Những thông điệp ý nghĩa trong “Những ngày luân lạc”
Cập nhật: 19/10/2019
VOV.VN - "Những ngày luân lạc" có phong cách nhẹ nhàng mà thuyết phục qua giọng văn chân phương mang phong ngôn Nam Bộ…
Truyện dài “Những ngày luân lạc”của nhà văn Nguyễn Hoàng Trung Hiếu không chỉ là kể lại câu chuyện vượt qua nghịch cảnh của một thiếu niên từ 10 tuổi đến trưởng thành, mà còn có rất nhiều bài học về kỹ năng mềm trong cuộc sống, về luật pháp, quyền và trách nhiệm công dân, ứng xử trong cộng đồng.., một cách nhẹ nhàng mà thuyết phục qua giọng văn chân phương mang phong ngôn Nam Bộ…
Truyện dài “Những ngày luân lạc” của nhà văn trẻ Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, được khởi thảo vào dịp Quốc tế thiếu nhi (01/06/2019), vừa ra mắt bạn đọc vào giữa tháng 10 này như món quà tặng đến các bạn thiếu niên từ lớp 6 - 12. Đây là câu chuyện chia sẻ những kỹ năng mềm, trang bị kiến thức cơ bản về luật pháp cho trẻ vị thành niên, những bài học nhẹ nhàng, tinh tế về “đạo” đối nhân xử thế, tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm nghĩa vụ của cá nhân trong cộng đồng…
Sách“Những ngày luân lạc”. |
Truyện gồm 12 chương, là 12 câu chuyện gắn kết với nhau hấp dẫn thú vị, đầy sắc màu về cậu bé Bờm mồ côi, rồi “luân lạc” từ miệt quê sông nước Cà Mau - U Minh Hạ đến vườn chè Bảo Lộc - Lâm Đồng trong ngôi nhà cha mẹ nuôi, từ mái ấm tình thương trong tịnh xá ở Đà Lạt đến trường đại học ở Sài Gòn, trưởng thành qua từng chặng “luân lạc” hơn 10 năm :Ngày về - Ngày đi - Lớp 6A1 - Những tháng ngày tươi đẹp - Những người bạn tinh nghịch - Phiên tòa lưu động - Đêm không nhà - Khách sạn trá hình - Những phút thẩm tra - Mái ấm tình thương - Trường học “quân đội” - Ngày tri ân.
Bằng ngôi thứ nhất, tác phẩm như một tự truyện xúc động về ý chí, nghị lực, vượt nhiều trắc trở, ly quê luân lạc, có lúc tưởng chừng rơi xuống đáy tuyệt vọng, nhưng vẫn ráng vươn lên để sống như một con người có ý nghĩa của cậu bé Bờm mồ côi cả cha lẫn mẹ từ 10 tuổi đến khi trưởng thành.
Không chỉ là những tháng ngày luân lạc với bao biến cố có vui buồn, đắng ngọt, thương ghét, trầm luân- hy vọng…, mà với một đứa trẻ gần như quá ngưỡng chịu đựng nhưng rồi đều vượt qua trong nhiều nỗ lực bản thân với sự nương tựa vào các bài học luân lý về tình người từ bà ngoại, từ cha, và mọi người tốt xung quanh.
Truyện gồm 12 chương, là 12 câu chuyện gắn kết với nhau hấp dẫn thú vị. |
Không chỉ là trên bước đường luân lạc gặp bao nhiêu nghịch cảnh, có lúc như một cậu ấm thiếu gia con nhà giàu có, có khi tưởng chừng trở thành một kẻ du thủ du thực đường phố, có khi rơi vào cạm bẫy của đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia, có khi lại được sống trong tình thương bao dung khoáng đạt của những tình người từ tâm…, để rồi tự trang bị cho mình ngoài tri thức học vấn còn là những kỹ năng sống trong mọi hoàn cảnh, để không đánh mất mình lạc trôi vào cái xấu cái ác.
Cho dù là “Những ngày luân lạc”, nhưng bao trùm tác phẩm luôn mang đến không khí lạc quan, nhân vật chính là cậu bé Bờm không bao giờ oán thán hoàn cảnh sống luân lạc khổ cực của mình, ngay cả khi đang được sống trong nhung lụa thiếu gia, bỗng chốc bị rơi vào cảnh như người làm ngay chính ngôi nhà đó, nhưng Bờm chỉ cho đó là thử thách để vượt qua mà không than vãn hay nguyền rủa cuộc đời.
Và khi chịu ơn ai, cho dù là nhỏ nhất, từ một chỗ ngủ trong nhà chờ xe hay lớn hơn là được học trong ngôi trường tư rèn nghiêm như lính…, đều trân trọng biết ơn ân hưởng trên đường đời để rồi đáp trả ơn bằng cách sống hướng tới Chân- Thiện- Mỹ, luôn hướng tới cái đẹp, cái tích cực trong cuộc sống.
Việc giáo dục luật pháp cũng như hiểu biết về quyền trẻ em trong nhà trường hiện tại vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nên học đường thường xảy ra nhiều vấn đề vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức, cũng như việc lạm dụng trẻ vị thành niên với nhiều biến tướng khác nhau hiện đang là vần đề nóng của xã hội.
“Những ngày luân lạc” bắt kịp tính thời sự này, nên có hẳn hai chương 6 và 9 đề cập đến giáo dục pháp luật cho thiếu niên học sinh, thông qua câu chuyện phảng phất như các vụ án được truyền thông đưa tin, vừa sinh động cụ thể, vừa tạo không khí hành động (action) gây hiệu ứng hấp dẫn người đọc trẻ, không bị khô cứng như kiểu học luật trong giờ Công dân giáo dục.
Không chỉ kể về Bờm, “Những ngày luân lạc” còn đặc biệt thú vị, và làm cho câu chuyện của cậu bé Bờm thêm hấp dẫn, là người đọc như cùng bước “luân lạc”, để không những dõi theo câu chuyện của Bờm, mà còn được hưởng chuyến du lịch xuyên Việt đầy hương vị với phong tục và cảnh quan thiên nhiên hữu tình từ mảnh cuối cùng đất nước đến miền đất đỏ Tây Nguyên.
Từ phong tục văn hóa đậm đặc tính cách vùng sông nước Nam Bộ, từ Cà Mau miệt U Minh Hạ băng qua lục tỉnh miền Tây Nam Bộ, rồi ghé Sài Gòn hoa lệ ồn ào đầy màu sắc đan xen đông tây. Hay lướt ngang rừng miền Đông bạt ngàn cao su, ngược lên cao nguyên đầy gió nắng, để chạm vào sương giăng Đà Lạt thành phố ngàn hoa diễm lệ, rồi dừng lại bên những đồi chè Bảo Lộc mướt mát xanh non an bình…
Sau 4 tập thơ và 1 tập tản văn đã gặt hái ít nhiều thành công, thì đây là cuốn truyện dài đầu tay của nhà văn trẻ Nguyễn Hoàng Trung Hiếu. Bằng giọng văn trẻ trung nhưng mượt mà giàu màu sắc phương ngôn Nam Bộ, không quá cầu kỳ về kỹ thuật viết hay cấu trúc của câu chuyện, “Những ngày luân lạc” có ngôn từ trong sáng nhưng hiện đại, khá gần gũi với lớp trẻ hôm nay, cũng là một trong những hấp dẫn bạn đọc ở tác phẩm này.
Tác giả Nguyễn Hoàng Trung Hiếu chia sẻ sau khi hoàn thành tác phẩm, như một tâm sự nhỏ: “Viết một truyện dài cho lứa tuổi thiếu niên, mà để thấy hấp dẫn chịu đọc, khi bản thân mình lúc bằng tuổi đó không như bây giờ, các bạn thiều niên thời 4.0 này thông minh và cập nhật rất nhanh nhiều xu hướng quốc tế du nhập, thật sự rất khó.
Vì mình phải đặt mình vào chính lứa tuổi thiếu niên của hôm nay, của bây giờ. Có như thế mới thấy tác phẩm viết ra là của lứa tuổi thiếu niên đương đại, gần gũi, không giáo lý khô cứng hay thuyết giảng sách vở.
Ngoài ra phải viết những gì mà sách vở trong nhà trường không có, hay rất ít đề cập, lại phải đứng ở “vai” như bạn bè cùng lứa, như một cuộc trò chuyện thân tình, chứ không phải đứng ở vị trí bề trên dạy dỗ…, sức thuyết phục sẽ cao hơn. Bạn trẻ tìm đến tác phẩm để đọc nhiều hơn…”.
“Những ngày luân lạc” là câu chuyện dành cho tuổi thiếu niên, nhưng còn là cuốn sách người lớn cũng cần đọc, bởi trong đó có nhiều thông điệp mà những bậc làm cha mẹ, những nhà giáo có thể tham khảo để làm bạn với trẻ./.
Cây viết trẻ Trương Công Tưởng - Bình Định:“Những ngày luân lạc” là một câu chuyện rất đời, được kể trong tâm thế đầy lạc quan của tâm hồn biết yêu thương cuộc sống. Giọng văn trong sáng, sắc nét, am hiểu nhân bản và văn hóa vùng miền. Tác giả là một cây bút giàu nội lực, tung tẩy và khai phá được mình ở nhiều thể loại.
Khi đọc, tôi thấy hình ảnh mình trong đó với tuổi ấu thơ và những nhọc nhằn gian khó trên chuyến hành trình xác lập bản thân, để vượt qua, để đứng vững, để làm người và để chiến thắng chính mình. Những ngày luân lạc dành cho tất cả mọi người và dành riêng cho những ai thương nhớ thanh xuân, như một cách nhìn lại, soi chiếu và để yêu thương cuộc sống nhiều hơn".
Cây viết trẻ Hoàng Khánh Duy - Cần Thơ: "Những ngày luân lạc” là một truyện dài, nhưng với tôi, đây chẳng khác gì một tiểu thuyết thu nhỏ kể về thân phận của nhân vật chính trải qua những ngày luân lạc, rời xa quê hương, lăn lộn trên miền đất khác, tiếp xúc với miền đời khác. Từ trong gian khổ, lưu lạc, nhân vật đã được trưởng thành hơn.
Cốt truyện đơn giản, nhưng xúc động. Ánh lên từ trang là cái tình, cái nghĩa, là tư tưởng nhân đạo mà người viết gửi gắm. Mà, một tác phẩm được viết bằng những rung cảm trong tim, hướng đến giá trị của nhân bản, tình yêu thương, xứng đáng là tác phẩm văn học chân chính.
Từ khóa: Những ngày luân lạc, sách Những ngày luân lạc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN