Nông dân Lý Sơn làm “bẫy đèn” trừ sâu để tăng giá trị nông sản

Cập nhật: 24/09/2020

VOV.VN - Những chiếc “bẫy đèn” thân thiện môi trường đã giúp nông dân huyện đảo tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Sau nhiều năm vụ hành mất mùa do sâu, rầy tấn công trên diện rộng, thời gian gần đây, nhiều nông dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tự làm “bẫy đèn” diệt bướm, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng. Những chiếc “bẫy đèn” thân thiện môi trường đã giúp nông dân huyện đảo tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Chị Ngô Thị Luyện, ở thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn đầu tư 10 triệu đồng mua dây dẫn và trụ điện lắp đặt 21 “bẫy đèn” trên 3 sào đất trồng hành của gia đình. Bướm, rầy hại cây bị thu hút bởi ánh sáng nên sẽ bay vào đèn và rơi xuống bên dưới, ngăn chặn việc bướm đẻ trứng trong những ruộng hành. Theo chị Luyện, cách làm này chi phí đầu tư không cao nhưng sử dụng được lâu dài.

“Chong đèn ban đêm để có ánh sáng thu hút con bướm, bướm theo ánh sáng không đậu vào cây hành nên cũng không đẻ trứng. Bướm không đẻ trứng vào cây hành thì cây hành cũng ít sâu, bà con đỡ tốn công bắt sâu và phun thuốc hơn, năng suất cây hành vì thế cũng đạt hơn”, chị Luyện cho biết.

Việc dùng “bẫy đèn” diệt bướm, phòng trừ sâu bệnh rất đơn giản, chỉ cần kéo dây dẫn điện, lắp bóng đèn cố định lên trụ ở vị trí cao, cách cây hành tím hơn 2m, sau đó thắp sáng đèn vào ban đêm. Trung bình mỗi sào đất trồng hành, nông dân huyện Lý Sơn đầu tư từ 3 - 5 triệu đồng để lắp đặt từ 7 - 10 cái “bẫy đèn”.

Ông Nguyễn Văn Nghi ở thôn Đông An Hải, huyện Lý Sơn cho biết, từ khi áp dụng phương pháp này, mỗi sào hành nông dân trên đảo tiết kiệm được khoảng  2 - 3 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật. “Từ khi gắn bóng đèn sử dụng làm bẫy thấy rất đỡ sâu hại rất nhiều, tăng hiệu quả từ 40% – 50%. Đặc tính của con bướm sâu sẽ lần theo bóng đèn mà không vào hành để sinh đẻ”, ông Nghi cho biết.

Huyện Lý Sơn hiện có 300 ha đất trồng hành tỏi. Mỗi năm canh tác 1 vụ tỏi, 4 vụ hành, nông dân Lý Sơn phải sử dụng trên 40 tấn thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ sâu bệnh. Phương pháp phòng trừ sâu bệnh bằng “bẫy đèn” thân thiện với môi trường sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng. 

Theo ông Võ Trí Thời, Phó Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, phương pháp này rất hiệu quả, giảm công lao động, hạn chế tình trạng thuốc bảo vệ thực vật và tạo ra sản phẩm hành tỏi an toàn.

“Từ đầu năm đến nay, bà con nông dân huyện Lý Sơn đã học hỏi kinh nghiệm canh tác từ nhiều nơi, trong đó sử dụng biện pháp chong đèn trên đồng vào ban đêm để dẫn dụ, tiêu diệt sâu bệnh rất hiệu quả. Hiện bà con đang nhân rộng mô hình này. Huyện cũng đã khuyến cáo bà con khi đã kéo điện ra đồng thì áp dụng các biện pháp an toàn”, ông Thời chia sẻ./.

Từ khóa:

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập