Nhượng quyền cho Nhà nước giống lúa thơm ST25 là chưa có tiền lệ

Cập nhật: 08/05/2021

VOV.VN - Nhóm tác giả muốn bán lại bản quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước là việc làm chưa có tiền lệ, nếu nhóm tác giải có nguyện vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phương án và trình Chính phủ.

Liên quan đến việc "cha đẻ" gạo Việt Nam ngon nhất thế giới năm 2019 - ông Hồ Quang Cua muốn nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu phương án và trình Chính phủ xem xét vấn đề này nếu đây là mong muốn của tác giả Hồ Quang Cua.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa nhận được văn bản nào từ phía nhóm tác giả nghiên cứu, lai tạo ra giống lúa ST24, ST25 mà cụ thể là ông Hồ Quang Cua và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, vào các năm 2018 và 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định về bảo hộ giá trị quyền sở hữu 2 giống lúa này cho nhóm tác giả trong vòng 20 năm. Nguyện vọng nhóm tác giả muốn bán lại bản quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước là việc làm chưa có tiền lệ, nhưng nếu thực sự có việc đó Bộ sẽ giải trình với Chính phủ về việc này để tìm ra giải pháp bảo vệ cũng như nâng cao giá trị của gạo ST25 đã được công nhận là gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019.

gao-st25-1.jpg

“Để giải quyết vấn đề này phải có tờ trình Chính phủ. Mong muốn của ông Hồ Quang Cua là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng, tức là Nhà nước sử dụng qua đó để nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các đơn vị có thể sử dụng bản quyền này thúc đẩy sản xuất gạo ST24 và ST25 trên diện tích rộng hơn và sản lượng lớn hơn phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Liên quan đến căn cứ pháp lý bảo đảm về quyền lợi của nhóm tác giả sau khi nhượng quyền cho Nhà nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm rõ thêm, trong Luật Khoa học Công nghệ năm 2013 và Luật Chuyển giao công nghệ đã quy định rất rõ về trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi của tác giả kèm theo đó là các văn bản hướng dẫn dưới Luật.

“Về giá sẽ có căn cứ pháp lý để định giá ví dụ như trong Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn. Ví dụ như tác giả dược bao nhiêu %, như Luật Khoa học công nghệ đó tối thiểu không dưới 30%, Luật Chuyển giao công nghệ thì có ủy quyền và phải căn cứ vào nguồn kinh phí để triển khai Đề tài. Nếu là của Nhà nước là vấn đề khác, còn nếu của tư nhân vấn đề này sẽ được bàn bạc với nhóm các tác giả khi mà có văn bản đề nghị của ông Hồ Quang Cua với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Trước đó, gạo ST25 bị doanh nghiệp tại Mỹ và Australia đăng ký bảo hộ thương hiệu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ ông Hồ Quang Cua và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí bảo hộ quyền sở hữu tại các thị trường này. Cho đến nay, Tập đoàn PAN và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã đạt được thỏa thuận hợp tác về việc ủy quyền đại diện làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 tại các thị trường quốc tế trọng điểm về xuất khẩu gạo.

Theo đó, Tập đoàn này nhận ủy quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với giống cây trồng “ST24”, “ST25” tại các thị trường nước ngoài, đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa liên quan. Đồng thời thực hiện các hành động ngăn chặn, bảo vệ phù hợp đối với các tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu./.

Từ khóa: gạo ngon nhất thế giới, gạo ST25, bảo hộ thương hiệu, nhượng quyền cho Nhà nước, Hồ Quang Cua

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập