Nông dân kêu cứu vì nước sông Đa Nhim bị ô nhiễm do khai thác cát
Cập nhật: 05/04/2021
VOV.VN - Mấy tháng qua, người dân canh tác nông nghiệp 2 bên bờ sông Đa Nhim, đoạn qua xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) khốn khổ vì nguồn nước tưới bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để canh tác vụ rau xà lách mới, nhưng hơn 10 ngày qua, gia đình chị Nguyễn Thị Lành, ở thôn Diom B, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương vẫn luôn chần chừ, không dám xuống giống vì sợ thua lỗ. Nguyên nhân là do nguồn nước tưới của sông Đa Nhim đã bị đục ngầu, có lúc nước sông đặc quánh bùn đất bởi hoạt động khai thác cát rầm rộ của một doanh nghiệp ngay dưới lòng sông. Theo chị Lành, việc trồng rau xanh các loại, nhất là bắp cải, xà lách, cải thảo… đòi hỏi nguồn nước phải đảm bảo, nếu tưới nước bẩn, nước ô nhiễm và có nhiều bùn đất thì coi như mất trắng, thiệt hại kinh tế lớn.
Hoạt động khai thác cát khiến nước sông Đa Nhim đục ngầu, ô nhiễm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của nhiều người dân địa phương. Theo bà Phan Thị Cấp, ở thôn La Bouye A, xã Lạc Xuân, mặc dù nước không đảm bảo nhưng người dân buộc phải tưới cho cây trồng vì không có nguồn khác thay thế. Đã có nhiều diện tích rau màu bị hư hỏng, cây trồng chậm sinh trưởng và phát triển vì tưới nước đục. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ đẩy nhiều nông dân vào cảnh khó khăn, trong đó có gia đình bà.
“Trồng bắp sú mà tưới nước đục thì bên trong có nhân màu đen. Nói chung, sống ở sông Đa Nhim này thì chỉ có nhờ nguồn nước từ sông Đa Nhim thôi. Mùa kia thì bị lũ lụt ngập hết, còn mùa này tập trung sản xuất thì nước lại không tưới được”, chị Lành cho hay.
Đa Nhim là con sông lớn chảy qua địa bàn nhiều xã, thị trấn của huyện Đơn Dương và một phần huyện Đức Trọng, nơi cung cấp nguồn nước tưới chủ lực phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vùng rau trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Điều đáng nói, thời điểm này là mùa khô, lượng nước trên sông Đa Nhim hạn chế nhưng đơn vị khai thác cát là Công ty TNHH Lê Văn Oai Lâm Đồng (trụ sở tại huyện Đơn Dương) đã huy động 2 tàu cỡ lớn để hoạt động hút cát lên bờ. Nước bùn không qua xử lý, lắng lọc được doanh nghiệp này xả chảy trực tiếp xuống lại lòng sông, khiến nước sông càng thêm đục ngầu, đặc quánh.
Được biết, Công ty TNHH Lê Văn Oai Lâm Đồng được tỉnh Lâm Đồng cấp phép hoạt động khai thác cát tại đây trên diện tích hơn 11 ha, tức dọc theo một đoạn sông Đa Nhim có chiều dài gần 6 km. Thời gian bắt đầu khai thác là ngày 30/11/2020 và thời hạn kéo dài đến 14 năm 5 tháng. Ông Hoàng Công Hiếu, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đơn Dương cho biết, việc công ty này khai thác cát gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân là có thật. Trong thời gian tới, nếu tình trạng này không được phía doanh nghiệp khắc phục triệt để thì sẽ buộc phải tạm ngưng hoạt động khai thác cát này.
“Trong quá trình khai thác phải đảm bảo chất lượng nguồn nước cho người dân phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, qua phản ánh của người dân thì chất lượng nguồn nước tưới vẫn không đảm bảo. Vì vậy, sắp tới, huyện cùng với Phòng Tài nguyên và môi trường sẽ có kiểm tra, khảo sát trở lại rồi yêu cầu chủ doanh nghiệp phải khắc phục triệt để. Nếu không khắc phục thì sẽ đình chỉ hoạt động khai thác cát của ông Lê Văn Oai”, ông Hoàng Công Hiếu cho hay.
Không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, việc khai thác cát của Công ty TNHH Lê Văn Oai Lâm Đồng đã khiến nhiều đoạn bờ sông Đa Nhim bị sụt lún, hở hàm ếch, nguy cơ gây sạt lở quy mô lớn trong mùa mưa lũ tới là rất cao. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động khai thác cát, công ty này còn tự ý đắp đập ngăn dòng chảy ngang dòng sông, đồng thời chưa thực hiện đầy đủ các cam kết theo quy định của pháp luật, trong đó có việc không thực hiện lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực, không lắp đặt camera tại khu vực chứa cát để lưu trữ thông tin…/.
Từ khóa: ô nhiễm nguồn nước, khai thác cát, nguồn nước tưới ô nhiễm, sông Đa Nhim, nông dân kêu cứu
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN