Những trường hợp hy hữu “đánh mất” vũ khí nguyên tử Mỹ và Liên Xô
Cập nhật: 09/11/2020
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
UAV cáp quang Nga bay thẳng vào lòng thiết giáp Ukraine từ phía sau
VOV.VN - “Mũi tên gãy” ("Broken Arrow") - thuật ngữ đặc biệt Quân đội Mỹ ám chỉ các vụ tai nạn vũ khí hạt nhân, bao gồm do vô tình phóng, bắn, phát nổ, trộm cắp hoặc mất vũ khí. Đáng nói, nhiều vụ mất vũ khí hạt nhân xảy ra một cách lãng xẹt.
Người Mỹ "gian lận"
Sự cố đầu tiên được biết đến với bom hạt nhân xảy ra vào tháng 2/1950, khi trong một cuộc diễn tập tấn công hạt nhân tổng lực nhằm vào Liên Xô diễn ra ở San Francisco, một máy bay ném bom B-36 cất cánh từ căn cứ quân sự Mỹ Eilsen (Alaska) mang một quả bom nguyên tử Mark IV, có kích thước tương đương quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945. Plutonium được rút khỏi ruột bom vì lý do an toàn, nhưng uranium và 2.300kg chất nổ vẫn còn trong quả bom.
Cách bờ biển Canada không xa, máy bay bắt đầu bị đóng băng, ba trong số năm động cơ bị hỏng, và kíp bay buộc phải thả quả bom xuống đại dương. Được biết, chất nổ đã phát nổ khi quả bom chạm mặt nước, những người chứng kiến trên bờ nhìn thấy một tia sáng lóe lên, nhưng không quan sát thấy sự ô nhiễm của vùng biển ngoài khơi bờ biển Canada. Trong nhiều thập kỷ, không ít người hoài nghi liệu quả bom có thực sự được kích nổ trên mặt đại dương hay nó bị mất tích ở đâu đó trong khu vực hẻo lánh của Canada.
Sự cố tiếp theo nghiêm trọng hơn - Mỹ mất hai quả bom hạt nhân được chuyên chở trên một chiếc máy bay quân sự B-47, mà theo các báo cáo chính thức, vào tháng 3/1956 "đã biến mất ngoài khơi bờ biển Algeria”. Kể từ đó, không có tin tức gì về các vũ khí hoặc máy bay đó.
Vào mùa hè nóng bức năm 1957, hai quả bom nguyên tử được thả xuống đại dương từ một máy bay vận tải C-124 gặp nạn cách thành phố Mỹ Atlantic 100 dặm. Tệ hơn, trên máy bay có thêm một quả bom và ngòi nổ quả thứ tư. Sau khi trút bỏ "của nợ" nguy hiểm, phi hành đoàn đã xoay sở đối phó với tình huống và hạ cánh một cách an toàn.
Đầu năm 1958, xảy ra sự cố trên bầu trời thành phố Savannah (Georgia, Mỹ). Máy bay cường kích F-86 đã vô tình bắn trúng một chiếc máy bay B-47 hạng nặng đang mang một quả bom nhiệt hạch có công suất 1,7 megaton - gấp khoảng 80 lần quả bom hạt nhân được ném xuống Hiroshima. Chiếc máy bay ném bom bị hư hại đã phải "thả" quả bom xuống Đại Tây Dương, nơi hiện nó vẫn yên vị.
Mùa đông năm 1961, hệ thống nhiên liệu của chiếc B-62 của Mỹ đang mang quả quả bom hạt nhân đã gặp sự cố. Cách biển rất xa vì vậy các phi công đã được phép thả chúng xuống vùng sa mạc ở Bắc Carolina. Một quả đã được tìm thấy dễ dàng nhờ chiếc dù đã mở. Nó may mắn không phát nổ do một trong số bảy cầu chì bị đứt. Quả thứ hai được cho là chui xuống đâu đó trong đầm lầy và đến bây giờ, vẫn không tìm thấy.
Tháng 12/1965, trên boong tàu sân bay Mỹ, một máy bay A-4 Skyhawk rơi xuống nước và chìm ngoài khơi Okinawa. Trên máy bay có một quả bom công suất một megaton. Được biết, chiếc máy bay vẫn nằm ở độ sâu 5km.
Một thảm họa nghiêm trọng đã xảy ra vào tháng 1/1966 trên lãnh thổ Tây Ban Nha, khi trên bầu trời thị trấn nhỏ Palomares, một máy bay ném bom hạng nặng B-52G của Mỹ đã đụng phải một máy bay tiếp dầu KS-135. Kết quả là máy bay ném bom đã phải thả bốn quả bom hạt nhân, ba quả rơi xuống đất liền, một quả xuống biển. Hai quả bom rơi gần một ngôi làng phát nổ, một vùng đã bị nhiễm plutonium.
Mùa đông năm 1968, một thảm họa lớn khác xảy ra tại căn cứ của Mỹ ở Thule (Greenland, Đan Mạch) - một máy bay ném bom hạng nặng B-52G của Mỹ bất ngờ lao lên trên không trước khi rơi xuống Vịnh Sao Bắc Cực. Chiếc B-52 xuyên thủng lớp băng dày và chìm xuống nước cùng bốn quả bom nhiệt hạch B28FI bên trong.
Người Mỹ đã phải thực hiện một chiến dịch khử nhiễm plutonium, uranium, tritium và americium được tìm thấy tại địa điểm máy bay rơi và loại bỏ lớp băng bị nhiễm phóng xạ. Ước tính khoảng 7,5 kg plutonium đã nằm rải rác trên băng. Vào mùa hè, các phương tiện lặn biển sâu Star III đã được huy động để tìm kiếm bom, nhưng cuộc tìm kiếm đã không thành công, tất cả vũ khí hạt nhân vẫn ở dưới đáy vịnh, không bao giờ được tìm thấy.
Những vụ việc này đã gây ra các vụ bê bối ngoại giao, sau đó Mỹ buộc phải ngừng bay máy bay vũ trang hạt nhân qua và gần châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ra quy định máy bay Mỹ sẽ không cất cánh với vũ khí hạt nhân trên boong trừ khi xảy ra khủng hoảng.
Tháng 5/1968, tàu ngầm Scorpion của Mỹ, được trang bị hai tên lửa đạn đạo công suất 250 kiloton, bị chìm ở Bắc Đại Tây Dương cùng thủy thủ đoàn 99 người. Tàu đã được tìm thấy, nhưng vẫn ở độ sâu 3.000 mét gần đảo Azores.
Liên Xô cũng không “kém cạnh”
Mùa xuân năm 1968, gần đảo san hô Midway ở Thái Bình Dương, do va chạm với tàu ngầm Mỹ, tàu ngầm K-129 của Liên Xô bị chìm, trên tàu có ba tên lửa hạt nhân R-21 và một số ngư lôi hạt nhân; thủy thủ đoàn đã thiệt mạng. Người Mỹ đã cố gắng trục vớt tên lửa, nhưng không thành công - tên lửa vẫn đang nằm ở dưới đáy biển.
Mùa xuân năm 1970, do hỏa hoạn, tàu ngầm hạt nhân K-9 của Liên Xô bị chìm, mang theo sáu quả ngư lôi hạt nhân ở Vịnh Biscay. Trường hợp bi thương này đã được thể hiện qua một bộ phim và được viết rất nhiều trên báo chí. Theo một số báo cáo, năm 1976, ngoài khơi bờ biển Sakhalin, một chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-95, mang theo hai quả bom nguyên tử, đã rơi xuống đại dương.
Ngày 3/10/1986, cách Bermuda 480 dặm về phía đông, tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân Liên Xô K-219 "Yankee I" bị một vụ nổ và hỏa hoạn tại một trong những ống tên lửa của nó, kéo theo hai lò phản ứng hạt nhân và khoảng 16 (có tài liệu viết 34) vũ khí hạt nhân với tổng công suất 9.600 kiloton chìm xuống đáy Đại Tây Dương.
Ngày 7/4/1989, tàu ngầm tấn công hạt nhân Liên Xô K-278 "Komsomolets", bốc cháy và bị chìm cách bờ biển Na Uy khoảng 300 dặm về phía bắc. Hai lò phản ứng hạt nhân và hai ngư lôi trang bị đầu đạn hạt nhân đã bị mất cùng với 42 trong số 69 thành viên thủy thủ đoàn; con tàu vẫn nằm ở độ sâu 1.858m.
Mỹ thừa nhận có 32 mũi tên bị gãy trên toàn thế giới, trong đó 6 vũ khí hạt nhân bị mất và không bao giờ được thu hồi, trong khi thống kê của Nga cho thấy, các quốc gia có vũ khí hạt nhân đã để “mất” không dưới 92 đơn vị vũ khí hạt nhân./.
Từ khóa: Những trường hợp hy hữu “đánh mất” vũ khí nguyên tử Mỹ và Liên Xô, “Mũi tên gãy”, bom nguyên tử Mark IV, bom nhiệt hạch B28FI, bom hạt nhân M-39, K-219 "Yankee I", tàu ngầm K-129, tàu ngầm hạt nhân K-9, K-278 "Komsomolets"
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN