Những vấn đề đặt ra khi Australia tiến tới cấm trẻ em sử dụng mạng xã hội
Cập nhật: 23/09/2024
Lệnh ngừng bắn ở Lebanon -“tia hy vọng đầu tiên” trong cuộc xung đột Trung Đông? (28/11/2024)
Indonesia lý giải nguyên nhân và chiến lược thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (28/11/2024)
VOV.VN - Hôm 10/9 vừa qua, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã khẳng định nước này sẽ thông qua và áp dụng một dự luật cấm trẻ em sử dụng mạng xã hội trong năm 2024. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến tuyên bố này của ông Albanese.
Trong những năm gần đây, cơ quan chức năng và nhiều tổ chức tại Australia, trong đó có các trường đại học đã tiến hành nhiều nghiên cứu về việc trẻ em sử dụng mạng xã hội. Kết quả một nghiên cứu công bố năm 2021 cho thấy, 97% trẻ em trong độ tuổi từ 14 đến 17 tuổi sử dụng mạng xã hội trong đó trung bình mỗi ngày sử dụng hơn 3 tiếng.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu khác do Ủy ban an ninh mạng công bố vào năm 2020 cho thấy, trẻ vị thành niên tại Australia trung bình dành 14,4 tiếng/tuần cho mạng xã hội. Trong đó, các mạng xã hội được các thanh niên của Australia ưa chuộng là YouTube, Instagram, Facebook…đáng lưu ý, tỷ lệ trẻ vị thành niên tại Australia sử dụng TikTok tăng mạnh nhất với 12% người sử dụng vào năm 2017 và lên đến 38% người sử dụng chỉ 3 năm sau đó.
Theo báo cáo, trẻ vị thành niên tại Australia sử dụng mạng xã hội để nghiên cứu về các chủ đề quan tâm, để xem video, để chat với bạn bè hoặc nghe nhạc và chơi games với bạn bè, để mua bán hay đọc tin tức.
Đáng lo ngại là các nghiên cứu cho thấy, việc tiếp cận các mạng xã hội đang gây ra những tác động tiêu cực đối với trẻ vị thành niên khi các em bị các đối tượng lạ tiếp cận hoặc nhận được những tài liệu không phù hợp trong khi thông tin của các em, bao gồm cả hình ảnh, bị các mạng xã hội thu thập.
Không chỉ có những trải nghiệm tiêu cực, việc sử dụng mạng xã hội còn đưa các em tiếp cận với những thói quen độc hại như hút thuốc lá, uống rượu, say xỉn hay sử dụng chất cấm. Và nghiên cứu cho thấy, việc tiếp cận các thông tin độc hại này có thể có ảnh hưởng lâu dài tới các em.
Các nghiên cứu cũng cho thấy mạng xã hội là một phương tiện khiến cho tình trạng bắt nạn trẻ em trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn khi nó dễ dàng được lan truyền và gây ra những tác động lớn.
Nghiên cứu cũng cho thấy, sử dụng mạng xã hội cũng liên quan đến các hành vi gây hấn, quấy rối trực tuyến, ngủ kém và kết quả học tập kém hơn. Đồng thời những thông tin không được kiểm chứng hoặc thiên lệch trên mạng xã hội có thể sẽ tác động tiêu cực đến cách suy nghĩ, nhìn nhận của các em.
Trẻ em và trẻ vị thành niên tại Australia yêu thích mạng xã hội vì cho rằng đây là công cụ giúp các em kết nối với bạn bè và thu thập thông tin mà các em quan tâm. Bên cạnh đó, tại trường học, giáo viên cũng giới thiệu với các em một số các trang web, hay các đoạn video ngắn mang tính chất giáo dục trên YouTube vì thế đây cũng được coi là 1 kênh để thu nạp kiến thức. Tiến sỹ Samantha Schulz thuộc trường Đại học Adelaide cho biết, mạng xã hội là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống của những người trẻ tuổi vì vậy việc ngăn cản họ tiếp cận với mạng xã hội là không nên. Vấn đề là gia đình và nhà trường cần giáo dục trẻ em nhận biết được đâu là những hành vi phù hợp và đâu là những điều nên tránh để không bị trở thành nạn nhân, không bị khai thác hoặc không bị mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy vậy, việc dùng nhiều thời gian vào mạng xã hội và tiếp cận các thông tin độc hại cũng như việc bị khai thác thông tin…đang làm cho mạng xã hội trở thành nền tảng gây nhiều tác động không tốt đối với trẻ em tại Australia như tôi vừa đề cập. Chính vì vậy mà đa số cha mẹ và các cơ quan chức năng tại Australia vẫn ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em ở nước này. Giáo sư Uri Gal thuộc trường Đại học Sydney cho biết, việc giới hạn trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội là để bảo vệ sức khỏe tâm thần của các em, đặc biệt là những em gái.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, mạng xã hội đang gây ra những tác động tiêu cực, làm trẻ em nước này rời xa bạn bè và giảm các trải nghiệm thực tế. Chính vì vậy, chính phủ nước này đang lên kế hoạch đặt giới hạn độ tuổi trẻ em được sử dụng mạng xã hội để bảo vệ sự an toàn về thể chất và tinh thần của các em.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng của Australia đang xây dựng cơ sở pháp lý để thắt chặt hơn việc kiểm soát sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em và trẻ vị thành niên trong đó tập trung vào 3 vấn đề: thứ nhất là giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội và yêu cầu các nền tảng xã hội phải đưa ra các biện pháp để thực hiện quy định này; thứ hai là yêu cầu các nền tảng bảo vệ quyền riêng tư của các trẻ em và thứ ba là yêu cầu các nền tảng xã hội bảo vệ trẻ em trước những thông tin độc hại trên nền tảng của mình như các quảng báo về cờ bạc, rượu hay việc bảo vệ trẻ em trước các vụ lạm dụng tình dục trên mạng.
Mặc dù hiện nay các nỗ lực này đang nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sỹ trong Quốc hội song việc xây dựng các quy định để đạt được các mục tiêu này không hề đơn giản bởi vì tốc độ phát triển nhanh của công nghệ khiến cho các quy định thường không bắt kịp mà thay vào đó là đi sau và nhiều khi lạc hậu hơn so với công nghệ. Trong bối cảnh này việc làm sao để có thể xây dựng quy định pháp luật có tính bao trùm và không bị lạc hậu là vấn đề không nhỏ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng bị hạn chế về nguồn lực và công nghệ nên việc làm thế nào để kiểm soát các nền tảng xã hội thực thi các quy định cũng là một vấn đề lớn.
Thứ ba là việc làm sao để các công ty công nghệ tự nguyện hợp tác luôn là thách thức lớn bởi với nếu không có sự tự nguyện, với các công nghệ tiên tiến, các nền tảng công nghệ có thể tìm mọi cách để lách luật và cuối cùng là trẻ em Australia vẫn là đối tượng bị nhiều tác động tiêu cực trong quá trình sử dụng mạng xã hội.
Từ khóa: Australia, trẻ em, mạng xã hội
Thể loại: Thế giới
Tác giả: việt nga/vov-australia
Nguồn tin: VOVVN