, có thể học hỏi được nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý. Đó là đất đai, tài nguyên du lịch phải có trong quy hoạch hay bài học về thu hút đầu tư. Khi diễn ra hoạt động du lịch thì quản lý du lịch sinh thái gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội như thế nào cho tốt. Chúng tôi phải học hỏi nhiều thêm, sẽ thuận lợi hơn".
Hiện nay, các sản phẩm mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng đa dạng, phong phú như: trồng xoài ở huyện Cam Lâm, trồng sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, nuôi dê ở huyện Khánh Vĩnh, nuôi các hải sản trên biển...đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, nông nghiệp kết hợp với du lịch đã giúp người nông dân chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất kết hợp giải trí, trải nghiệm mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung một số giải pháp, đưa ra những chính sách phù hợp cho ngành du lịch.
Theo ông Lê Minh Lịnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng các mô hình chăn nuôi để nông dân học tập, đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã biết cách làm du lịch, cách chăn nuôi và bán sản phẩm cho khách du lịch.
"Trung tâm Khuyến nông quốc gia hàng năm xây dựng những mô hình về chăn nuôi, trồng trọt gắn với du lịch sinh thái, tạo liên kết, giúp người nông dân tăng thu nhập, phát triển bền vững. Sắp tới đây, chúng tôi xây dựng thêm mô hình chăn nuôi kết hợp du lịch, như với đàn bò là khách du lịch tham quan, vắt sữa bò, trải nghiệm cưỡi trâu, cưỡi bò", ông Linh thông tin thêm.
Từ khóa: Khánh Hòa, du lịch,nông nghiệp,miền núi,khuyến nông
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thái bình/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN