Những phiền hà với cuộc gọi điện thoại có dấu hiệu lừa đảo
Cập nhật: 07/12/2023
VOV.VN - Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của người đàn ông giọng miền Trung thông báo "hai ngày nữa" sẽ khoá sim, chị M biết gặp phải đối tượng lừa đảo, mặc kệ gã này huyên thuyên.
Sự việc trên xảy ra với chị M ở quận Hà Đông, Hà Nội mới đây. Chị M cho biết, đang trong cuộc họp thì nhận được cuộc điện thoại từ số 0927889423. "Anh ta nói giọng miền Trung. Ban đầu hỏi đúng cả họ tên tôi", chị M kể.
Sau đó, người này nói với chị: "Hai ngày nữa, số thuê bao điện thoại của anh sẽ bị khoá".
Mặc kệ anh ta huyên thuyên, chị M chốt lại: "Tôi sẽ gửi số điện thoại này cho công an". Không buông tha ngay, giọng miền Trung ở đầu bên kia vẫn trả lời, giọng thách thức: "Anh muốn gửi tới đâu thì gửi. Anh không muốn nghe thì không cần bắt máy" và dập máy.
Một trường hợp bị làm phiền, đe doạ "khoá máy" và có dấu hiệu lừa đảo khác là anh H (trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo anh H, ban đầu, kẻ gọi điện thoại cho anh cũng nói số thuê bao anh đang dùng sẽ bị khoá trong hai ngày tới. Biết gặp phải đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, anh T giả vờ hỏi "vì sao lại khoá".
Gã gọi điện thoại cho anh H sau đó hướng dẫn làm các thao tác, gặp người này người kia. Cuộc nói chuyện diễn ra trong gần 20 phút. Cuối cùng, anh H nói với gã: "Cảm ơn". Người này giở giọng bực tức: "Anh không muốn nghe sao không tắt máy, để tôi gọi tới 20 phút".
Theo Luật sư Phạm Văn Liêm, Công ty Luật TNHH Nước Việt - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, tại Khoản 1, Điều 170 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Do đó, hành vi nhắn tin, gọi điện chửi rủa, bôi nhọ, lăng mạ, khủng bố tinh thần nhằm mục đích đòi tiền như trong tình huống nêu trên là có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự và mức hình phạt cao nhất của tội này là 20 năm tù.
Việc mà mọi người cần làm để bảo vệ bản thân là khi nghe điện thoại hay nhắn tin trả lời phía bên cho vay tiền cần phải khẳng định mình không có quan hệ vay mượn và không bảo lãnh cho người bạn của mình trong quan hệ vay mượn tiền với bên cho vay.
Đồng thời yêu cầu bên cho vay chấm dứt ngay các hành vi nhắn tin, gọi điện cho mình. Mặt khác, cần lưu lại những tin nhắn, ghi âm các cuộc gọi để làm bằng chứng khi trình báo, tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên.
Đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, kể từ ngày 1/3/2023, đầu số 156 sẽ được sử dụng chung để tiếp nhận các yêu cầu tra cứu thông tin tên miền và phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo...
Bộ Thông tin và Truyền thông giao Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông tiếp nhận và xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156.
Thống nhất cách thức kết nối, trao đổi thông tin giữa hệ thống của doanh nghiệp và hệ thống của VNNIC; quy trình tiếp nhận, lưu trữ, chuyển tiếp, xử lý yêu cầu tra cứu thông tin tên miền bằng phương thức nhắn tin qua đầu số 156.
Đại diện Cục Viễn thông cũng đưa ra lời khuyên khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai cách: Gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại tới đầu số 156 như sau:
Cách thứ nhất: Khách hàng gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, đối với tin nhắn rác, soạn tin theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, khách hàng soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Cách thứ hai: Khách hàng gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.
Từ đó, sẽ yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng quy định theo Điểm e, Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP (tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông).
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khuyến cáo người dân cần cảnh giác, đề phòng các cuộc gọi từ số lạ, “dọa” khóa thuê bao.
Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, người dân cần cung cấp bằng chứng tới cơ quan công an gần nhất để đề nghị xử lý vi phạm theo pháp luật.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo như đã nói ở trên.
Từ khóa: điện thoại, Những phiền hà với cuộc gọi điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, dấu hiệu lừa đảo, cuộc gọi lừa đảo, gọi điện thoại lừa đảo, cuộc gọi rác, số lạ, dọa cắt thuê bao,lừa đảo
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hoàng/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN