Nơi khởi đầu cuộc tình của Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu

Cập nhật: 02/04/2022

[VOV2] - Hiếm có khách sạn nào tại Việt Nam có tuổi đời lên đến 100 như Dalat Palace. Nơi đây chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử như Hội nghị tiền Fontainebleau hay cuộc gặp giữa Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu.

Khách sạn Dalat Palace tọa lạc trên một quả đồi trước mặt đường Trần Phú ở trung tâm thành phố Đà Lạt, có vị trí rất thuận lợi: cách sân bay Liên Khương 31 km, cách chợ Đà Lạt tầm 1,3 km với tầm nhìn hướng thẳng ra Hồ Xuân Hương quanh năm khói sương bảng lảng. Có lẽ hiếm có khách sạn nào ở Việt Nam có tuổi đời lên tới 100 như Dalat Palace. Nơi đây được xây dựng năm 1922, với mục đích ban đầu làm nơi dừng chân nghỉ dưỡng cho giới quý tộc siêu giàu Đông Dương đến săn bắn.

dji_0270.jpg

“Dalat Palace ban đầu mang tên Lang Biang Palace", ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc khách sạn Dalat Palace giới thiệu. "Ban đầu khách sạn được xây dựng theo trường phái kiến trúc Victoria, trông huy hoàng tráng lệ hơn. Nhưng sau đó những chủ sở hữu thấy rằng kiến trúc này trông yếu đuối quá, nên sau khi trải qua rất nhiều lần trùng tu sửa chữa được chuyển thành phong cách kiến trúc Art Deco như bây giờ”.

Do người Pháp xây dựng nên, hiện tại khách sạn Dalat Palace vẫn giữ gần như nguyên vẹn phong cách kiến trúc theo kiểu Pháp. Khách sạn nằm trên một quả đồi, mặt tiền hướng thẳng ra Hồ Xuân Hương, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy Nhà thờ Con Gà. Khuôn viên khách sạn rộng hơn 40.000 m2, được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú gồm vườn hoa, thảm cỏ, rừng thông.

Nếu như một số khách sạn khác thường mua cây cối từ nơi khác đem đến thì điểm đặc biệt của Dalat Palace là: toàn bộ hoa, cây cảnh, thực vật trong khuôn viên khách sạn đều do nhân viên tự chăm sóc, gieo trồng. Ông Nguyễn Đức Trường cho biết: “Năm 2009 Dalat Palace từng được Tạp chí Travellive bình chọn là khách sạn có hệ thống sân vườn đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi quan tâm đặc biệt đến hệ thống ươm cây xanh. Hiện tại, chúng tôi đang tận dụng gần 4000m2 của Dalat Golf Club để làm hệ thống ươm trồng cây xanh. Để đảm bảo gần 7,5 ha hoa luôn rực rỡ, mà phải thay thế liên tục ít nhất một năm 2 lần, tính toán làm sao các dịp Tết – Noel phải đẹp nhất, không một chi phí hay dịch vụ cung ứng hoa nào ở tỉnh có thể đáp ứng được. Vì thế chúng tôi phải tự ươm từ những cây giống nhỏ, nuôi lớn lên để phục vụ cho khách sạn”.

Khách sạn Dalat Palace có 43 phòng ngủ, chia thành 5 hạng phòng. Trong đó có một căn phòng hết sức đặc biệt: phòng 101 là nơi mà vào năm 1946, phái đoàn Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đã ở trong vòng 15 ngày để chuẩn bị các tài liệu họp với chính quyền Thực dân Pháp cho Hội nghị Đà Lạt, còn được biết đến là hội nghị Tiền Fontainebleau.

Theo ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, riêng việc cả người Pháp lẫn các vị Cách mạng tiền bối chọn Tp Đà Lạt và khách sạn Dalat Palace làm nơi diễn ra một hội nghị quan trọng như vậy cho thấy tiềm năng du lịch và tổ chức sự kiện của nơi này: “Việc người Pháp và chúng ta thống nhất chọn Đà Lạt làm địa điểm đàm phán tại khách sạn Dalat Palace cho thấy tinh thần đoàn kết yêu nước. Đây là dấu ấn lịch sử cho thấy Đà Lạt có thể tổ chức nhiều sự kiện chính trị ngoại giao quan trọng của đất nước”.

Không chỉ là nơi diễn ra hội nghị Tiền Fontainebleau, Dalat Palace còn là nơi khởi nguồn cho một chuyện tình đẹp trong lịch sử Việt Nam cận đại. Đây là nơi gặp gỡ lần đầu của Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu.

“Ngày đó giới quý tộc siêu giàu thường xuyên tổ chức các dạ tiệc cuối tuần, những người giàu nhất xứ Đông Dương đều tập trung về đây. Chính trong một buổi vũ hội đó - tại bàn số 10 (mà bây giờ chúng tôi vẫn giữ) – lần đầu tiên Vua Bảo Đại gặp gỡ Nam Phương Hoàng hậu. Địa điểm đó chính là nhà hàng Le Rabelais của khách sạn Dalat Palace", ông Nguyễn Đức Trường kể lại.

Về nội thất, khách sạn Dalat Palace đi theo một chỉnh thế thống nhất của phong cách kiến trúc cổ châu Âu, từ kết cầu vòm cửa ra vào, tường, hành lang, các lối đi đến những chi tiết thiết kế như chùm đèn, sắp đặt không gian, ánh sáng... đều tuân thủ nghiêm ngặt, không có sự sắp xếp tùy tiện. Nội thất khách sạn chủ yếu là đồ đồng, có những thứ rất quý như chiếc đồng hồ cổ châu Âu từ năm 1840 (giá trị lên tới hơn 2 tỷ đồng).

Vì là đồ cổ nên việc duy tu bảo trì đòi hỏi kiến thức, sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. “Bảo trì là vấn đề cực kì khó!", ông Nguyễn Đức Trường nói. "Ví dụ khi quản lí một khách sạn mới, cái đèn bị hư, bạn có thể ra ngoài chỗ nào cũng mua được. Nhưng đồ cổ thì không đơn giản như thế, nên hiện tại ở đây chúng tôi bảo trì cẩn thận đến từng cây đèn. Các hiện vật trong khách sạn đều có giá trị cao, chính vì vậy đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi thứ nhất phải nghiên cứu về đối lưu gió, tuyệt đối không có khu vực nào bị kín vì kín quá sẽ sinh ẩm mốc.

Về đồ đồng thì chúng tôi đánh bóng 1 năm 3 lần, và dùng một thương hiệu đánh bóng của Thụy Sỹ để đảm bảo khi đánh xong các đồ vật không bị mất đi màu unique. Vấn đề thứ 2 là, ngay trong giai đoạn khách sạn đóng cửa do dịch Covid-19 thì hệ thống đèn vẫn phải bật sáng 24/24 vì các đèn đó sinh ra lượng nhiệt nhất định, hút hết ẩm mốc trong không khi để tránh cho tranh ảnh và các thứ khác không bị ẩm mốc”.

z3307870114591_53cab2d897f02e7780e34beb091deafb.jpg

Một điểm đặc biệt khác của khách sạn Dalat Palace là các phòng tiệc đặt tên theo chủ đề, thường là theo tên các danh họa như Monet hay Renoir. Phòng tiệc mang tên danh họa Monet, ngoài bàn ăn thì sẽ được bao xung quanh bởi các bức tranh chép lại các tác phẩm của danh họa nổi tiếng người Pháp. Thực khách sẽ được thưởng thức bữa trưa hoặc tối trong không gian lãng mạn của nhạc cổ điển châu Âu, thực được đầu bếp thiết kế riêng theo chuẩn nhà hàng 5 sao, đồng thời chiêm ngưỡng các tác phẩm nổi tiếng của danh họa Monet.

“Như các bạn đã biết thì Monet là một họa sỹ nổi tiếng người Pháp. Ông là người đã đến đây, và đặc biệt quan tâm đến kiến trúc Dalat Palace. Thời bấy giờ ở Đông Dương chỉ có mình Đà Lạt là mang hơi hướng của một Tiểu Paris. Thì đó là lí do tất cả các tranh trang trí trong phòng này đều của Monet, được một họa sỹ chép tranh người Pháp copy nguyên bản từ các bản gốc. Hiện tại đây là phòng Super Vip để tiếp các vị khách đặc biệt. Năm 2015, chủ đầu tư của chúng tôi dùng chính căn phòng này để tiếp đón Đại sứ của 15 nước tại đây”.

Dalat Palace cũng là nơi các đạo diễn, diễn viên chọn để làm bối cảnh quay phim. Đạo diễn Victor Vũ – người rất nổi tiếng vì khai thác bối cảnh Việt Nam – đã chọn Dalat Palace làm bối cảnh quay bộ phim truyền hình Trại Hoa Đỏ từ tiểu thuyết gốc của nữ nhà văn Di Li. Chị Nguyễn Phương Thùy Linh, phụ trách PR – Marketing của khách sạn cho biết: “Các năm gần đây Dalat Palace luôn song hành và tài trợ bối cảnh cho các đoàn làm phim. Trại Hoa Đỏ của anh Victor Vũ quay vào trung tuần tháng 1/2022. Hiện tại các hình ảnh đoàn phim vẫn yêu cầu giữ bí mật và chưa đưa lên”.

Ngoài ra, các ca sỹ Lệ Quyên, Đoan Trang, Đông Nhi, Đan Trường, Hạnh Sino... đã tổ chức đêm nhạc và quay MV ở đây. Từ năm 2017, Dalat Palace cũng hợp tác với Cuộc thi Miss Universe Việt Nam để đăng cai một số sự kiện và đêm thi.

Từ khóa: Dalat Palace, Lang Biang Palace, Nam Phương Hoàng Hậu, Bảo Đại, di sản, khách sạn, Đà Lạt

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập