Nỗi lo từ những động thái của ngân hàng Trung ương các nước
Cập nhật: 25/09/2019
Quảng Nam: Triển vọng mới từ phát triển kinh tế biển
“Cao su Việt Nam, sợi dây kết nối kinh tế và tình người” trên nước bạn Campuchia
VOV.VN - Việc nhiều ngân hàng Trung ương các nước giảm lãi suất đã dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái mới sắp diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Theo giới quan sát, kể từ tháng 8/2019 đến nay, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước: Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, New Zealand, Malaysia, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Nam Phi… đã có những động thái điều chỉnh chính sách tỷ giá hoặc lãi suất… được cho là bất thường, khiến giới nghiên cứu và dư luận lo ngại về một cuộc suy thoái mới sắp diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Từ việc FED hạ lãi suất…
Ngày 1/8 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất cho vay xuống còn 2-2,25%, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008. Những lý do được viện dẫn: Lượng đơn đặt hàng hồi tháng 3 không giảm mạnh như dự đoán, nhưng lượng hàng xuất khẩu lại yếu hơn; hoạt động của ngành chế tạo giảm sút, do các doanh nghiệp tập trung giải quyết hàng tồn kho và các nhà máy nhận được ít đơn hàng hơn.
Sự biến động hàng xuất khẩu trong tháng 3 phản ánh mức chi tiêu của doanh nghiệp yếu hơn dự báo, khiến GDP quý I không đạt mục tiêu. Về hoạt động sản xuất nói chung bị ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng, tác động lên thị trường phố Wall, kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Động thái điều chỉnh tỷ giá, lãi suất của ngân hàng Trung ương các nước thời gian gần đây được cho là... bất thường. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo Chủ tịch FED, lương cơ bản tăng nhưng tốc độ không đủ để kích thích sự lạm phát, khiến FED buộc phải sẵn sàng đối phó với những rủi ro cho nền kinh tế Mỹ và thế giới bằng việc hạ lãi suất. “Chúng tôi sẽ để ý tới những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế, và sẵn sàng sử dụng công cụ của chúng tôi nếu cần”. Tuy nhiên, ông Powell cho biết, ông không nhận thấy nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu rơi vào suy thoái.
Được biết, hồi cuối năm 2018 FED đã dự kiến tăng lãi suất ít nhất là 2 lần trong năm 2019. Tuy nhiên, trên thực tế lại phải làm điều ngược lại để chặn đà đi xuống của nền kinh tế Mỹ. Các chiến lược gia cho rằng, kế hoạch áp thuế mới nhất, sẽ làm cho kinh tế Mỹ giảm tốc nhanh hơn và đẩy kinh tế nước này vào một cuộc suy thoái trong vòng 3 quý tới. Vì thế, ngày 18/9 FED lại tuyên bố hạ lãi suất lần thứ 2 với 0,25 điểm %, về mức 1,75 – 2%.
Đến PBOC điều chỉnh tỷ giá…
Ngày 5/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) điều chỉnh tỷ giá tham chiếu về mức 6,9683 NDT đổi 1 USD. PBOC giải thích rằng, đây là sự phản ứng của thị trường trong bối cảnh Mỹ áp mức thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9.
Ngay sau khi đồng NDT giảm giá trị thấp nhất trong 11 năm qua, thị trường tài chính thế giới đã rung chuyển. Tại Mỹ, giá dầu giảm 7%, trong đó giá dầu thô biển Bắc (Brent) ghi nhận tỷ lệ giảm tính theo ngày thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Chỉ số S&P 500 vốn đang ở vùng tích cực cũng giảm xuống 0,9% khi chốt phiên giao dịch.
Ngày 6/8, Trung Quốc lại bán trái phiếu bằng đồng NDT tại Hong Kong, nhằm hạn chế đà bán ra đối với đồng NDT. Khiến thị trường tài chính thế giới biến động mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 97,62 điểm. USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1201 USD; 106,16 yen đổi 1 USD; 1,2122 USD đổi 1 bảng Anh.
Tiếp đến là ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Thái Lan, New Zealand và nhiều nước khác cũng đã chủ động cắt giảm lãi suất với kỳ vọng các ngân hàng Trung ương lớn khác cũng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhằm đối phó với tác động của nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng chậm lại và thương mại bị sụt giảm.
Giới phân tích lo ngại rằng, Bắc Kinh đã gửi đi thông điệp sẵn sàng dùng công cụ tiền tệ làm vũ khí đối phó với Mỹ trong cuộc thương chiến đang gia tăng, khiến nảy sinh lo ngại về sự “chuyển hóa” chiến tranh thương mại thành chiến tranh tiền tệ.
Tuy nhiên, gần đây cả hai nước lại có những hành động làm giảm nhiệt như: Mỹ kéo dài thời gian áp thuế mới cho các hàng điện tử của Bắc Kinh, và Trung Quốc tiếp tục mua hàng nông sản của Washington với số lượng lớn... Trong khi FED dự báo có thể sẽ giảm lãi suất một lần nữa vào cuối tháng 9, thì PBOC (6/9) lại tuyên bố bơm 900 tỷ NDT (126 tỷ USD) vào thị trường để ngăn đà sụt giảm tăng trưởng của nền kinh tế.
Sự phản ứng của các nước…
Khi được hỏi về tác động đến thị trường tài chính, Tổng thống Mỹ D. Trump nói rằng: “Hiện tại tôi hoàn toàn không lo ngại chuyện đó”. Theo ông, thuế suất có thể được tăng lên qua từng giai đoạn. “10% trước hết được áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó tôi có thể tăng lên hoặc giảm xuống, tùy thuộc vào những gì đạt được trong thỏa thuận (với Trung Quốc)”.
Stephen Lamar, phó chủ tịch Hiệp hội Giày dép và Quần áo Mỹ, cho biết: “Biện pháp này sẽ đánh vào người tiêu dùng Mỹ mạnh hơn nhiều so với các nhà sản xuất Trung Quốc, những người cung cấp 42% mặt hàng may mặc và 69% đối với giày dép trong thị trường Mỹ”. Mức thuế mới còn đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong thời điểm tăng trưởng đang chậm lại ở cả Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng euro.
Ông Evan Pritchard, nhà kinh tế học cấp cao của Capital Economics cho rằng, việc Trung Quốc ngừng duy trì mốc quy đổi quan trọng giữa NDT với USD hàm chứa khả năng nước này từ bỏ hi vọng đạt thoả thuận thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn chưa đến lúc thế giới chứng kiến một cuộc chiến tranh tiền tệ, bởi đồng NDT ở mức giá hiện nay chỉ đủ để thúc đẩy một phần kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Đồng NDT vẫn chưa thực sự bị đẩy lên thành chiến tranh tiền tệ.
Mặt khác, các nước (kể cả Trung Quốc) cũng không muốn bị khép vào tội thao túng tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu, vì rất rủi ro đối với họ cũng như quan hệ kinh tế giữa nước họ với Mỹ. Vì thế, sự biến động chủ yếu là do tâm lý chi phối đến các nhà đầu tư, sau một thời gian nhất định, mức độ mất giá của đồng NDT có thể sẽ chững lại.
Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc khó có thể sử dụng chính sách tỷ giá hối đoái cố định khi mà NDT đã nằm trong “rổ tiền” có chức năng thanh toán quốc tế, nên đồng NDT chỉ là một yếu tố trong tổng thể cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung mà thôi.
Như vậy, từ những động thái mới của ngân hàng Trung ương các nước, nhất là 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới cho thấy, cuộc thương chiến Mỹ-Trung không chỉ gia tăng tính quyết liệt, mà còn có nguy cơ chuyển hóa từ “chiến tranh thương mại” sang “chiến tranh công nghệ” và có thể là “chiến tranh tiền tệ” (nếu hai bên không kiềm chế).
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đang diễn biến theo hướng toàn diện, phức tạp nhằm giữ và giành ngôi vị dẫn đầu thế giới trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới, thì sự tác động của nó đến nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu là không loại trừ. Tuy nhiên, nguy cơ này vẫn còn đang ở phía trước./.
Lý do nào khiến FED cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong năm 2019?
Từ khóa: giảm lãi suất, FED giảm lãi suất, ngân hàng Trung ương Trung Quốc, điều chỉnh tỷ giá, chiến tranh thương mại
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN