Nợ chung được chia như thế nào khi ly hôn?
Cập nhật: 31/10/2023
Theo Luật Trật tự ATGT mới, đến đoạn rẽ phải bật xi nhan trước bao nhiêu mét?
Khởi tố 13 bị can liên quan đến vụ đốt pháo hoa trên Quốc lộ 1
VOV.VN - Theo luật sư, nghĩa vụ chung về tài sản hay khoản nợ chung của vợ chồng đối với bên thứ ba vẫn còn khi chấm dứt quan hệ hôn nhân, điều này có nghĩa, dù vợ chồng đã ly hôn, thì vợ chồng vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chung, trả nợ chung.
Ly hôn - cụm từ không quá xa lạ trong cuộc sống hiện nay khi các cặp vợ chồng không còn tiếng nói chung, mục đích hôn nhân không đạt được. Vậy khi ly hôn có đơn giản chỉ là đến Cơ quan Nhà nước để giải quyết việc ly hôn hay không, và chỉ có quan hệ hôn nhân hay không hay còn rất nhiều quan hệ khác xoay quanh như: Chia tài sản chung ra sao, ai sẽ được quyền nuôi con, đặc biệt là vấn đề nợ chung sẽ được giải quyết như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Phạm Quang Xá, giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích.
Theo quy định tại Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 “Nợ chung” được hiểu là những khoản nợ mà vợ chồng phải có trách nhiệm liên đới, cùng nhau thực hiện để trả cho bên thứ ba bao gồm: nợ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; nợ do vợ hoặc chồng hoặc cả vợ và chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Khi ly hôn, các bên xác định đó là khoản nợ chung của vợ chồng thì vợ chồng đều có nghĩa vụ trả nợ, được quy định tại Điều 27 và Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Điều 27: Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng
-Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này
-Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này;
Điều 60: Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
-Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
-Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết”.
Theo đó, luật sư Xá phân tích, nghĩa vụ chung về tài sản hay khoản nợ chung của vợ chồng đối với bên thứ ba vẫn còn khi chấm dứt quan hệ hôn nhân, điều này có nghĩa, dù vợ chồng đã ly hôn, thì vợ chồng vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chung, trả nợ chung. Vì vậy, khoản nợ chung có thể được giải quyết bằng một trong hai cách sau:
Thứ nhất, vợ chồng có thể tự thỏa thuận với nhau về khoản nợ để có phương án giải quyết tốt nhất.
Thứ hai, trong trường hợp, vợ chồng không thể thỏa thuận được với nhau về vấn đề phân chia nghĩa vụ trả khoản nợ chung, lúc này, vợ/chồng có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết để quyết định phân chia nghĩa vụ trả nợ cho hai vợ chồng, người cho vay sẽ là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án ly hôn theo quy định cuả pháp luật.
Như vậy, khoản nợ chung trong thời kỳ hôn nhân có thể được hai vợ chồng thỏa thuận để một hoặc cả hai vợ chồng cùng có trách nhiệm trả nợ sau khi ly hôn, hoặc trường hợp yêu cầu Tòa án giải quyết thì đây sẽ là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hai vợ chồng.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Vậy hậu quả pháp lý của việc ly hôn để tránh trách nhiệm trả nợ sẽ như thế nào?
Việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ được xem là hành vi ly hôn giả tạo. Hành vi ly hôn giả tạo này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, cụ thể:
“Phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân”.
Trên thực tế, để xác định được việc ly hôn có phải giả mạo hay không thật sự rất khó. Vì vậy, khi mọi người nắm được thông tin, người vay đang thực hiện thủ tục ly hôn thì bên cho vay cần làm đơn gửi lên Toà án nhân dân đang thụ lý, giải quyết vụ án ly để yêu cầu trả nợ chung theo đúng quy định của pháp luật.
Từ khóa: ly hôn, nợ chung sau khi ly hôn, luật hôn nhân và gia đình
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN