Nông nghiệp chuỗi giá trị kinh tế cao - hướng đi bền vững ở Lai Châu
Cập nhật: 28/10/2020
VOV.VN - Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu.
Nông nghiệp chất lượng cao là một trong những điểm nhấn về thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế của tỉnh biên giới Lai Châu trong nhiệm kỳ qua. Xác định nông nghiệp là thế mạnh và tập trung khai thác; doanh nghiệp, người dân được tạo điều kiện tối đa về chính sách để phát triển, nên nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao đã dần hình thành, giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu.
Mô hình kinh tế của ông Đào Huy Chương ở tổ 6, phường Quyết Tiến, TP Lai Châu được nhiều người biết đến, bởi chỉ với diện tích đất khá khiêm tốn với hơn 500m2 của gia đình, nhưng đã cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo được ông bắt tay khởi nghiệp cách đây 5 năm, sau một chuyến tham quan thực tế tại Trung Quốc. Ban đầu mô hình của gia đình ông chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ gia nhu cầu sử dụng của gia đình, người thân. Thấy nấm phát triển tốt, ông đã nhân rộng bán ra thị trường và đến nay sản phẩm của gia đình đã được bán trên thị trường khắp cả nước.
"Mình bắt đầu học hỏi và thực hành sản xuất đông trùng hạ thảo từ năm 2015. Hiện nay, sản phẩm của gia đình chủ yếu được tiêu thụ trong nước, nhưng đã tạo công ăn việc làm cho 8 -15 lao động địa phương. Tới đây, gia đình rất mong được các cấp tạo điều kiện cho thuê mặt bằng để mở quy mô sản xuất, cơ sở khang trang hơn và sản phẩm được công nhận trở thành đặc trưng của tỉnh Lai Châu", ông Đào Huy Chương bày tỏ.
Từ các chính sách hỗ trợ về lãi suất vay vốn, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, máy móc, nhà xưởng… hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi giá trị đã được hình thành trên địa bàn thành phố Lai Châu. Các mô hình kinh tế chủ yếu khai thác lợi thế ưu đãi của thiên nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp khác biệt, trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đào Ngọc Sơn, Giám đốc hợp tác xã Quyết Tâm, xã San Thàng, thành phố Lai Châu - đơn vị chuyên sản xuất các loại rau ôn đới theo phương pháp trồng thủy canh cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay ngày càng đòi hỏi cao hàng hóa có chất lượng, đặc biệt là đối với thực phẩm sạch.
Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình ông Sơn hiện nay chỉ có hơn 2ha, nhưng mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng chục tấn rau sạch các loại. Đến nay, rau của HTX Quyết Tâm không chỉ được bán tại thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh lân cận và nhiều tỉnh, thành phố đồng bằng.
"Kinh nghiệm cho thấy, đối với rau sạch khi sản phẩm làm ra phải tạo được sự khác biệt so với thị trường. Cụ thể như vào mùa Hè, HTX thiên về làm sản phẩm trái mùa như rau xà lách, cà chua và rau cải. Những sản phẩm này ở các vùng lân cận như Hà Nội vào mùa hè thời tiết nóng rất khó sản xuất, nhưng HTX lại sản xuất rất tốt vì khí hậu thuận lợi. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất cần phải lựa chọn phương pháp tối ưu, giảm chi phí sản xuất về mức thấp nhất", ông Sơn chia sẻ kinh nghiệm.
Từ hướng phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị chất lượng cao, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp vào đầu tư, đến nay thành phố Lai Châu có hơn 50 mô hình kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Hiện địa phương có 16 mặt hàng được công nhận là sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn 3 sao, 4 sao theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp như: nấm đông trùng hạ thảo, thanh long ruột đỏ, rau ôn đới, hoa hồng, lan kèn Lai Châu...
Ông Bùi Hữu Cam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu cho biết, để thu hút đầu tư, thành phố Lai Châu đã xây dựng các vùng quy hoạch phát triển trọng điểm cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Từ các vùng quy hoạch đó thì kêu gọi các doanh nghiệp đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư. Đến nay, thành phố đã có nhiều vùng sản xuất chuyên canh liên kết tập trung cho chuỗi giá trị kinh tế cao.
"Thành phố Lai Châu đã xây dựng các vùng quy hoạch cụ thể cho các sản phẩm trọng điểm. Từ các vùng quy hoạch đó, Lai Châu kêu gọi các doanh nghiệp đến khảo sát và nghiên cứu hợp tác. Lai Châu cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân liên kết với các doanh nghiệp, thông qua hình thức góp đất, góp ngày công lao động. Đặc biệt, Lai Châu cũng xúc tiến đẩy mạnh việc xây dựng quy trình công nhận sản phẩm OCOP cho nhiều sản phẩm, tạo thêm giá trị thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương", ông Cam cho hay.
Dù diện tích sản xuất nông nghiệp không nhiều, nhưng phát triển chuỗi mô hình sản xuất giá trị là hướng đi đang mang lại hiệu quả kinh tế cho TP Lai Châu. Hướng đi này hiện cũng đã, đang được áp dụng tại nhiều địa phương khác có lợi thế trong tỉnh; từ đó hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, hướng tới mục tiêu nông nghiệp sạch, chất lượng, thân thiện với người tiêu dùng./.
Từ khóa: nông nghiêp công nghệ cao, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, kêu gọi đầu tư, nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hợp tác sản xuất nông nghiệp
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN