Những nữ doanh nhân với khát vọng đưa thương hiệu Việt bay xa
Cập nhật: 08/03/2024
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Trong các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk, nhiều nữ doanh nhân đã khẳng định bản lĩnh, tài năng trong sản xuất kinh doanh đã phát huy tài năng, trí tuệ, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa những sản phẩm có chất lượng cao vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Sau khi xuất khẩu thành công lô macca chính ngạch với trọng lượng hơn 10 tấn sang thị trường Hàn Quốc, chị Lê Thị Trang, Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nutri Soil ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, giấc mơ đưa nông sản của Đắk Lắk vươn ra thế giới của chị đã trở thành hiện thực.
Nhớ lại những tháng ngày khởi nghiệp của 7 năm trước, chị Trang cho biết, khi đó chỉ có hoài bão và niềm tin còn lại cái gì cũng không có. Chị Trang chia sẻ, chị khởi nghiệp với hạt macca từ năm 2015 sau khi đã từng làm qua nhiều việc khác nhau tại Buôn Ma Thuột. Hai năm đầu, nhiều lô hàng làm ra không đạt chất lượng, đơn hàng bị trả về, vùng nguyên liệu lại không ổn định nên cứ "vá trước thủng sau".
Việc kinh doanh chưa hiệu quả cũng khiến những người đồng hành với chị, nản dần rồi rút lui. Tuy nhiên, với sự kiên định của mình và tử tế trong kinh doanh, dần dần chị Trang đã xây dựng được thương hiệu cho công ty, sản phẩm mắc ca của công ty cũng dần chiếm lĩnh được thị trường.
Từ tháng 12/2017, các mặt hàng macca của công ty với thương hiệu Nutri Soil hầu như đã phủ khắp đến 80% các cửa hàng, siêu thị tư nhân trên thị trường Buôn Ma Thuột. Đến nay các mặt hàng của Công ty đã xuất hiện hầu khắp thị trường trong nước.
Với container macca xuất sang thị trường Hàn Quốc vừa qua đã mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của công ty và tạo động lực để chị Lê Thị Trang viết tiếp những dự định cho tương lai.
“Em ước sẽ hoàn thiện nhà máy rộng khoảng 600m2, trang bị đầy đủ thiết bị máy móc rồi trang bị cho mình đội ngũ nhân công chuẩn chỉnh, luôn có đơn hàng để đảm bảo đời sống công ăn việc làm cho họ. Cũng mong muốn doanh nghiệp mình có vùng nguyên liệu riêng để hỗ trợ cho bà con nông dân và ổn định đầu vào để trong quá trình bán hàng ra thì mình tự tin sản phẩm của mình được kiểm soát chất lượng ở mức tốt nhất.” - chị Lê Thị Trang chia sẻ.
Một nữ doanh nhân khác đã kịp điền tên mình vào danh sách những doanh nghiệp có hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thi trường nước ngoài là chị Phạm Thị Phương Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung.
Lô hàng 300kg tổ yến, trị giá 12 tỷ đồng của công ty đã chính thức xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc hồi đầu năm 2024 là dấu mốc quan trọng, mang lại cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến tại Đắk Lắk.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung có hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực dẫn dụ chim yến và mua bán tổ yến các loại. Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán và ký kết Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc xuất khẩu tổ yến, Công ty đã thiết lập hồ sơ xuất khẩu tổ yến. Đến tháng 11/2023, doanh nghiệp được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận.
Chị Phạm Thị Phương Dung cho biết, để sản phẩm tổ yến được xuất khẩu chính ngạch đã trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước. Trong đó, phải đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch, vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện đúng quy cách đóng gói, bảo đảm truy xuất nguồn gốc...
“Về lâu dài cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng thì chúng tôi muốn kết hợp lại với nhau để tạo dựng thương hiệu yến sào của Việt Nam đứng vững trên thị trường thế giới. Và muốn tất cả các doanh nghiệp đã được xuất khẩu cùng nhau hướng tới sản phẩm yến của Việt Nam được tốt hơn” - chị Phạm Thị Phương nói.
Hiện thực hóa ước mơ làm nông sản sạch và đưa nông sản Đắk Lắk vươn ra thị trường thế giới, chị Nguyễn Thái Thanh, Giám đốc Công ty CP Ban Mê Green Farm đã sẵn sàng từ bỏ vị trí Giám đốc Xí nghiệp thoát nước Buôn Ma Thuột và bắt tay vào khởi nghiệp khi đã ngoại tứ tuần.
Trải qua 7 năm tự mày mò, thực nghiệm từ trồng rau bằng phương pháp thủy canh, trồng cà chua Nova bằng công nghệ cao, rồi đến từng vườn cây của nông hộ để tìm vùng nguyên liệu, đến nay, Thái Thanh đã trở thành cái tên quen thuộc tại Đắk Lắk khi nhắc đến doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện, nhà máy gia công chế biến nông sản của công ty đang có công suất gia công từ 11.000 - 14.000 tấn nguyên liệu mỗi năm. Cùng với đó công ty đã ký hợp đồng hợp tác phát triển vùng nguyên liệu trồng ớt xuất khẩu đi các nước như Nhật, Hàn Quốc và châu Âu…
Thời gian tới, đơn vị sẽ ký hợp tác với một số đối tác lớn và các hộ nông dân tại các huyện để chủ động nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cho các thị trường quốc tế.
“Nhìn lại quá trình khởi nghiệp của mình trong suốt 7 năm qua, bản thân tôi thấy hối tiếc nhất là mình khởi nghiệp chậm quá. Tôi hài lòng nhất là định hướng trên con đường nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch của mình. Qua đại dịch Covid-19 và qua 7 năm thì tôi càng khẳng định được rằng là những quyết định của mình tại thời điểm đó cho đến bây giờ vẫn luôn đúng và nó là xu hướng đúng cho tương lai” - chị Nguyễn Thái Thanh chia sẻ.
Chị Trang, Dung và chị Thanh chỉ là 3 trong số nhiều nữ doanh nhân thành đạt tại tỉnh Đắk Lắk. Họ đã và đang khẳng định bản lĩnh, tài năng và sự bền bỉ trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Đồng thời, họ cũng không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kiến thức để bắt nhịp với xu thế kinh tế hội nhập, xứng đáng là những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Từ khóa: nữ doanh nhân, nữ doanh nhân,thương hiệu Việt,Đắk Lắk
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nam trang/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN