Những phong cách khác từ sự trở lại của Hiện thực

Cập nhật: 27/12/2021

(VOV5) - "Một sự cố gắng xứng đáng của nhóm Hiện thực sau thời gian rất lâu quay trở lại."

Sáng 27/12, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra triển lãm lần thứ tư của nhóm Hiện thực, trưng bày tác phẩm của cáchoạ sĩ: Phạm Bình Chương, Lê Thế Anh, Nguyễn Toán, Đoàn Văn Tới, Lưu Tuyền, Lê Cù Thuần, Vũ Ngọc Vĩnh và hoạ sĩ khách mời Trịnh Lữ.

Những phong cách khác từ sự trở lại của Hiện thực - ảnh 1Một góc triển lãm.

Một triển lãm mỹ thuật diễn ra trong bối cảnh tình hình covid đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội, nhưng vẫn thu hút đông đảo khách đến thưởng lãm, có lẽ trước hết bởi cá tính sáng tạo của những họa sĩ đã nhiều năm nay bền bỉ cho người yêu và sành hội họa thấy được sức sống nội tại của hội họa cổ điển, được làm tươi mới bởi tài năng và mỹ cảm riêng có của từng tên tuổi.

NhómHiện thực ra đời năm 2014, cho tới nay nhóm đã có 4 cuộc triển lãm tại Hà Nội và TP.HCM.

Triển lãm lần này có 37 bức tranh, gây ấn tượng với phong cách vẽ của cả hai thế hệ già trẻ tiếp nối, đa chất liệu từ sơn dầu, acrylic, màu nước, lụa…

Những phong cách khác từ sự trở lại của Hiện thực - ảnh 2Từ trái qua: Họa sĩ Phạm Bình Chương, trưởng nhóm Hiện thực, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ.

Cách vẽ của nhóm dù gọi chung là hiện thực, nhưng mỗi người vẫn là một cá tính sáng tạo riêng biệt, những cách triển khai khác nhau, có khi rất thực, cực thực hoặc vẽ như ảnh thực, đi vào tâm tư, rung cảm của họa sĩ trước hiện thực cuộc sống.

Họa sĩ Lê Thế Anh, giảng viên Đại học sân khấu điện ảnh, thành viên nhóm Hiện thực cho biết, do tình hình dịch bệnh nên ý định tổ chức triển lãm định kỳ của nhóm đã phải lùi lại rất lâu, cho tới ngày hôm nay mới thực hiện được. Nhóm họa sĩ cũng hầu như chỉ có thể giao lưu cùng nhau trên mạng.

Những phong cách khác từ sự trở lại của Hiện thực - ảnh 3Tranh sơn dầu Sau cơn mưa - Họa sĩ Phạm Bình Chương.

Điểm lại những họa sĩ cùng tham gia triển lãm, tên tuổi đáng nể trọng của Phạm Bình Chương với kỹ thuật xử lý ánh sáng thượng thừa, mà tràn đầy tình cảm trong những bức sơn dầu đề tài phố cổ Hà Nội, những bức tranh lụa đầy ý niêm của Đoàn Văn Tới, những bức tranh màu nước của Nguyễn Văn Toán khiến người xem ngỡ ngàng nhận ra rằng chất liệu chỉ là phương tiện để biểu đạt xu hướng sáng tác mà người họa sĩ muốn truyền tải…; họa sĩ Lê Thế Anh cho rằng: "Mảng sơn dầu chúng tôi học tập được ở nhau khá nhiều. Ví dụ kỹ thuật vẽ nhiều lớp bài bản chỉn chu họa sĩ Lê Cù Thuần vẽ rất điêu luyện, xử lý bề mặt, sáng tối… rất tinh tế.

Những phong cách khác từ sự trở lại của Hiện thực - ảnh 4Tranh sơn dầu Gia tộc dâu tây của họa sĩ Lưu Tuyền.

Tranh của họa sĩ Lưu Tuyền, tiêu biểu nhất là bức Gia đình quý tộc dâu tây, kỹ thuật dùng màu trắng chì cực tốt, màu trong và biểu cảm rất tốt. Hoặc như Vũ Ngọc Vĩnh, tranh có màu trầm, nhưng nhìn vào thấy có sức nặng. Tôi hay gọi màu của Vĩnh là màu ý niệm, màu rất có trọng lượng, chúng ta nhìn vào tranh như có sức mạnh về tiếng nói. Tôi tin rằng mỗi một người xem tranh của Vũ Ngọc Vĩnh sẽ có những suy nghĩ khác nhau và sẽ đọc ra được những cái tứ khác nhau."

Những phong cách khác từ sự trở lại của Hiện thực - ảnh 5Họa sĩ Lê Thế Anh bên bức tranh sơn dầu Hơi ấm mùa đông.

Họa sĩ Lê Thế Anh mang đến triển lãm 5 bức tranh sơn dầu, trong đó ngoài 4 tranh thuộc đề tài anh vẫn theo đuổi về dân tộc miền núi, có một sự khác biệt ở bức tranh “Tiếng vọng" vẽ theo phương pháp sáng tác mà Lê Thế Anh gọi là “đối thoại” (hay "tiếm đoạt" như ngôn ngữ hội họa Việt thường dùng). Lê Thế Anh cho biết đây là bức tranh đối thoại với bức tranh Sóng ghềnh của danh họa Nhật Bản Hokusai.

Những phong cách khác từ sự trở lại của Hiện thực - ảnh 6Tiếng vọng - Lê Thế Anh. Acrylic.

Sử dụng bức tranh của danh họa tương tác với tư duy sáng tác cũng như ý niệm nghệ thuật của mình, Lê Thế Anh đặt nhân vật mới vào bối cảnh đã có để mang tới một không khí mới, một tiếng nói mới, sự tương tác mang tính kế thừa và dường như có sự trò chuyện với tác phẩm kinh điển cả vể tâm tình lẫn tiếng nói nghệ thuật.

''Bức tranh này tôi đã vẽ ở Trại sáng tác lưu trú tại Phú Quốc.

Ở triển lãm này bên cạnh đề tài quen thuộc, tôi nghĩ Tiếng vọng sẽ có một cái gì đó mới mẻ hơn. Trước đó tôi từng có những bức theo chủ đề đối thoại này, như bức Rượu hồng đối thoại với tranh của Matisse, hoặc bức Quả táo đỏ đối thoại với tranh của Vangogh chẳng hạn”. - Anh nói.

Những phong cách khác từ sự trở lại của Hiện thực - ảnh 7Những bức tranh được đem tới triển lãm đều là những chọn lọc tâm huyết của nhóm tác giả.

"Khi làm triển lãm lần này chúng tôi không đặt nhiều những yếu tố chuyên môn hay áp lực gì vì tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý sáng tác. Chúng tôi chỉ mong có một cuộc hội ngộ của anh em với nhau, và thấy nếu dịch bệnh như thế này mà tổ chức được một triển lãm cũng là điều đáng mừng rồi.

Tuy nhiên triển lãm lần này nhận được nhiều sự đánh giá cao, và bản thân chúng tôi cũng thấy tất cả những bức tranh được bày tại đây đều là những bức tranh tâm huyết của mình, nên về chất lượng của triển lãm là điều chúng tôi rất tự tin. Một sự cố gắng xứng đáng của nhóm Hiện thực sau thời gian rất lâu quay trở lại." - Họa sĩ Lê Thế Anh chia sẻ.

Những phong cách khác từ sự trở lại của Hiện thực - ảnh 8Một góc triển lãm.

Họa sĩ Trịnh Lữ cho biết, ông tham gia triển lãm khi được trưởng nhóm Hiện thực họa sĩ Phạm Bình Chương mời, và cũng bởi nhận thấy mối tương đồng với những họa sĩ trẻ tài năng, “có những mẫn cảm về hội họa khác nhau nhưng đều mượn hình ảnh có thực để diễn đạt những giao đãi giữa những tâm thức của người họa sĩ trong nội tâm hay với ngoại cảnh, diễn đạt bằng mắt nhìn thấy hoặc tưởng tượng chứ không chối bỏ hoàn toàn sự vật bên ngoài”

Những phong cách khác từ sự trở lại của Hiện thực - ảnh 9Triển lãm được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật.

"Chất lượng tác phẩm trong triển lãm này theo tôi là rất cao trên hai phương diện: kỹ thuật và ý tưởng muốn truyền đạt. Về kỹ thuật, khi xem triển lãm thấy anh em đã làm chủ chất liệu sáng tạo của mình một cách rất vững vàng từ màu nước vẽ trên giấy, màu nước vẽ trên lụa, đến sơn dầu vẽ trên toan, đến arcrylic và những chất liệu hỗn hợp. Mỗi người đều có khả năng làm chủ vật liệu của mình rất rõ ràng, nên tác phẩm mới có sức biểu cảm mạnh như vậy. Nhưng ngoài chất liệu, tôi thấy khả năng diễn tả những ý tưởng của tác giả cũng rất rõ, người xem có thể cảm nhận được ngay." - Họa sĩ Trịnh Lữ khẳng định.

Triển lãm diễn ra từ 27/12 đến mùng 2 Tết dương lịch.

"Phòng tranh này rất thú vị ,bởi vì cùng vẽ hiện thực nghĩa là vẽ rất thật, nhưng mỗi người đều có một phong cách riêng. Điều ấy nhiếp ảnh không bao giờ có thể làm được. Những bức tranh của nhóm Hiện thực thực sự có giá trị nghệ thuật và thực sự có đóng góp, trong đó ngoài những đóng góp về tạo hình, về nghệ thuật, thì mỗi tác giả đều có cá tính rất riêng. Những họa sĩ ở đây đều có tay nghề rất cao, mới thể hiện được sự sâu sắc này. Mỗi người một phong cách và anh em trong nhóm có sự bổ sung cho nhau, giúp đỡ nhau, khai thác đúng thế mạnh của mỗi người. Nhóm Hiện thực đã làm được điều rất đáng ghi nhận, là thay đổi được thành kiến đã tồn tại rất nhiều năm về tranh hiện thực, đã trả về cho nó đúng vị trí vốn có, thực sự là hội họa, thực sự có những tìm tòi, những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân rất rõ ràng, không thể thiếu trong sự phát triển chung của nền mỹ thuật Việt Nam. - Họa sĩ Thành Chương.


Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, triển lãm nhóm hiện thực, hội họa hiện thực, tranh sơn dầu, Phạm Bình Chương, họa sĩ, họa sĩ Lê Thế Anh, Trịnh Lữ, bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, hội họa Việt Nam, họa sĩ Thành Chương, triển lãm tranh

Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập