Nóng chuyện phản đối học phí online trường quốc tế, làm gì để giảm nhiệt?

Cập nhật: 22/05/2020

VOV.VN-Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, phụ huynh nhiều trường quốc tế bức xúc, tập trung phản đối mức thu học phí online mùa dịch Covid-19 quá cao.

Nhiều ngày liền, phụ huynh trường Quốc tế Singapore (Hà Nội) bất chấp nắng nóng tập trung tại cổng trường căng băng rôn yêu cầu đối thoại với nhà trường về vấn đề thu học phí online.

Được biết, đây là trường có mức học phí đắt đỏ, giao động từ 185-405 triệu/năm tùy vào từng hệ và chương trình học.

Trao đổi với báo chí, nhiều phụ huynh tại trường cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc, phản đối do nhà trường thông báo sẽ thu học phí online bằng 80-85% mức học phí thông thường. Nhà trường thông báo thu học phí từ 3/2-3/4. Song các phụ huynh trường này cho rằng, đến cuối tháng 3, việc học trực tuyến mới được triển khai và chỉ đi vào quỹ đạo từ đầu tháng 4. Như vậy, có hơn 1 tháng dù học sinh không được học, nhưng vẫn phải đóng học phí.

nong chuyen phan doi hoc phi online truong quoc te, lam gi de giam nhiet? hinh 1
Phụ huynh trường quốc tế Singapore (Hà Nội) phản đối vấn đề thu học phí online.

Hơn nữa, trường cũng thông báo, 15-20% học phí còn lại, sẽ không được trả lại phụ huynh mà đối trừ vào tiền học phí năm sau.

Tương tự, tại TP HCM, phụ huynh trường quốc tế Việt Úc cũng kịch liệt phản đối việc thu học phí quá cao.

Ngày 20/5, UBND TP HCM phải tiếp tục ra văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM có biện pháp giải quyết việc phụ huynh kiến ghị về vấn đề học phí của các trường quốc tế trong thời gian vừa qua.

Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo về việc thu học phí online mùa dịch Covid-19.

Bộ GD-ĐT yêu cầu trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019-2020 phải bảo đảm các nguyên tắc, công khai, minh bạch và thoả thuận thu trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, nếu không tổ chức học trực tuyến thì sẽ không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ.

Nếu đã thu, sẽ thực hiện thanh toán bù trừ khi học sinh đi học trở lại và thanh quyết toán vào cuối năm học với phụ huynh học sinh.

Nếu tổ chức học trực tuyến, các cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, các khoản chi phí phát sinh cần thiết để triển khai các hoạt động tổ chức dạy, thời gian thực tế học trực tuyến, các nội dung truyền tải qua dạy học trực tuyến, tỉ lệ hoàn thành chương trình học… để xác định mức thu hợp lý.

Mức thu trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm học; đồng thời có chính sách giảm mức thu phù hợp với điều kiện của học sinh, sinh viên.

Trường không nên tính lỗ lãi

Nói về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, các trường ngoài công lập phải đi thuê trường lớp, trả lương cho giáo viên dạy online, do đó sẽ gặp những khó khăn áp lực nhất định về mặt tài chính. Song nếu các trường muốn phụ huynh cùng chia sẻ gánh nặng cần có cách hành xử đúng mực. “Ngay cả đi vay ngân hàng, cũng phải có lời đề nghị, họ xem xét và có thể cho vay hoặc không. Các trường là cơ sở giáo dục, cần có cách ứng xử phù hợp với giáo dục. Việc thu học phí online sẽ không có gì đáng bàn nếu như nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. Mức thu cần dựa trên sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, không thể áp đặt theo ý riêng của trường. Bởi nếu khó khăn, thì cả phụ huynh và nhà trường đều đang gặp khó khăn”, bà Hương nói.

nong chuyen phan doi hoc phi online truong quoc te, lam gi de giam nhiet? hinh 2

Phụ huynh đứng trước trường Quốc tế Việt Úc, quận 10, phản đối chính sách thu học phí, sáng 5/5. Ảnh: VnExpress.

Chuyên gia giáo dục này cũng cho rằng, nhiều trường đưa ra lý lẽ về vấn đề lỗ lãi trong mùa dịch, đây là vấn đề bất cứ ai làm kinh doanh cũng cần quan tâm. Song nếu mãi tranh luận lỗ lãi với phụ huynh thì sẽ là cuộc tranh luận không có hồi kết. “Lỗ lãi là câu chuyện của mỗi doanh nghiệp, phụ huynh không có trách nhiệm giải quyết những khó khăn đó của trường”, TS Hương nhấn mạnh.

Bà Hương cho rằng, phụ huynh các trường sẽ không thấy bức xúc, nếu như các trường có động thái cho thấy sự quan tâm đối với học sinh. “Nhiều phụ huynh than phiền rằng nhà trường không quan tâm tới học sinh khi học ở nhà, mà chỉ chăm chăm nói đến vấn đề tiền. Đây là một trong những lý do khiến phụ huynh bức xúc, cho rằng giá tiền quá cao không tương xứng với sản phẩm.

Theo chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, các trường và phụ huynh cần có sự thỏa thuận, họp trực tiếp để đối thoại, tháo gỡ những thắc mắc của cả 2 bên để đi đến thống nhất chung.

“Nếu trường quá khó khăn, không trả lại học phí đã thu đầu năm, thì phải công khai và rõ ràng với phụ huynh đây là khoản vay phụ huynh để trang trải và sẽ thanh toán vào cuối năm hoặc năm sau. Mọi quyết định cần có sự bàn bạc, nhận được sự đồng thuận từ phụ huynh và cần công khai minh bạch”, bà Hương cho hay.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cũng cho biết, hiện nay việc thu học phí được thực hiện theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, quy định về cơ chế thu quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Theo Khoản 3, Điều 3 Nghị định quy định về nguyên tắc xác định học phí, thì cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí. Việc thu học phí sẽ được thực hiện theo thỏa thuận của nhà trường với phụ huynh học sinh, được thông báo công khai ngay từ đầu năm học, khóa học và cả lộ trình.

Riêng về việc thu học phí trong thời gian học online do dịch Covid-19, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Dịch vụ học online và hướng dẫn học sinh trong thời gian nghỉ dịch là phát sinh ngoài chương trình chính khóa. Thường thì phụ huynh và nhà trường sẽ thỏa thuận về chương trình hỗ trợ này và mức thu thêm nếu có. Nhà trường phải căn cứ vào nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý, thu đủ bù chi cho các dịch vụ hỗ trợ và công khai khoản thu thêm này. Hiện nay chúng ta mới chỉ quy định thu học phí các chương trình đào tạo chính khóa. Đối với các chương trình bổ trợ khác như củng cố kiến thức qua online, thì việc quy định mức thu cho các loại hình bổ trợ phải dựa trên thỏa thuận tham gia và đóng chi phí giữa nhà trường và gia đình học sinh.

Đây là dịch vụ thỏa thuận, nên việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau, trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất để triển khai các dịch vụ này, tránh tình trạng học sinh nghỉ học quá dài không được cập nhật, củng cố kiến thức.

Các trường phải có nghĩa vụ thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai. Nếu như nhà trường tự ý thu học phí học trực tuyến mà không có sự thỏa thuận với phụ huynh về học phí online, cũng không có sự giải thích về khoản tiền học phí đã đóng trong thời gian học sinh nghỉ dịch thì không phù hợp, dễ nhận các phản ứng trái chiều”, LS Cường nhấn mạnh./.

Từ khóa: học phí trường quốc tế, lạm thu, thu học phí online trường quốc tế, trường quốc tế Việt Úc, trường quốc tế Singapore

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập