Nick Út: Chừng nào còn chiến tranh thì “Em bé Napalm” còn giá trị
Cập nhật: 29/10/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - “Có người hỏi tại sao 50 năm rồi mà cứ nhắc cái hình đó hoài. Nhưng tôi nghĩ rằng, chiến tranh còn thì bức ảnh “Em bé Napalm” còn giá trị”.
Nick Út, tên thật Huỳnh Công Út, (sinh ngày 29 tháng 3 năm 1951) là người Mỹ gốc Việt. Ông là phóng viên ảnh cho hãng tin Associated Press (AP), người chụp bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh vào năm 1972.
Năm 1973, bức ảnh này đã đoạt giải Pulitzer - giải thưởng danh giá của Mỹ, được xếp thứ 41 trong số 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.
Vào sáng ngày 28/10, NAG Nick Út đã gặp Kim Phúc tại Vĩnh Phúc nhân dịp sự kiện bức ảnh “Em bé Napalm” tròn 50 năm. Đây là lần đầu tiên họ gặp nhau tại Việt Nam kể từ khi bức ảnh được thực hiện.
Nhân dịp này, PV Báo điện tử VOV đã có cuộc phỏng vấn NAG Nick Út về những câu chuyện, chiêm nghiệm về nghề đằng sau bức ảnh lịch sử này.
PV: Là tác giả của tấm ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm” ông suy nghĩ thế nào về sức mạnh của một bức ảnh?
NAG Nick Út: Sức mạnh của một bức ảnh chính là khoảnh khắc.
Trước khi bấm máy, người chụp ảnh phải nhìn xem khung hình ấy có gì để kể. Họ phải nhìn từ cặp mắt của một người phóng viên để tìm câu chuyện, nhìn bằng cặp mắt của một con người để tìm cảm xúc.
Nhưng nếu đó là những khoảnh khắc bình thường thì chẳng có ai để ý cả. Phải kiếm cái gì đó xuất sắc!
Hoặc bất thường. Ví dụ, khi chụp một vụ cháy rừng, người chụp ảnh sẽ tìm kiếm khoảnh khắc lính cứu hỏa vừa bước chân ra khỏi đám cháy hay những giọt nước mắt của những nạn nhân có liên quan. Đó là những thứ cần chụp.
Ảnh báo chí có thế mạnh hơn video ở chỗ những khoảnh khắc tĩnh dễ in sâu vào đầu độc giả.
PV: Vậy đã bao giờ ông bỏ lỡ khoảnh khắc xuất sắc nào chưa?
NAG Nick Út: Trời ơi có chứ! Có một lần tôi chụp ảnh trên chiến trường. Hồi đó chụp máy phim chứ có phải máy số đâu. Chụp được bao nhiêu rồi mới biết cuộn phim nó xổ ra hết. Trời ơi, hận!
Sau này, có lần tôi đi trên một cây cầu ở Mỹ. Hoàng hôn buông xuống, đẹp vô cùng mà lúc ấy tôi không có một máy móc gì để chụp cả. Tiếc lắm chứ! Nên đã là phóng viên ảnh thì máy móc lúc nào cũng phải bên mình!
PV: Đoạt giải Pulitzer vào năm 1973, bức ảnh “Em bé Napalm” là một trong những bức ảnh được nhắc tới nhiều nhất trong lịch sử khi nói về đề tài chiến tranh. Ông có thấy chính bức ảnh này là một cái bóng quá lớn trong sự nghiệp của mình không?
NAG Nick Út: Quá lớn ấy chứ. Tôi đã trả lời phỏng vấn về tấm hình đó 50 năm liền rồi.
PV: Là nghệ sỹ, ai cũng muốn tạo ra những thứ mới. Ông có thấy áp lực về cái bóng đó không?
NAG Nick Út: Có người hỏi tại sao 50 năm rồi mà cứ nhắc cái hình đó hoài. Nhưng tôi nghĩ rằng, chiến tranh còn thì bức ảnh “Em bé Napalm” còn giá trị. Trong chiến tranh Ukraine – Nga, người ta vẫn dùng bức hình đó để đi biểu tình.
PV: Chuyện đó có làm ông buồn?
NAG Nick Út: Không. Tôi không buồn.
Lúc tôi chuẩn bị rời chiến trường để quay trở lại trụ sở của AP ở Sài Gòn thì nhìn thấy mấy đứa nhỏ chạy bơ vơ trên quốc lộ, mà gần như chết tới nơi rồi. Trong số đó có Kim Phúc.
“Giờ có mất việc cũng phải giúp!” – tôi nói với tài xế rồi hai anh em chở mấy đứa nhỏ tới bệnh viện.
Hồi đó, cũng không thể ngờ bức ảnh mình chụp trong khoảnh khắc đó lại có thể đạt được giải Pulitzer.
PV: Như tôi được biết, anh ruột của ông là Huỳnh Thanh Mỹ cũng là một phóng viên chiến trường làm việc cho AP và đã mất trong chiến tranh Việt Nam. Tại sao ông lại lựa chọn tiếp nối chính công việc mà anh trai đã hy sinh?
NAG Nick Út: Tôi làm ở AP cũng là nhờ có anh. Ngày đó đâu có nhiều máy móc như bây giờ. Tôi được học chụp ảnh cũng là chiếc Leica mà anh mang từ hãng AP về.
Khi anh làm phóng viên chiến trường thì tôi cũng đang thực tập ở trong phòng tối của AP rồi cũng hay đi lang thang ở ngoài đường để chụp ảnh.
Một lần, sếp ở AP khen tôi chụp được: “Chỉ thua mỗi ông anh ruột!” Tôi giận quá, bỏ đi chiến trường luôn, lúc đó mới có 16 tuổi.
Mãi về sau ông ấy vẫn đi tìm và hằm hè: “Mày đi chiến trường mà chưa có bảo hiểm, nhỡ mày chết thì đâu có tiền bạc gì đâu”.
Tôi chỉ cười. Ngày ấy mới có 16 tuổi, không có bồ không sợ. Chết là hết thôi. Chứ bây giờ sợ chứ!
PV: Hồi 16 tuổi thì không sợ, nhưng trong suốt những năm sau đó ở chiến trường thì sao ạ? Ông có sợ chiến tranh không?
NAG Nick Út: Sợ chứ! Có những chuyến đi nghĩ mình không bao giờ trở về được nữa.
Có lần máy bay chở đoàn lạc vào cơn mưa đạn, cả đoàn hoảng loạn ôm đầu che đạn. Tôi vẫn nhớ chiếc máy bay đó có số 113, có 13 người. Tôi nói với mấy anh lính: “Không sao đâu, không chết được đâu, tôi hợp số 13”.
Sợ thì có sợ nhưng vẫn đi tiếp, chắc tại tôi mê chụp hình quá. Năm đó, tôi đã đi dọc chiến trường từ Quảng Trị cho tới tận Cà Mau.
PV: Là một phóng viên chiến trường, ông nghĩ thế nào về chiến tranh?
NAG Nick Út: Tôi thấy buồn.
Khi Việt Nam xảy ra chiến tranh, mỗi ngày tôi gặp hàng trăm người chết. Dù ở bên nào thì họ cũng đều là đồng bào của mình. Lúc đó, tôi thực sự muốn chụp một bức ảnh để thay đổi chiến tranh.
Ý nguyện này cũng bắt đầu từ anh trai tôi. Khi còn là phóng viên trên chiến trường, mỗi lần chụp ảnh anh đều đưa cho vợ xem. Đôi lần anh khóc: “Nhiều người chết quá đi”. Anh ấy luôn muốn một ngày nào đó sẽ tạo ra một bức hình có thể chấm dứt chiến tranh.
Từ ngày anh mất trên chiến trường, trong tai tôi lúc nào cũng nghe thấy ước nguyện đó.
Cái ngày mà tôi chụp bức ảnh Kim Phúc, lúc rửa ảnh tôi mới biết tấm phim đó có số 7. “Bảy” là tên gọi ở nhà của anh.
Chỉ sau vài ngày khi bức ảnh “Em bé Napalm” được công bố vào năm 1972, Sài Gòn xuống đường biểu tình yêu cầu chấm dứt chiến tranh. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải rời khỏi Việt Nam.
Tất cả cũng đều là định mệnh.
PV: Theo ông, điều gì tạo ra bản lĩnh cho một phóng viên chiến trường? Phóng viên chiến trường xưa và nay có gì giống và khác nhau?
NAG Nick Út: Phóng viên chiến trường ngày nay khó hơn ngày xưa.
Ngày xưa số lượng phóng viên chiến trường ít hơn bây giờ. Điều kiện tác nghiệp cũng dễ thở hơn, ít kiểm duyệt hơn.
Để trở thành một phóng viên chiến trường bạn phải can đảm nhiều! Phải khỏe mạnh nữa! Khỏe mạnh để mang vác balo, máy móc.
Ngày nay các bạn chỉ cầm vài cái thẻ là được, ngày xưa lúc nào tôi cũng phải cầm tới 80 cuộn phim với…2 bi đông nước (tác nghiệp trong chiến tranh mà, làm gì có thức ăn hay nước uống dọc đường).
Máy móc với một phóng viên chiến trường rất quan trọng. Trong đó, một ống rộng, một ống tele là thứ không thể thiếu. Tele cũng phải là loại 600 và 400.
Quan trọng nhất, làm phóng viên ảnh là không bao giờ biết mệt.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này./.
Từ khóa: Nhiếp ảnh gia Nick Út, Bức ảnh Em bé napalm, Nguyễn Thị Kim Phúc, 50 năm bức ảnh em bé napalm
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN