Những tiết lộ quan trọng nhất của Edward Snowden
Cập nhật: 25/09/2019
Vì sao ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ 2024, chiến thắng áp đảo bà Harris?
7 bang chiến trường bỏ phiếu như thế nào trong các cuộc bầu cử trước đây?
VOV.VN - Tháng 6/2013, Edward Snowden tiết lộ thông tin mật về chương trình do thám toàn cầu do tình báo Mỹ và Anh thực hiện, khiến cả thế giới chấn động.
Vụ tiết lộ thông tin mật hồi tháng 6/2013 về chương trình do thám toàn cầu do các cơ quan tình báo Mỹ và Anh thực hiện đã khiến Edward Snowden phải rời khỏi nước Mỹ.
Edward Snowden hiện đang sống ở Nga theo quy chế tị nạn tạm thời. Ảnh: TASS |
5 năm trước, ngày 1/8/2013, cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden được cấp quy chế tị nạn tạm thời ở Nga.
Edward Snowden
Edward Snowden, 35 tuổi, là một chuyên gia về an ninh máy tính. Giai đoạn 2005-2008, Snowden làm việc tại trung tâm nghiên cứu bậc cao về ngôn ngữ thuộc Đại học Maryland do NSA bảo trợ và làm việc tại bộ phận liên lạc toàn cầu tại trụ sở Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Langley, Virginia.
Năm 2007, Snowden được triển khai với vỏ bọc ngoại giao trong phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ. Năm 2009, Snowden thôi việc tại CIA và làm việc cho công ty Dell. Công ty này đã gửi Snowden tới Hawaii làm việc cho văn phòng chia sẻ thông tin của NSA. Snowden là người đặc trách công ty tư vấn Booz Allen Hamilton.
Những tiết lộ đầu tiên
Tháng 6/2013, Snowden rò rỉ các tài liệu mật cho các nhà báo Glenn Greenwald và Laura Poitras, theo đó tiết lộ chương trình do thám toàn cầu mà các cơ quan tình báo Mỹ và Anh điều hành. Thời điểm đó, Snowden giải thích về hành động của mình rằng: anh ta muốn nói cho thế giới biết sự thật. Đối với Snowden, chương trình do thám quy mô lớn đối với những công dân vô tội là điều không thể chấp nhận được và công chúng cần phải biết về nó.
The Guardian and The Washington Post đã đăng tải những tài liệu đầu tiên liên quan đến chương trình giám sát người dùng Internet của các cơ quan tình báo Mỹ vào ngày 6/6/2013. Theo các tài liệu này, các công ty viễn thông lớn, trong đó có Verizon, AT&T and Sprint Nextel, đã giao các bản ghi âm cuộc gọi của khách hàng cho NSA và Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Hai cơ quan này cũng được tiếp cận trực tiếp tới servers của Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, Skype, YouTube, Paltalk, AOL và Apple.
Ngoài ra, những tài liệu mà Snowden tiết lộ cũng nói về một chương trình bí mật có tên PRISM, nhằm thu thập các bản ghi âm, video, hình ảnh, email và thông tin về kết nối của người dùng tới rất nhiều trang web.
Quân đội Mỹ đối mặt với nguy hiểm do những tiết lộ của Snowden
Do thám các nhà lãnh đạo thế giới
Phần tiếp theo của vụ rò rỉ tài liệu mật gây chấn động thế giới, được các tờ báo hàng đầu như The Guardian, O Globo của Brazil, L’Espresso của Italy, Der Spiegel và Suddeutsche Zeitung của Đức đăng tải liên quan đến chương trình do thám của Mỹ đối với các chính trị gia.
Đặc biệt, vụ tiết lộ thông tin mật của Snowden trở nên “nổi tiếng” khi nó cho thấy, NSA và Sở chỉ huy thông tin của chính phủ Anh (GCHQ) đã chặn các cuộc điện thoại mà các chính trị gia và quan chức nước ngoài thực hiện trong thời gian dự hội nghị G20 ở London năm 2009. Các cơ quan tình báo Anh đặc biệt đã cố chặn các cuộc điện thoại của Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev. Tình báo Mỹ giám sát các cuộc điện thoại của 35 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo các thông tin được tiết lộ, NSA cũng thường xuyên thu thập thông tin tình báo từ văn phòng của Liên minh châu Âu (EU) tại New York và Washington. NSA cũng cố tiếp cận các cuộc họp video nội bộ của Liên Hợp Quốc và coi trụ sở tại Vienna của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là một trong những mục tiêu lớn để do thám.
Những thông tin rò rỉ cũng tiết lộ chi tiết về chương trình do thám bí mật Blarney và Rampart-T, bắt đầu từ năm 1978, được dùng để thu thập các thông tin liên quan đến chống khủng bố, các chính phủ và các nhà ngoại giao nước ngoài cũng như các mục tiêu kinh tế và quân sự. Từ năm 1991, Rampart-T cũng được sử dụng để do thám các nhà lãnh đạo nước ngoài. Chương trình này tập trung vào 20 nước, trong đó có Nga và Trung Quốc.
Các thông tin rò rỉ khác
Các thông tin Snowden tiết lộ rằng, Cơ quan tình báo Liên bang Đức và Văn phòng liên bang bảo vệ Hiến pháp của Đức đã sử dụng hệ thống máy tính bí mật XkeyScore của NSA để do thám người dùng Internet và giám sát các hoạt động trên web của họ. Ngoài ra, NSA và GCHQ đã phát triển các phương pháp cho phép họ có thể hack được hầu hết hệ thống mã hóa được sử dụng trên Internet.
Bên cạnh đó, các thông tin rò rỉ còn nói rừng NSA đã bí mật cài đặt phần mềm đặc biệt trên khoảng 100.000 máy tính trên khắp thế giới, đề NSA có thể dễ dàng tiếp cận và cũng khiến các vụ tấn công mạng trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, NSA đã sử dụng một công nghệ bí mật cho phép cơ quan này có thể hack cả những máy tính không kết nối Internet.
Kho hồ sơ Snowden
Các phần thông tin mà Snowden giao cho Greenwald và Poitras tiếp tục được đăng tải trên trang web The Intercept. Theo edwardsnowden.com, một trang web được ủy quyền bởi Tổ chức Courage (được thành lập nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho Snowden), tổng cộng 2.176 tài liệu từ kho hồ sơ Snowden đã được công bố.
Phản ứng của Mỹ
NSA và Lầu Năm Góc tuyên bố Snowden đã đánh cắp 1,7 triệu tài liệu mật liên quan đến hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ và các chiến dịch quân sự của Mỹ. Snowden bị cáo buộc ăn cắp tài sản chính phủ, truyền tin trái phép các thông tin quốc phòng và cố ý tiết lộ tài liệu tình báo mật cho người không được phép. Snowden có thể đối mặt với án tù 10 năm cho mỗi tội danh (tổng cộng 30 năm tù)./.
Từ khóa:
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN