Nông dân Đồng Nai làm giàu từ cây ca cao
Cập nhật: 23/08/2024
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Những năm gần đây, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang trồng ca cao cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, đời sống người dân được cải thiện, thu hút cả những người trẻ quan tâm làm nông nghiệp.
Hợp tác xã ca cao Suối Cát (huyện Xuân Lộc) có 4 ha trồng ca cao được 15 năm. Đến nay, mỗi năm vườn ca cao cho thu hoạch hàng trăm tấn, tính riêng năm 2023 cho thu hoạch 200 tấn. Anh Trương Trí Thành – Phó Giám đốc Hợp tác xã ca cao Suối Cát tiếp quản vườn ca cao của gia đình sau khi rời TP.HCM năm 2021 vì đại dịch Covid-19.
Anh Thành cho biết, hiện giá ca cao tươi khoảng 10.000 đồng/kg, với năng suất thu hoạch ổn định thì một năm cho doanh thu từ 1-2 tỷ đồng. Ca cao là cây dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc mà thời gian thu hoạch kéo dài nên tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Theo anh Thành: "Rất khuyến khích các thanh niên trong xã Suối Cát có thể phát triển kinh tế địa phương. Vì huyện Xuân Lộc là huyện nông nghiệp, diện tích đất rất nhiều, có thể tận dụng nguồn đất chuyển đổi từ trồng điều không hiệu quả".
Gia đình ông Mỹ Nô (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) có vườn ca cao diện tích 1,6 ha. Trước đây, vườn của ông Nô trồng cây điều cho thu hoạch hàng năm từ 1-2 tấn, nhưng đầu ra không ổn định. Từ khi chuyển đổi cây trồng, ông Nô không còn phải lo về đầu ra vì có hợp tác xã thu mua.
Năm ngoái thu bói thấy được 10 tấn, cũng khá nên giờ mới chăm. Riêng vụ bói đã hơn cây điều, chắc năm nay trái cho sản lượng gấp đôi, gấp ba)
Ban đầu, cây ca cao trên địa bàn huyện Xuân Lộc chỉ có vài hecta. Sau khi địa phương tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình, hướng dẫn kỹ thuật được thực hiện thường xuyên, diện tích ca cao trên địa bàn huyện hiện nay đã vượt hơn 100 ha.
Mô hình tổ chức sản xuất ca cao ở Xuân Lộc được thực hiện dưới hình thức hợp tác xã đã liên kết và thực hiện chế biến sâu, đồng thời phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, thu hút đông khách tham quan trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Có – Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc cho biết: "Đối với cây ca cao, đến nay đã có chỗ đứng trên thị trường rất vững bằng hợp đồng với Công ty Marou để cung cấp sản phẩm lâu dài. Ca cao đã có từ lâu nhưng đến nay bà con mới nhận thức được đây là cây có giá trị kinh tế cao nên mới tập trung trồng".
Thời gian tới, để cây ca cao phát triển bền vững thì ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng giá trị bằng chế biến sâu và tạo dựng thương hiệu đủ sức cạnh tranh.
Từ khóa: ca cao, trồng ca cao, ca cao, cây ca cao, mô hình trồng ca cao, mô hình kinh tế, mô hình làm giàu, nông dân, đồng nai
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: duy phương/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN