Nơi nào tự phát hiện tham nhũng, người đứng đầu được điểm cộng
Cập nhật: 22/07/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Nơi nào tự phát hiện tham nhũng, sai phạm là điểm cộng để khuyến khích người đứng đầu thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chú trọng ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng nói riêng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng đã được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện... Tuy nhiên, những thể chế trong Đảng cũng như quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thời gian qua, vẫn chưa tạo ra được “hàng rào” đủ mạnh trong kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tham nhũng theo hướng bảo đảm không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng.
Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa thực sự hoàn chỉnh
Nhìn lại hoạt động phòng chống tham nhũng thời gian qua, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và đã để lại những dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội…Tuy nhiên, cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn những hạn chế nhất định, nên phần nào làm giảm hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.
“Chúng ta đều nói rằng, nhân dân là chủ thể quyền lực Nhà nước, trước đây chúng ta có Quy định 27, 28 của Bộ Chính trị về giám sát phản biện xã hội, rồi Luật MTTQ, các quy định pháp luật liên quan khác đều đề cập vai trò của Nhân dân tham gia vào kiểm soát quyền lực, kể cả quyền lực của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội. Tuy nhiên những quy định đó vẫn chưa quy định rõ Nhân dân - với tư cách chủ thể quyền lực thực hiện quyền lực của mình trong giám sát, kiểm soát quyền lực mình đã ủy quyền cho cán bộ, cơ quan công quyền cũng như tổ chức đảng ra sao, nên Nhân dân chưa thể hiểu và thực hiện quyền đó có hiệu quả”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông chia sẻ.
Điểm lại những vụ sai phạm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ và xử lý, cũng như các vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ cấp cao, các tướng lĩnh, có thể thấy, bên cạnh việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý thì nguyên nhân dẫn đến những vụ sai phạm, tham nhũng lớn còn do các cá nhân đó đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được trao để trục lợi cá nhân và phe nhóm. Đó chính là sự tha hóa quyền lực - mầm mống nảy sinh suy thoái tham nhũng.
Tiến sỹ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cho rằng, muốn phòng, chống tham nhũng có hiệu quả điều cần thiết là phải kiểm soát được quyền lực.
Theo ông Cương, trước hết phải siết chặt hệ thống giám sát quyền lực. Tiếp đến, làm rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị… Hệ thống Hiến pháp luật pháp của chúng ta hiện nay chưa quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và trách nhiệm pháp lý đối với đội ngũ cán bộ, phải có những quy định của Đảng cũng như quy phạm pháp luật đảm bảo cho mỗi người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyền hạn đi liền với trách nhiệm cụ thể.
"Một vấn đề khác cũng rất quan trọng mà trong nghị quyết nêu ra và điều lệ Đảng cũng quy định đó là đảm bảo cho cơ quan Nhà nước hoạt động công khai, minh bạch để cho người dân giám sát được… Tôi cho rằng nếu làm được tốt 4 vấn đề đó thì chắc chắn chúng ta khắc phục cơ bản tình trạng tham nhũng”, Tiến sĩ Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Số vụ tham nhũng đã phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng
Để hạn phòng chống tham nhũng có hiệu quả phải sớm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực bằng thể chế pháp luật, mà trước hết là kiểm soát tốt sự lạm quyền, lộng quyền trong công tác cán bộ và hoạt động ban hành thực thi chính sách. Cùng với đó cũng cần đề cao đạo đức công vụ và trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên - nhất là người đứng đầu cơ quan đơn vị.
Bởi thực tế ở nhiều nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng chưa được phát huy tốt, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Cụ thể, theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, vẫn còn tình trạng người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho các trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đứng đầu đã thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng bị phát hiện, xử lý. Thời gian qua, số vụ tham nhũng được chỉ đạo phát hiện, xử lý trong nội bộ cơ quan, đơn vị chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thăng Long cho rằng, dù chúng ta đã có đầy đủ các quy định và cơ chế trách nhiệm của công dân, cán bộ đảng viên tham gia, thực hiện phòng chống tham nhũng, song thực tế tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ quan đơn vị không dám và không muốn chống tham nhũng.
"Bản thân các quy định về phòng chống tham nhũng đã có đầy đủ cơ chế mà trong đó bất kỳ một ai cũng phải tham gia phòng chống tham nhũng. Nhưng cơ chế là cơ chế, con người thực hiện cơ chế mới là quan trọng. Tôi biết là một số cơ quan công quyền có tham nhũng nhưng thủ trưởng không muốn chống tham nhũng, né tránh bởi vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của thủ trưởng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan mà thủ trưởng đó phụ trách", ông Huỳnh Ngọc Sơn cho biết.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện Lập pháp của Quốc hội, thực tế này có phần nguyên nhân từ sự suy thoái, thiếu gương mẫu của cán bộ đứng đầu, song ở đây cũng cho thấy căn bệnh thành tích vẫn ăn sâu vào các cơ quan đơn vị. Bệnh thành tích chi phối trách nhiệm người đứng đầu. Thông thường chúng ta hay đánh giá cơ quan đơn vị nào phát hiện tham nhũng tiêu cực nhiều thì cho là nơi đó yếu kém trong quản lý cán bộ. Vì vậy nên thay đổi quan niệm, nơi nào tự phát hiện tham nhũng, sai phạm là điểm cộng để khuyến khích người đứng đầu thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình.
Những vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra gần đây như vụ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, vụ nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nhưng trong báo cáo của các cơ quan đơn vị này đều khẳng định chưa phát hiện có tham nhũng trong nội bộ cho thấy những người đứng đầu một số cơ quan đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thậm chí vô hiệu hoá công tác này tại nội bộ cơ quan đơn vị mình phụ trách…
Muốn giám sát quyền lực thì phải bằng thể chế, hay nói cách khác thể chế đó phải được cụ thể hóa bằng pháp luật. Theo Bộ trưởng Bộ tài Chính - Hồ Đức Phớc, để hạn chế tình trạng tham nhũng thì cần áp dụng nhiều giải pháp, trong đó chú ý đến việc đánh giá, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…; Lựa chọn bố trí người đứng đầu cơ quan đơn vị thực sự có “Tâm-Tài-Trí-Dũng-Liêm”, chúng ta cũng cần mạnh dạn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về công tác cán bộ cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Tiến sỹ Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Thanh tra Chính phủ cho rằng, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Vậy nhưng thực tế vừa qua người đứng đầu một số nơi, một số lúc chưa thực sự quan tâm đến phòng chống tham nhũng, có những trường hợp dung túng bao che cho cán bộ tham nhũng, thậm chí là tham nhũng…Vì vậy cần có các quy định đề cao và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cả về đạo đức lẫn pháp lý.
Cùng với tăng cường giám sát quyền lực, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chính sách pháp luật một cách công khai, minh bạch dưới sự giám sát của người dân thì các cấp ủy đảng cũng phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kip phát hiện phát hiện uốn nắn những dấu hiệu vi phạm, tham nhũng ngay từ lúc manh nha./.
Từ khóa: kiểm soát quyền lực để phòng tham nhũng tiêu cực, cơ chế kiểm soát quyền lực, người đứng đầu tiếp tay cho tham nhũng, Tiến sỹ Lê Văn Cương nói về kiểm soát quyền lực, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông nói về phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Thái Học phân tích về kiểm soát quyền lực, làm sao để kiểm soát quyền lực
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN