Những sai lầm nghiêm trọng của quân Nhật trong trận Trân Châu Cảng
Cập nhật: 10/12/2021
VOV.VN - Trong khi hầu hết các nhà sử học coi cuộc tấn công bất ngờ Trân Châu Cảng của hải quân Nhật Bản ngày 7/12/1941 là gần như hoàn hảo, vẫn có một số sai sót nghiêm trọng khiến Mỹ quay trở lại hành động vài tháng sau cuộc tấn công.
Lựa chọn chỉ huy
Ngay từ đầu, việc lựa chọn Đô đốc Chuichi Nagumo chỉ huy một cuộc tấn công liều lĩnh và táo bạo như vậy đã bị nghi ngờ. Nagumo là một chuyên gia về chiến thuật tàu khu trục và ngư lôi, chỉ biết một cách mơ hồ về không quân hải quân. Đáng ngạc nhiên là Đô đốc Yamamoto, người đã lập kế hoạch và thiết kế cuộc tấn công lại giao cho Nagumo phụ trách. Nagumo cực lực phản đối việc sử dụng không quân để tấn công Mỹ và thích một cuộc đọ súng giữa tàu với tàu với Hải quân Mỹ. Có vẻ như thâm niên của viên Đô đốc này là lý do chính khiến ông ta được chọn.
Đô đốc Nagumo là một sĩ quan thận trọng, được các phi công hải quân trẻ tuổi năng nổ coi như một người cha. Bản tính thận trọng quá mức của ông khiến ông mâu thuẫn với Đô đốc Yamamoto, người nổi tiếng là một “tay chơi” và chấp nhận rủi ro. Những quyết định bảo thủ của Nagumo ám ảnh ông sau này vì những thiếu sót trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng và để mất 4 tàu sân bay trong trận Midway sau đó.
Sử dụng tàu ngầm mini
Trong khi hầu hết mọi người đều coi cuộc tấn công Trân Châu Cảng là một trận không kích thì trên thực tế, hải quân Nhật Bản đã điều động 5 tàu ngầm mini mới bí mật với thủy thủ đoàn 2 thành viên, mang theo 2 quả ngư lôi. Theo kế hoạch, các tàu ngầm cỡ nhỏ này sẽ được phóng bởi các tàu ngầm lớn bên ngoài khu vực và cập bến cảng trong bóng tối. Chúng phải cập cảng và di chuyển vào vị trí khai hỏa trước khi máy bay xuất kích lúc 8h sáng và ở dưới nước cho đến khi cuộc tấn công bắt đầu. Khi nổi lên, chúng phóng ngư lôi ở cự ly gần để tăng gấp đôi hiệu quả của máy bay ném bom.
Bất chấp những lợi thế mà tàu ngầm mini mang lại, một số nhà hoạch định chiến dịch của Nhật Bản bao gồm Mitsuo Fuchida đã phản đối việc sử dụng chúng trong cuộc tấn công. Ông này lo sợ khả năng chúng bị phát hiện và mất đi yếu tố bất ngờ, gây khó khăn cho chiến dịch. Đây thực sự là những gì đã xảy ra khi tàu quét mìn USS Condor phát hiện một kính tiềm vọng của tàu ngầm trong nước lúc 3h52 sáng.
Cảnh báo các cuộc tấn công đang diễn ra 1 giờ trước khi máy bay của tàu sân bay Nhật Bản xuất hiện đã được gửi đến sở chỉ huy hải quân ở Honolulu. Thật không may, nó đã không đến được với sĩ quan chỉ huy vào sáng chủ nhật đó. Cơn ác mộng của Fuchida đã trở thành sự thật nhưng do liên lạc của Mỹ không hiệu quả, không có báo động nào được đưa ra. Đợt tấn công đầu tiên của các máy bay tác chiến của tàu sân bay Nhật Bản đã hoàn toàn gây bất ngờ.
Trong số 5 tàu ngầm mini, 3 chiếc đã bị đánh chìm hoặc bị hư hại bởi các tàu khu trục của Mỹ, một chiếc gặp sự cố bên trong khiến nó nổi lên và mắc cạn, một trong số thủy thủ đoàn bị bắt làm tù binh đầu tiên của cuộc chiến. Không rõ liệu có tàu ngầm nào đã phóng được ngư lôi hay không. Các tàu ngầm mini của Nhật Bản không những góp phần không lớn vào cuộc tấn công tổng thể mà còn bị hải quân Mỹ phát hiện.
Sử dụng thủy phi cơ từ tàu tuần dương Tone và Chikama
Lúc 5h30 sáng 7/12/1941, Đô đốc Nagumo cần thông tin mới nhất về vị trí của các tàu Mỹ đang neo đậu. Ông ra lệnh cho máy bay xuất kích từ các tàu tuần dương Tone và Chikama kèm theo chỉ thị báo cáo về các con tàu được tìm thấy tại Trân Châu Cảng và Lahaina. Các máy bay có mặt trên không lúc 7h05 - khoảng một giờ trước cuộc tấn công và báo cáo về các tàu Mỹ tại đó và tại Lahaina.
Việc sử dụng máy bay trinh sát trước khi cuộc tấn công một lần nữa chứng tỏ sự thận trọng cao độ của Nagumo. Các chuyến bay đã được theo dõi bởi 3 trạm radar của Mỹ và chuyển tiếp cho sĩ quan trực ban. Khi đổi ca sau 7h sáng, viên sĩ quan phụ trách đã vô tình xóa bảng thông báo mà không có động thái gì và đóng cửa cơ sở. Một cơ hội phát hiện sớm cuộc tấn công của quân Nhật đã bị bỏ lỡ.
Bỏ sót kho nhiên liệu, bến tàu cạn và căn cứ tàu ngầm
Hai đợt máy bay Nhật Bản không kích tiêu diệt hầu hết các máy bay đánh chặn của Mỹ trên mặt đất tại Hickam và các sân bay khác đã vô hiệu hóa phản ứng của Mỹ một cách hiệu quả. Các máy bay ném bom và máy bay thả ngư lôi của Nhật Bản đều đã gây sát thương và đánh chìm các thiết giáp hạm Mỹ đang xếp theo hàng. Điều đáng nói là vì bến cảng quá cạn nên hầu hết các con tàu đều tương đối dễ dàng phục hồi và hoạt động trở lại trong những tháng sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng.
Trong khi quân Nhật tập trung tấn công các con tàu tại đảo Ford, họ đã sơ suất không ném bom vào kho chứa dầu khổng lồ bao quanh Trân Châu Cảng. Các bể đó chứa 4,5 triệu gallon dầu, đủ nhiên liệu cho hạm đội một năm. Nếu kho bị tấn công và bị cháy, hạm đội sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời Hawaii đến San Diego. Hầu hết các nhà sử học hải quân đồng ý với Đô đốc Nimitz, người cho rằng, trong trường hợp đó, cuộc chiến ở Thái Bình Dương sẽ kéo dài thêm một năm nữa.
Các cơ sở bãi cạn tại Trân Châu Cảng rất rộng và có khả năng đáp ứng nhu cầu của bất kỳ con tàu nào trong hạm đội Mỹ cần sửa chữa tại hiện trường. Cơ sở kho xưởng, máy móc đều nằm cận bến tàu, có đầy đủ nhân viên và không bị thiệt hại trong vụ tấn công, có thể bắt đầu các hoạt động trục vớt và sửa chữa. Căn cứ tàu ngầm chính ở Thái Bình Dương là ở Trân Châu Cảng, ít bị chú ý và bị thiệt hại trong cuộc tấn công. Các tàu ngầm cập cảng bị tấn công trực tiếp bằng bom. Chúng đáp trả và bắn rơi một số máy bay Nhật Bản trong khi không bị thiệt hại gì. Mỹ vẫn giữ được vũ khí tấn công chủ chốt là lực lượng tàu ngầm của mình.
Đánh giá thấp tốc độ phản ứng của Mỹ
Các phi công của tàu sân bay Nhật Bản đã bị bất ngờ trước phản ứng gần như ngay lập tức và ngày càng dữ dội của Mỹ sau khi cuộc tấn công được tiến hành. Một phi công nói rằng: “Tôi bị sốc trước tốc độ nhanh chóng của các xạ thủ Mỹ sẵn sàng cho cuộc tấn công. Có vẻ như các xạ thủ Mỹ đã chuẩn bị sẵn đạn dược để lên đường, không giống như hải quân Nhật Bản”. Trong đợt đầu tiên chỉ có 9 chiếc, nhưng trong đợt thứ hai có 20 máy bay Nhật đã bị bắn rơi.
Người Nhật có 74 máy bay bị thiệt hại quay trở lại các tàu sân bay, trong đó, 42 chiếc được coi là không thể khôi phục được. Trong tổng số 353 máy bay xuất kích, 29 chiếc bị bắn rơi và 42 chiếc hư hỏng nặng, không thể bay, dẫn đến tổng thiệt hại 20% số máy bay của Tập đoàn Không quân số 1. Sự mất mát này đã ảnh hưởng đến quyết định của Nagumo là không phát động đợt tấn công thứ ba.
Không có đợt tấn công thứ ba
Nagumo không có kế hoạch phát động đợt tấn công thứ ba để phá hủy các cơ sở không bị hư hại. Một số phi công đã yêu cầu Nagumo xem xét để đánh bom các ụ tàu, cơ sở tàu ngầm và kho dầu bị bỏ sót trong cuộc tấn công ban đầu. Nagumo đã hỏi một câu “Liệu hạm đội Mỹ có thể hoạt động trong vòng 6 tháng tới không?” Họ trả lời “Không, không có khả năng nhưng chúng ta nên tấn công vì còn nhiều mục tiêu”. Đô đốc Nagumo đã cân nhắc về đợt tấn công thứ ba và cuối cùng quyết định đã đến lúc rút lui về Nhật Bản. Họ đã đẩy vận may của mình đi rất xa.
Họ không biết các tàu sân bay của Mỹ đang ở đâu và không thể ở lại do lo ngại về nhiên liệu. Nagumo cho rằng sẽ thiếu thận trọng khi mạo hiểm lực lượng tàu sân bay của mình trong một trận chiến kéo dài. Theo Nagumo, quân Nhật đã hoàn thành tất cả những gì họ mong muốn.
Việc Đô đốc Nagumo quyết định rút lui về Nhật Bản và không phát động đợt tấn công thứ ba sẽ tạo tiền đề cho các cuộc giao tranh trong tương lai ở Coral Sea và Midway với hải quân Mỹ. Cuối cùng, chỉ 6 tháng sau trận Trân Châu Cảng, Mỹ tấn công hải quân Nhật Bản và thay đổi cục diện cuộc chiến./.
Từ khóa: Trân Châu Cảng, Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Thái Bình Dương
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN