Nợ xấu sẽ vẫn rất áp lực trong năm 2024
Cập nhật: 19/12/2023
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
Đường sắt tốc độ cao – cơ hội cho doanh nghiệp Việt (25/11/2024)
VOV.VN - Nợ xấu cũ chưa được xử lý xong thì có thể có thêm nợ xấu mới khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực, như vậy sẽ gây áp lực rất lớn đến tình trạng tài chính của các NHTM. Chất lượng tài sản của các ngân hàng tạm thời sẽ được kiểm soát cho đến hết năm 2023, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần lưu ý đến vấn đề này nhiều hơn trong năm 2024.
Theo thống kê, hầu hết ngân hàng đều đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng nhanh. Tổng nợ xấu cuối quý III/2023 của các ngân hàng tăng 61% so với cuối quý trước đó, lên 196.755 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số này chưa phản ánh hết thực chất nợ xấu của ngân hàng. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%.
Ông Nguyễn Mạnh Thuật, Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á cho rằng, cần phải giảm áp lực nợ xấu sẽ gia tăng trong thời gian tới cho ngân hàng: “Quan trọng nhất là phải giám sát dòng tiền, sử dụng đúng mục đích. Ngoài việc có tài sản đảm bào cần phải kiểm soát mục đích vay, kiểm soát chuẩn mục đích vay sẽ kiểm soát được an toàn vốn”.
Các ngân hàng cho biết, tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng hiện chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay, thậm chí tỷ lệ này tại một vài nhà băng lên đến 80-90%. Do đó, bất động sản thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mãi nhiều nhất, nhưng việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn vì thị trường bất động sản đóng băng.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) đánh giá, việc thanh lý tài sản trong thời gian vừa qua rất khó khăn, nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản trị giá lớn khó thanh lý.
“Cũng có một số vấn đề trục trặc của một số doanh nghiệp, tập đoàn, họ không chuẩn chỉnh về mặt pháp lý nên mắc lại, không xử lý được những vấn đề đấy, các quy định cũng chặt chẽ hơn, yêu cầu pháp lý cao hơn, do vậy, nguồn vốn bị mắc, nếu giải quyết được vấn đề đó thì sẽ gỡ vướng. Còn vấn đề về thị trường, người mua, ngân hàng sẵn sàng đồng hành với khách hàng, những dự án đã hoàn thiện pháp lý thì ngân hàng đang hỗ trợ cả khách hàng. Mặc dù doanh số bán ra thời điểm này khá thấp nhưng ngân hàng sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp hoàn thành cam kết với người mua nhà trước đó”, ông Nguyễn Hưng cho biết.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng, nhưng không phải là không có những điểm tích cực, nhiều chuyên gia ghi nhận về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong quý III được thể hiện ở dự nợ nhóm 2 ghi nhận giảm 7,7% so với cùng kỳ, trong khi các quý trước tăng liên tục, nợ xấu hình thành tăng chậm hơn so với quý liền trước ở tất cả các nhóm ngân hàng. Hiện, nợ xấu gây áp lực lên nhóm ngân hàng TMCP lớn và vừa vẫn còn do chịu tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và những khó khăn từ phân khúc khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, chất lượng tài sản của các ngân hàng tạm thời sẽ được kiểm soát ở mức hiện tại cho đến hết năm 2023, tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý nợ xấu có thể phình to hơn khi bước sang năm 2024.
“Trích lập dự phòng vẫn tăng, thể hiện dù đã có hỗ trợ nhưng nợ xấu các ngân hàng vẫn gia tăng, điều đó nói lên nền kinh tế đang gặp khó khăn. Các khoản phải thanh toán của trái phiếu doanh nghiệp, khiến nhiều người dự báo nợ xấu sẽ gia tăng đầu năm 2024, sự khó khăn trầm lắm khiến việc bán tài sản gặp khó khăn, doanh nghiệp không có tiền thanh toán trái phiếu, thanh toán các khoản vay ngân hàng. Nếu ngân hàng không xem xét gia hạn thì những khoản nợ này sẽ bị chuyển xuống nhóm nợ xấu hơn”, Tiến sỹ Trần Dục Thức, trường đại học TP.HCM cảnh báo.
Những yếu tố tác động như Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ; Bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều. Như vậy, các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, trích lập đầy đủ, bộ đệm dự phòng vững chắc, ít rủi ro với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Nhóm ngân hàng còn lại sẽ chịu nhiều áp lực và không có dư địa để loại bỏ nợ xấu ra khỏi bảng cân đối…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng nợ xấu sẽ vẫn rất áp lực trong năm 2024: “Năm 2023 là một năm hết sức khó khăn, trong đó hệ thống ngân hàng đối diện với những khó khăn này. Hệ thống ngân hàng đã thực hiện khá tốt những quy định của Chính phủ, ngân hàng Nhà nước như: tạm giãn hoãn, giữ nguyên nhóm nợ… cho doanh nghiệp. Chúng ta thấy nợ xấu đang gia tăng liên tục, tạo tổng thể một khoản nợ xấu khá lớn”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, về hành lang pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật và vẫn dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đối với đề nghị kéo dài thời gian Thông tư 02. Cụ thể, để các ngân hàng có thêm thời gian đối phó xử lý nợ xấu và cũng gỡ khó cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, lãnh đạo các ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn Thông tư 02 dù còn 6 tháng nữa thông tư này mới hết hiệu lực. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, có thể xem xét kéo dài Thông tư 02 thêm tối đa một năm - đến tháng 6/2025, thời điểm thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi.
Từ khóa: nợ xấu, Thông tư 02,cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, xử lý nợ xấu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: bảo ngọc/vov1
Nguồn tin: VOVVN