Nỗi ám ảnh rác thải nhựa ở vùng biển Nam Trung bộ
Cập nhật: 27/02/2021
Quảng Ngãi: Chìm tàu cá, 1 ngư dân tử vong, 1 ngư dân mất tích
Nhiều sự kiện hấp dẫn không nên bỏ lỡ ở Festival Ninh Bình năm 2024
VOV.VN - Rác thải đủ loại từ nguồn thải sinh hoạt, xác động vật nhưng nhiều nhất vẫn là bao, túi ni lông chứa thức ăn nuôi trồng thủy sản.
Mấy năm gần đây, rác thải nhựa trở thành nỗi ám ảnh của người dân vùng ven biển, đảo các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên. Mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa còn gây thiệt hại đến kinh tế của nhiều hộ dân. Người dân và chính quyền địa phương đang cần có những giải pháp phù hợp, hiệu quả để xử lý tình trạng này.
Mỗi khi mùa gió bấc kéo dài từ tháng 9 đến hết tháng 3 âm lịch lại trở thành mùa rác dạt vào đảo Bình Ba, xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Rác thải đủ loại từ nguồn thải sinh hoạt, xác động vật nhưng nhiều nhất vẫn là bao, túi ni lông. Chính quyền phải bỏ kinh phí, huy động nhân công thu gom, sau đó đốt tiêu huỷ. Bốn tháng qua, xã đảo Cam Bình đã thu gom khoảng 150 tấn rác thải nhựa, nhưng thu gom hôm trước thì hôm sau rác lại tràn về.
Bà Nguyễn Thị Ly, tham gia vớt rác tại đảo Bình Ba cho biết, đây là bao bì đựng thức ăn nuôi trồng thủy sản của hàng ngàn lồng bè ven vịnh Cam Ranh bị sóng, gió đánh dạt ra đây.
“Nói chung mùa gió bấc này tất cả rác ở đâu cứ tấp vào. Rác nhiều quá bốc mùi khó chịu và chủ yếu là bao bì chứa thức ăn của những lồng, bè nuôi tôm. Người nuôi cho tôm ăn xong rồi mặc nhiên thải bao bì xuống biển, tới mùa gió bấc các bao bì này sẽ tấp hết vào bờ”, bà Ly cho biết.
Rác thải nhựa cũng xuất hiện tại nhiều vùng ven biển của tỉnh Phú Yên làm mất mỹ quan các danh thắng như đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, Hòn Yến... Rác thải từ chính quá trình nuôi trồng thủy sản đang làm ô nhiễm các vùng nuôi của tỉnh này, dẫn đến hiện tượng tôm, cá thường xuyên bị bệnh dịch, chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người dân.
Tỉnh Phú Yên có bờ biển dài gần 190 km, mỗi ngày phát sinh gần 100 tấn rác thải nhựa, chiếm khoảng 20% lượng rác thải trong tỉnh. Từ năm 2020, tỉnh Phú Yên phối hợp với Tổ chức Quốc tế và Bảo tồn Thiên nhiên thực hiện 2 Dự án: “Đô thị giảm nhựa” và “Giảm thiểu rác thải nhựa”, hướng đến giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường sau 2 năm triển khai, tiến đến không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.
Bà Đào Thị Kim Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết: “Qua việc kiểm soát ô nhiễm chất thải nhựa trên biển, Sở sẽ thực hiện thống kê, đánh giá tại nguồn về lượng chất thải nhựa phát sinh từ đất liền và các hoạt động trên biển. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường các hoạt động quan trắc, giám sát, kiểm soát xả thải vào môi trường nước. Xây dựng và áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin, hỗ trợ hoạt động thu gom chất thải nhựa. Xây dựng các chương trình kiểm tra, giám sát, thực hiện chế tài xử phạt theo quy định”.
Mỗi năm ở nước ta ước tính có khoảng 0,28 - 0,7 triệu tấn lượng rác thải nhựa. Nguồn thải chủ yếu từ trên đất liền và các nguồn thải trên biển do các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, vận tải…
Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, giảm 75% rác thải nhựa đại dương, 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; tất cả các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa...
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giải pháp đột phá vẫn là thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong sinh hoạt của người dân; thay đổi hành vi sản xuất kinh doanh sản phẩm nhựa, xả thải gây ô nhiễm môi trường.
“Từng vùng nước, từng địa bàn, từng địa điểm nếu có rác thải nhựa thì phải thu gom, xử lý. Cần tăng cường hơn trách nhiệm của các địa phương quản lý những vùng nước, khu vực có rác thải nhựa trôi nổi trong môi trường. Quan trọng hơn nữa là cách thức tổ chức để thu gom rác phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với đặc thù của môi trường để thu gom triệt để, hiệu quả và thuận lợi”, ông Tài lưu ý./.
Từ khóa: môi trường biển, rác thải đại dương, biển nam trung bộ, thu gom rác
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN