Những vũ khí quan trọng phương Tây hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga
Cập nhật: 23/07/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Dưới đây là những vũ khí quan trọng phương Tây đã cung cấp hoặc cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Ukraine nhận định hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự của phương Tây có ý nghĩa rất quan trọng cho những nỗ lực của Kiev để ngăn chặn các cuộc tiến công của Nga nhưng theo các quan chức nước này, số lượng đó vẫn quá nhỏ để đảo chiều cuộc chiến.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow sẽ mở rộng các mục tiêu quân sự ra ngoài khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine.
“Hiện nay, khu vực địa lý đã thay đổi. Nó không chỉ bao gồm các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng ở khu vực Donbass mà còn ở khu vực Kherson, Zaporizhzhia cũng như một số vùng lãnh thổ khác và quá trình này sẽ tiếp diễn một cách ổn định và lâu dài", ông Lavrov tuyên bố.
Dưới đây là những sự hỗ trợ quân sự mà Ukraine nhận được từ phương Tây cho tới nay:
Hệ thống pháo phản lực HIMARS
Hệ thống pháo phản lực HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine và hệ thống tên lửa phóng loạt tầm xa (MLRS) M270 từ Anh được cho là đã tăng cường đáng kể khả năng tấn công chính xác của quân đội Ukraine.
HIMARS và M270 có tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn so với những hệ thống tên lửa phóng loạt thời Liên Xô như Smerch, Uragan và Tornado, hiện được cả Nga và Ukraine sử dụng.
HIMARS đặt trên xe tải phóng các tên lửa dẫn đường bằng hệ thống GPS có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 80km - một khoảng cách đủ để chúng nằm ngoài tầm bắn của hầu hết các hệ thống pháo của Nga. Hệ thống pháo phản lực với bệ phóng di động này cũng khiến cho kẻ thù khó có thể phát hiện và nhanh chóng thay đổi vị trí sau khi tấn công để thoát khỏi các cuộc không kích.
Cho tới nay, quân đội Ukraine nhận được 12 hệ thống HIMARS và một số hệ thống M270. Ukraine cho biết nước này đã sử dụng chúng để nhắm trúng các kho đạn dược và kho nhiên liệu của Nga ở phía Đông Ukraine, những cơ sở vật chất quan trọng hỗ trợ cho cuộc tấn công của Nga. Ngày 20/7, lực lượng Ukraine được cho là đã sử dụng HIMARS để tấn công một cây cầu chiến lược ở khu vực Kherson thuộc phía Nam Ukraine hiện do Nga kiểm soát.
"HIMARS hầu như hoạt động không ngừng nghỉ dù ngày hay đêm. Tiềm năng của nó đã được tận dụng tối đa. Những kết quả cũng vô cùng ấn tượng. Hơn 30 mục tiêu quan trọng của Nga đã bị tấn công trong 2 tuần qua".
Cho tới nay, Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa có tầm bắn lên tới 300km để sử dụng cho HIMARS bởi chúng sẽ cho phép quân đội Ukraine tấn công vào sâu trong lãnh thổ của Nga.
Pháo hạng nặng
Ukraine đã nhận được hơn 200 hệ thống pháo hạng nặng từ Mỹ và NATO, trong đó có M777 của Mỹ, CEASAR của Pháp, PzH 2000 của Đức và một số hệ thống pháo tự hành tầm xa khác.
Các lựu pháo của phương Tây có nhiều ưu thế hơn so với các hệ thống thời Liên Xô trong kho vũ khí của Nga và Ukraine nhưng binh lính Ukraine cần có thời gian để học cách sử dụng chúng. Sự khác biệt của các loại vũ khí cũng tạo ra những thách thức hậu cần cho Ukraine.
"Ukraine đã được cung cấp một số lượng lớn hệ thống vũ khí rất đa dạng", ông Michael Kofman, chuyên gia về quân sự Nga và là giám đốc tại think tank CNA có trụ sở tại Virginia cho hay, đồng thời đánh giá với kho vũ khí đa dạng này, sẽ rất khó để bảo trì và sắp xếp các công việc hậu cần.
Một vấn đề nghiêm trọng hơn theo Ukraine là số lượng vũ khí của phương Tây vẫn quá ít. Cố vấn của Tổng thống Ukraine - ông Mykhailo Podolyak cho biết vào tháng trước rằng nước này cần ít nhất 1.000 lựu pháo hạng nặng, 300 hệ thống tên lửa phóng loạt, 500 xe tăng và 2.000 phương tiện bọc thép - những con số lớn hơn nhiều so với số lượng mà phương Tây cung cấp.
"Các vũ khí phương Tây ưu việt hơn các hệ thống thời Liên Xô nhưng số lượng vẫn quá nhỏ để đảo chiều cuộc chiến", ông Zhdanov đánh giá.
Xe bọc thép
Ukraine đã yêu cầu phương Tây cung cấp nhiều xe bọc thép hơn để bù đắp những tổn thất nặng nề trên chiến trường. Quốc gia này đã nhận được hơn 300 xe tăng T-72 thời Liên Xô từ Ba Lan và Cộng hòa Séc và đã sử dụng chúng trên chiến trường.
Các xe tăng Leopard mà Đức cam kết hỗ trợ cho Ukraine từ lâu nhưng đến nay việc chuyển giao vẫn bị trì hoãn đã vấp phải những chỉ trích từ truyền thông Ukraine.
Ukraine cũng đã tiếp nhận hàng trăm xe bọc thép chở quân từ Mỹ và một số nước NATO song số lượng này vẫn chưa đủ để bù đắp tổn thất trên chiến trường.
Các nước phương Tây còn cung cấp cho Ukraine số lượng lớn vũ khí chống tăng vác vai và chúng được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ binh lính Ukraine tiêu diệt các đoàn xe bọc thép của Nga.
UAV
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Ukraine đã sử dụng rộng rãi UAV ném bom có laser dẫn đường Bayraktar TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để tấn công các đoàn xe quân sự và tuyến hậu cần của Nga. Tuy nhiên, Bayraktar TB-2 đã ít hiệu quả hơn trước hệ thống phòng không điện tử dày đặc của Nga ở chiến trường phía Đông Ukraine.
Kể từ khi cuộc chiến nổ ra, Mỹ và phương Tây đã vận chuyển hàng trăm UAV cho Ukraine, trong đó có UAV "thần phong" (kamikaze) Switchblade 600 có thể mang đầu đạn xuyên thủng xe tăng và sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi mục tiêu. Tuy nhiên, tầm hoạt động của chúng khá hạn chế và chỉ có thể bay khoảng 40 phút.
Ukraine đã kêu gọi phương Tây tăng cường cung cấp nhiều UAV tầm xa tiên tiến hơn nữa, với khả năng thoát khỏi nhiễu điện từ và nhiễu GPS cũng như dựa vào liên lạc qua vệ tinh để kiểm soát và điều hướng.
Hệ thống phòng không
Mỹ và các nước NATO đã cung cấp cho Ukraine hơn 2.000 hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) như Stinger và một số vũ khí tương tự.
Những hệ thống này đã phát huy hiệu quả trong việc đối phó với trực thăng và các chiến đấu cơ bay tầm thấp. Ukraine cho biết quân đội nước này đã sử dụng chúng để gây ra tổn thất đáng kể cho không quân Nga, hạn chế khả năng quân đội Nga hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất và giúp làm chậm đà tiến công của Moscow.
Trong khi đó, Ukraine cũng được phương Tây cung cấp cho các hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung có thể bắn hạ các tên lửa hành trình và tiêm kích ở độ cao lớn. Ukraine đã nhận được một số hệ thống phòng không S-300 thời Liên Xô từ Slovakia - loại vũ khí mà quân đội Ukraine từng vận hành trong một thời gian dài. Mỹ cũng cam kết cung cấp cho Ukraine 2 hệ thống phòng không tầm trung NASAMS. Đức đã cam kết cung cấp cho Ukraine 30 pháo tự hành Gepard nhưng chúng vẫn chưa được vận chuyển đến.
Máy bay chiến đấu
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2, Kiev đã hối thúc phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu để thách thức ưu thế trên không của Nga.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh vẫn do dự cung cấp các tiêm kích như Ukraine yêu cầu do lo ngại động thái này có thể khiến căng thẳng với Nga leo thang khi Moscow từng cảnh báo, việc NATO cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine có thể được coi như trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.
Hồi tháng 3, Lầu Năm Góc đã bác bỏ đề xuất của Ba Lan về việc chuyển giao các tiêm kích MiG-29 thời Liên Xô cho Ukraine bằng cách vận chuyển chúng qua một căn cứ của Mỹ ở Đức khi cho rằng việc này có nguy cơ cao dẫn đến leo thang căng thẳng Nga - NATO. Ukraine cũng có phi đội MiG-29 của mình nhưng hiện chưa rõ liệu những tiêm kích này có còn hoạt động hay không.
Đầu tháng này, Slovakia thông báo ý định cung cấp MiG-29 cho Ukraine khi nước này chờ Mỹ chuyển giao tiêm kích F-16 nhưng cho tới nay, động thái trên vẫn chưa được thực hiện./.
Từ khóa: vũ khí quan trọng phương Tây hỗ trợ cho Ukraine, cuộc chiến với Nga, pháo hạng nặng, xe bọc thép thời Liên Xô, hệ thống pháo phản lực HIMARS, uy lực vũ khí phương Tây, sức mạnh vũ khí Nga, chuyển giao vũ khí cho Ukraine, tổn thất trên chiến trường
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN