Nỗ lực ngăn chặn tín dụng đen “vươn vòi” ở miền Trung
Cập nhật: 05/02/2024
Bắt nhóm lừa đảo qua mạng chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng
Bắt Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư, Xây dựng và Thương mại Anh Phát
VOV.VN - Tín dụng đen đã ăn sâu vào đời sống xã hội người dân bấy lâu nay, nhất là mỗi dịp lễ Tết cuối năm, nhu cầu tài chính của người dân tăng cao là cơ hội “béo bở” để tín dụng đen tiếp tục “vươn vòi”. Chỉ khi nào người dân tiếp cận được nguồn vốn từ kênh tài chính chính thống một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất thì họ sẽ không tìm đến tín dụng đen.
“Ma trận” tín dụng đen bủa vây người dân
Lợi dụng thời điểm dịp cuối năm nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi sử dụng nhiều chiêu trò như: Tải app, cho vay tiêu dùng không cần thế chấp, vay nhanh không xác minh người người thân… đánh mạnh vào tâm lý người có nhu cầu. Người vay đều phải trả với lãi suất “cắt cổ”, vay thì dễ nhưng để trả thì có khi phải tán gia bại sản. Những hoạt động này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người vay và những người không có nghĩa vụ trả nợ. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn bị các đối tượng cho vay nợ sử dụng công nghệ, cắt ghép hình ảnh với những nội dung thô tục, nhạy cảm... để đăng lên các trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của người bị đòi nợ.
Những ngày cận Tết Giáp Thìn- 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công an, lực lượng Công an nhiều tỉnh, thành liên tiếp triệt phá nhiều tổ chức hoạt động tín dụng đen, góp phần chấn chỉnh an ninh tài chính tiền tệ, mang lại niềm tin, bình yên cho nhân dân. Vừa qua, ngày 26/11, Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã triệt phá nhóm "tín dụng đen" chuyên cho vay với lãi suất từ 341 -1.000%/ năm. Quá trình đấu tranh, Công an xác định trong khoảng thời gian từ tháng 8/2023 đến tháng 1/2024, nhóm người này đã cho nhiều người trên địa bàn tỉnh vay số tiền hơn 3,7 tỷ đồng với lãi suất từ 341 - 1000%/năm; số tiền thu lợi bất chính tạm tính là 1,35 tỷ đồng.
Trước đó, Công an thành phố Đà Nẵng đang tạm giữ hình sự 27 đối tượng trong đường dây cho vay qua app, thu lãi nặng từ 500 - 1.000%/năm. Theo đó, từ tháng 1/2021 đến ngày 10/1/2024, Wang Yuntao cùng đồng bọn đã tổ chức hơn 2 triệu lượt vay qua app cho hơn 1,3 triệu người với số tiền gần 9.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 2.500 tỷ đồng. Tại tỉnh Quảng Nam, hơn 40 đối tượng người nước ngoài và người Việt Nam trong đường dây hoạt động “cho vay lãi nặng” cũng vừa bị Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố. Từ tháng 12/2020 đến tháng 7/2023, nhóm đối tượng đã cho vay lãi nặng hơn 1 triệu người trên toàn quốc với số tiền hơn 20.000 tỷ đồng. Đây là đường dây tội phạm xuyên quốc gia, cho vay lãi nặng trực tuyến lớn nhất cả nước từ trước đến nay bị triệt phá.
Cũng liên quan đến tín dụng đen, từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Cảnh sát hình sự và Công an các địa phương trên toàn quốc đã phát hiện 1.671 vụ, 2.726 đối tượng liên quan đến tín dụng đen; trong đó, đã khởi tố 1.062 vụ và 1.836 đối tượng. Thực tế cho thấy, tội phạm tín dụng đen ngày càng tinh vi, có tổ chức và hoạt động xuyên biên giới. Các đối tượng lập doanh nghiệp để “núp bóng”, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook... để len lỏi, tiếp cận, mời chào người có nhu cầu vay tiền. Đây cũng là loại tội phạm mà lực lượng Công an các địa phương đang tập trung đánh mạnh để bóc tách dần “ma trận” tín dụng đen, nhưng để tránh sa vào bẫy nợ thì chính người dân phải biết bảo vệ mình.
Nỗ lực ngăn chặn tín dụng đen “vươn vòi”
Không thể phủ nhận hệ thống tín dụng phát triển nhanh và mạnh trong những năm qua đã tạo động lực cho nền kinh tế đất nước phát triển ổn định và bền vững, góp phần hình thành hệ thống tín dụng đủ mạnh và uy tín của nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, do quy trình cho vay và thủ tục của các tổ chức tín dụng chặt chẽ nên nhiều công nhân, người lao động nghèo, buôn bán nhỏ lẻ, học sinh sinh viên... chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” cho "tín dụng đen" phát triển.
Như đã nói ở trên, những ngày cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết, nhu cầu tài chính, tiền mặt của người dân để phục vụ Tết cũng như trả nợ, mua sắm hàng hóa sẽ tăng cao so với các dịp khác trong năm. Trong lúc đó, với điều kiện vay đơn giản thì các tổ chức tín dụng chính thống đòi hỏi những điều kiện nhất định mới có thể được vay tiền, ngân hàng ở nhiều nơi còn rườm rà về thủ tục, người có nhu cầu khó tiếp cận nguồn vay này. Nhiều người vì bức bách buộc phải vay nóng, vay với lãi suất cao từ bên ngoài. Lực lượng Công an đã triệt phá nhiều tổ chức tín dụng đen cho vay qua app, cũng như vay lãi ngoài đời thực. Chính phủ cũng đã ban hành một số Nghị quyết mang tính chất “trị tội” tín dụng đen. Bằng sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng trong thời gian qua đã phần nào hạn chế những chiếc “vòi bạch tuộc” đang tìm cách siết cổ những người lỡ sa vào "ma trận tín dụng đen". Nhưng xem ra việc xử lý các tổ chức, băng nhóm vẫn chưa phải là biện pháp căn cơ nhất để triệt tiêu loại tội phạm này.
Có nhiều người trách người dân thiếu hiểu biết nên chưa thể hình dung được tác động xấu của tín dụng đen ảnh hưởng sâu xa thế nào đối với gia đình họ cũng như trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Còn dưới góc nhìn chuyên gia tài chính thì nhiều quan điểm cho rằng cái khó ở đây là các khoản vay dưới chuẩn, vay nóng trong thời gian ngắn thì không có tổ chức tín dụng chính thống nào đáp ứng và đấy chính là khe hở để tín dụng đen “lách” vào.
Vì thế, để ngăn chặn một cách hiệu quả, mang tính chất từ xa, bên cạnh việc khắc phục những lỗ hổng pháp lý về hoạt động tín dụng đen, thì việc mở rộng các đối tượng và hình thức tín dụng cũng được xem là một giải pháp căn bản để ngăn chặn tệ nạn này. Nói cách khác, tín dụng đen là loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận và nó tồn tại dai dẳng ở mọi quốc gia, chứ không riêng gì Việt Nam. Do đó, cần có chương trình Quốc gia để xử lý tương tự như chương trình xóa đói giảm nghèo… Điều này đòi hỏi có sự phối hợp của tất cả Bộ, Ban, Ngành liên quan. Trong đó, cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của hệ thống ngân hàng vì tất cả các giao dịch cho vay qua app đều thông qua hệ thống ngân hàng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm tín dụng đen, để người dân biết, hiểu, từ đó dần bài trừ. Chỉ khi nào người dân tiếp cận được nguồn vốn từ kênh tài chính chính thống một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất thì họ sẽ không tìm đến tín dụng đen./.
Từ khóa: Tín dụng đen, Đà Nẵng,Tín dụng đen,ngăn chặn, miền Trung
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: ctv sông hàn/vov - miền trung
Nguồn tin: VOVVN